10 năm tới nên cấm hoàn toàn xe máy

Tiến sĩ Lương Hoài Nam - đề xuất như vậy sau khi lãnh đạo TP.Hà Nội, TP.HCM có kiến nghị Chính phủ về việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc.

Quan điểm của ông về đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân dự kiến áp dụng tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM?

- Giao thông đô thị đang trở nên bức xúc đối với người dân Hà Nội và TP.HCM. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 4,9 triệu xe máy và hơn nửa triệu xe ô tô. Nếu lấy 4,9 triệu xe máy chia cho 7.000km đường thì bình quân 1km đường ở Hà Nội đang "gánh" khoảng 700 xe máy và khoảng 70 ô tô. Ở TP.HCM, có khoảng 5,5 triệu xe máy, chia cho 3.600km đường thì bình quân, 1km đường ở đây "gánh" hơn 1.500 xe máy.

Như vậy, đường ở Hà Nội và TP.HCM đang gồng mình "gánh" số lượng xe máy khổng lồ. Tôi cho rằng, đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân hoàn toàn đúng đắn và cần sự phối hợp quyết liệt của các địa phương, bộ, ban ngành, cũng như sự ủng hộ của người dân.

Đường phố Hà Nội tắc nghẽn vì có quá nhiều phương tiện cá nhân tham gia giao thông (ảnh chụp tại phố Tây Sơn, Hà Nội). Ảnh:Đàm Duy

Ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc) cấm xe máy lâu rồi và khoảng 150 thành phố khác cũng đã có lộ trình cấm xe máy. Yangon (Myanmar) đã cấm xe máy mấy năm nay. Người dân Yangon vẫn sống tốt khi không có xe máy đấy thôi!

Tôi cho rằng đây là việc cần phải làm quyết liệt, có lộ trình rõ ràng. Lộ trình 10-15 năm đến khi loại bỏ hoàn toàn xe máy là phù hợp. Ở Trung Quốc lộ trình cấm xe máy dài 7-10 năm, ta chậm cũng không sao, miễn là làm được.

Khi giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân được áp dụng, liệu giao thông Hà Nội và TP.HCM có thay đổi không?

- Tôi tin rằng giao thông sẽ bớt ùn tắc, tai nạn sẽ giảm nếu Hà Nội và TP.HCM mỗi nơi có 20.000 - 30.000 xe buýt, phủ kín được đô thị và đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Tất nhiên người dân phải đi bộ một đoạn ra bến xe chứ không ở đâu trước mỗi nhà dân có một bến xe buýt.

Giao thông công cộng phát triển đồng nghĩa với việc con người sẽ văn minh hơn, khỏe khoắn hơn, ứng xử với nhau tốt hơn. Những nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia... đường nội đô của họ cũng có rộng hơn Việt Nam lắm đâu, nhưng vì ít xe máy nên trông văn minh hơn nhiều.

Giao thông công cộng ở nước ta hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân chưa, thưa ông?

- Giao thông công cộng của Việt Nam mình quá kém. Xe buýt quá ít, chất lượng thấp. Tàu điện ngầm chưa có. Hiện mới đang xây dựng tàu điện trên cao, hệ thống xe buýt nhanh. Tuy nhiên tầm nhìn quy hoạch và cách quản lý còn yếu kém dẫn đến các dự án đều chưa thể đưa vào hoạt động theo đúng tiến độ, gây thất thoát rồi tăng vốn đầu tư.

Hạ tầng đường sá ở Hà Nội và TP.HCM về cơ bản là đủ để phát triển xe buýt. Việc nói thiếu đường để phát triển xe buýt là không đúng. Việt Nam mình thiếu xe buýt chứ không thiếu đường dành cho xe buýt. Hiện nay mình nhiều xe máy quá nên xe buýt không thể phát triển mạnh được.

Nếu cứ để 700 xe máy/km đường như ở Hà Nội bây giờ thì rất khó phát triển xe buýt. Với mật độ xe máy như vậy, xe buýt vừa khó chạy, vừa dễ gây tai nạn cho người đi xe máy.

Xin cảm ơn ông!

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết: "Bình quân hàng tháng trên địa bàn thành phố có 18.000 - 22.000 xe máy, 6.000 - 8.000 ô tô đăng ký mới. Với tốc độ này, chưa tính đến năm 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm tăng lên thì năm 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô, 7 triệu xe máy, chưa kể ô tô của lực lượng vũ trang cũng như xe các tỉnh vào Hà Nội. Nếu không có giải pháp từ bây giờ, tình hình ùn tắc giao thông sẽ ngày càng phức tạp".

Cán bộ phải làm gương

Tôi cho rằng việc hạn chế xe cá nhân là cần thiết. Việc này cách đây nhiều năm thành phố đã bàn nhiều rồi, và tôi nghĩ TP.HCM cần quyết liệt thực hiện. Tuy nhiên để làm được điều này phải có nhiều giải pháp kết hợp với nhau. Đặc biệt nếu thực hiện thì các cán bộ, công chức phải làm gương thực hiện trước để người dân làm theo.

Đào Khắc Khởi (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM)Giải quyết đồng bộ

Theo tôi đây là chủ trương lớn, để thực hiện cần có thời gian, có lộ trình cụ thể. Trước đây tôi từng có ý kiến về vấn đề này, phải giải quyết đồng bộ các vấn đề về phát triển hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông công cộng và kiểm soát quy hoạch đô thị, chứ không nằm riêng ở câu chuyện hạn chế xe cá nhân. Bởi vì hạn chế xe cá nhân cũng chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch giảm ùn tắc giao thông tại thành phố.

Chuyên gia giao thông Phạm SanhLàm sớm và triệt để

Bất cứ ai đang sinh sống, học tập và lao động trong nội thành Hà Nội đều phải chịu chung cảnh ách tắc giao thông diễn ra hàng ngày. Chính vì thế việc hạn chế xe cá nhân là hết sức cần thiết, cần tiến hành sớm, triệt để. Mặt khác cần tăng phương tiện công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân được nhanh chóng và thuận lợi.

Lê Dũng (Ba Đình, Hà Nội)Tăng xe công cộng

Tôi ủng hộ chủ trương cần giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tăng phương tiện xe công cộng là xe buýt. Tuy nhiên, đường sá trong phố còn hẹp, vì vậy nên trang bị những xe có chiều dài vừa phải để đỡ chiếm phần đường của các phương tiện tham gia giao thông khác.

Đình Thắng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)