4 lý do khiến khán giả phát cuồng vì truyền hình thực tế
Thứ hai, 17/09/2012 13:36

Sức mạnh nào khiến những cuộc chơi khai sinh từ xứ người lại dễ dàng thích nghi và thành công ở nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có Việt Nam?

Truyền hình thực tế ngày càng ăn khách tại Việt Nam.

Truyền hình thực tế ngày càng ăn khách tại Việt Nam.

Chưa đầy một thập niên kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, các trò chơi nhập khẩu được sản xuất theo phong cách truyền hình thực tế như Tìm kiếm thần tượng, Giọng hát Việt, VN Next Top Model, Cặp đôi hoàn hảo…đã cuốn phăng những mô hình thi cử cũ kỹ mà chúng ta từng biết đến như Tiếng hát truyền hình, Trò chơi liên tỉnh hay SV. Kéo theo là vai trò sản xuất được giao về cho các công ty truyền thông với sự hậu thuẫn của các nhãn hàng tài trợ hoặc quảng cáo, nhà đài chỉ ngồi kiểm duyệt nội dung cuối cùng và ăn chia lợi nhuận.

Sân khấu hào nhoáng của Giọng hát Việt (The Voice).

Sức mạnh nào khiến những cuộc chơi khai sinh bởi truyền hình Anh – Mỹ này lại dễ dàng biến hóa, thích nghi và thành công ở nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có Việt Nam, đến vậy? Câu trả lời có lẽ cần được soi chiếu trong bối cảnh chủ nghĩa tiêu thụ lan rộng, mọi tâm lý ham muốn và hành vi của người tiêu dùng đều được gọi tên và lập thành biểu đồ, thống kê. Mà dưới đây, chúng ta có thể tạm liệt kê vài đặc tính bao trùm của chúng như sau:

1.Tính hào nhoáng và lấp lánh

Dù có chung cách thức mang lại cho những người vô danh một cơ hội được trình diễn, khoe tài trước đám đông và nhận bình xét từ họ, nhưng nhìn chung tại Việt Nam, những cuộc thi ở dạng gai góc, trần trụi, được dàn dựng như cuộc phiêu lưu (như The Amazing Race) vẫn kém thu hút hơn những chương trình mang vẻ ngoài hào nhoáng và lấp lánh (như Idol, The Voice, Dance with the Star).

Những chương trình có sân khấu lung linh, có người nổi tiếng vung tay khoe nhẫn kim cương, có thí sinh biến từ “vịt con” thành “thiên nga”, có vài trăm khán giả ngồi dưới nhiệt tình vỗ tay và la hét khi cần…đã gây được ham thích cho đám đông. Qua đó, phản chiếu nhu cầu của một xã hội sùng bái vật chất và coi trọng các giá trị bề ngoài.

2.Tính hấp dẫn của cuộc đấu loại trừ

Nguyên tắc của môn đấu võ đài đã được áp dụng trong các cuộc thi truyền hình thực tế. Bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích trò khai thác luật đào thải giữa con người là phi vụ kinh doanh tàn nhẫn, nhưng luật chơi này đã đóng góp phần hấp dẫn chính cho nhiều cuộc thi trình diễn trên sân khấu.

Những cuộc thi như The Voice đặt thí sinh vào cuộc đấu loại trừ nhau bằng khả năng ca hát và trình diễn.

Mặt khác, việc đặt luật chơi thắng thua trong nghệ thuật cũng gần như đồng nghĩa với việc tạo môi trường cho…xì căng đan bùng nổ, gây ra bởi những tranh cãi quan niệm và cảm nhận. Thậm chí, rất dễ cho người dàn dựng tiết mục “bơm thổi” hoặc “dìm hàng” thí sinh bằng cách tạo ra những điều kiện kỹ thuật thuận lợi hay bất lợi cho màn trình diễn. Mà vụ “cô bé quăng bom” của VN’s Got Talent và “clip” Phương Uyên của The Voice vừa qua là những điển hình. Duy trì môi trường dễ phát sinh xì căng đan có thể xem là một phần chủ ý của nhà sản xuất khi họ luôn cố gắng phong tỏa thông tin hậu trường. Dù rõ ràng điều nên làm là minh bạch hóa để tránh chuyện tai tiếng.

3. Người xem được dự phần

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, khán giả trở thành “thượng đế” đúng nghĩa. Các chương trình liên tục khua chiêng múa trống bằng tên của người nổi tiếng lẫn các chiêu trò xì căng đan cố ý hay ngoài mong đợi... nhằm lôi kéo “rating” và thu hút sự chú ý của khán giả. Thậm chí nhiều chương trình còn trao quyền quyết định người chiến thắng cho họ. Hay như The Voice khi đi vào chặng cuối, còn khuấy động chút lòng tốt, sự thương cảm nơi người xem khi cho họ quyền cứu vớt một thí sinh nào đó đi tiếp tục.

Trong những chương trình như Idol, Khán giả sẽ quyết định người chiến thắng bằng tin nhắn bình chọn.

Tuy nhiên, trong mối quan hệ với khán giả, chưa có chương trình nào tại Việt Nam sòng phẳng công bố cho họ biết số liệu tin nhắn bình chọn được thống kê và kiểm toán độc lập. Không rõ vì sợ lộ doanh thu tin nhắn hay vì sợ không còn can thiệp được vào kết quả, nhưng điều không minh bạch này làm khán giả khó cảm thấy bị thuyết phục là mình đã thua bởi một đám đông lớn hơn.

4. Gợi hi vọng cho những ước mơ

Các chương trình đều phô trương như một sân chơi đầy hi vọng và cơ hội cho tất cả những ai có chút tài năng và đang mơ ước sẽ được đám đông công nhận. Đó có thể là bất cứ tài năng nào, từ ca hát, khiêu vũ, chơi đàn cho tới nấu ăn, ảo thuật và những tài lẻ khác.

Với truyền hình thực tế, con đường đi tới danh vọng và tiền bạc của một người có tài đã trở nên ngắn nhất. Có khi chỉ cần vài tuần lễ, qua vài live show. Sự thành công chóng vánh khiến con đường đi tới đỉnh cao nghệ thuật của họ trở nên mờ mịt hơn rất nhiều bởi những nhầm lẫn giữa danh tiếng và thực lực, cát-sê và tài năng.

The Voice, nơi “nạn nhân” phải đấu tranh bảo vệ cho “thủ phạm”?

Viễn cảnh về con đường thành công ngắn nhất quả đã lôi kéo hàng ngàn bạn trẻ kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi đăng ký thử giọng ở các cuộc thi hát. Nhiều người đã làm điều này liên tục trong nhiều năm, nhưng con đường tưởng chừng là ngắn nhất lại ngày một xa mịt mù.

Trong vụ “lộ clip” dàn xếp kết quả vừa qua ở The Voice, nếu có điều gì đó thật thương tâm và tội nghiệp thì chắc chắn không phải ở những giọt mắt dàn dụa của Phương Uyên, bởi nếu cô đừng làm điều không hay thì sẽ chẳng ai “hãm hại” cô được.

Đáng tội nghiệp nhất phải là các thí sinh. Tất cả đã đồng loạt giơ cánh tay theo lời hô hào biểu quyết, theo lời của giám khảo Đàm Vĩnh Hưng, để giữ lại vị giám đốc âm nhạc có bằng chứng cho thấy đã cố gắng “nâng người này hạ người kia” trong cuộc thi. Nạn nhân trực tiếp và chịu nhiều thiệt thòi nhất hẳn phải là họ.

Quả là vở kịch đầy bi hài khi đứng trước những thế lực, người ta đã đứng lên “đấu tranh” và bảo vệ một nhân tố khiến cho cuộc chơi của họ không còn minh bạch và công bằng! Lẽ nào con đường trở thành người chiến thắng trên truyền hình lại nghiễm nhiên là phương tiện và cứu cánh duy nhất cho những người trẻ hôm nay?

Nếu như điện ảnh Hollywood thống trị màn ảnh khắp thế giới bằng phim “bom tấn”có  kỹ xảo hoành tráng và nội dung chia sẻ những giá trị phổ quát của nhân loại. Thì ngành truyền hình Anh – Mỹ cũng đang có những ảnh hưởng riêng theo cách của mình, thông qua các hợp đồng bản quyền trị giá hàng triệu USD, cho phép các đài truyền hình trên khắp thế giới khai thác những trò chơi truyền hình mà họ sáng tạo.

Với cách tiến hành mang nhiều đặc trưng riêng có, các trò chơi như The Voice, Idol hay Next Top Model…đủ nổi tiếng thông qua các mạng lưới truyền hình cáp toàn cầu để không bị sao chép ở bất cứ nước nào, cho dù đó là một Trung Quốc nổi tiếng làm hàng nhái. Mặt khác, thương hiệu của phiên bản gốc cũng là yếu tố đảm bảo cho độ ăn khách của phiên bản địa phương. Do vậy, sự thống trị của các cuộc thi truyền hình thực tế ở Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của ngành giải trí trên truyền hình thế giới.

 

VNN
Tag: Truyền hình thực tế , Chương trình giải trí , ngành công nghiệp giải trí , Giọng hát Việt , The Voice , VN Next Top Model , Cặp đôi hoàn hảo , Vietnam Idol