Chiến công trên đất Mỹ của nữ biệt động mang biệt danh 'Chim Sắt'
Chủ nhật, 21/12/2014 08:49

19 tuổi, Thu Nguyệt đóng vai nhân tình của 1 người làm trong sân bay, mang bụng bầu giả chứa thuốc nổ cài vào máy bay chở 80 cố vấn Mỹ với ý định cho nổ tung...

Cựu biệt động Sài Gòn Thu Nguyệt kể chuyện hoạt động cách mạng năm xưa, trong buổi giao lưu hôm 18/10 tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM.

Cựu biệt động Sài Gòn Thu Nguyệt kể chuyện hoạt động cách mạng năm xưa, trong buổi giao lưu hôm 18/10 tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM.

Nắm được quy luật của dịch, hàng tuần đều có chuyến bay từ Tân Sơn Nhất trở về Honolulu (Bang Hawail – Mỹ), trên máy bay bao giờ cũng có hàng trăm sĩ quan và binh lính Mỹ, một kế hoạch táo bạo đã được đặt ra – Cần phải có một chiến thắng ngay trên đất Mỹ. Kế hoạch lớn này được giao cho đồng chí Từ Đạt – Phó Tư lệnh quân khu lên phương án và trực tiếp chỉ huy. Đây là trận đánh rất độc đáo, nhưng có thể chỉ đánh được một lần, nên phải chuẩn bị cực kỳ công phu, chu đáo.

Việc đầu tiên là phải gài được người vào trong sân bay. Đồng chí Phạm Văn Lung 8E (Mười Lung) được giao trọng trách này. Mười Lung đã được gài trót lọt, công việc của anh là sắp xếp và vận chuyển hành lý của hành khách lên máy bay. Tiếp đến là việc vận chuyển chất nổ vào sân bay. Ai sẽ là người đủ điều kiện: Linh hoạt, khôn ngoan để bao bọc thân phận và phải thật dũng cảm, kiên cường, bởi đây là một công việc cực kỳ nguy hiểm, có thể phải hy sinh tính mạng nếu việc bị bại lộ, không thành. Sau rất nhiều lựa chọn, đồng chí Tư Đạt đã giao nhiệm vụ này cho Lê Thị Thu Nguyệt – một thiếu nữ còn rất trẻ, có ngoại hình xinh xắn, mang biệt danh “Chim Sắt” của đội 159 Biệt động Sài Gòn.

Thu Nguyệt sinh năm 1944 tại Đà Nẵng, mẹ mất sớm, cha đi tập kết, gửi con gái lại cho người em là chú Năm Lý tại Sài Gòn. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, lại được sống trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Sài Gòn, Thu Nguyệt sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm, 15 tuổi, khi đang còn mặc đồng phục học sinh, cô đã là chiến sĩ biệt động. Càng lớn, Nguyệt càng xinh tươi, nhanh nhẹn. Hai vợ chồng chú Năm tâm niệm sẽ cho cháu gái mình học hành đến nơi đến chốn, cả văn hóa, cả ngoại ngữ và nữ công gia chánh, với mong muốn khi anh trai từ miền Bắc trở về sẽ được nhận một cô con gái đức hạnh vẹn toàn. Nhưng một lòng của cô gái đã hướng theo con đường chiến đấu để giải phóng đất nước như cha cô đã lựa chọn.

Năm 1962, Thu Nguyệt đã từng tham gia trận đánh tại Triển lãm Quân đội trước tòa Đô chính Sài Gòn, trận này do đồng chí Lê Thanh Tùng chỉ huy. Thu Nguyệt cùng với nhóm Trần Cường, Trần Tiến Quang vào xem triển lãm, trong chiếc khăn Thu Nguyệt cầm trên tay là một trái lực đạn. Khi lựa chọn được thời cơ, Thu Nguyệt đã kín đáo chuyển quả lựu đạn cho Trần Tiến Quang, để anh ném vào bụng chiếc trực thăng HUIA mới được Mỹ trang bị cho quân đội Sài Gòn. Tiếng nổ không chỉ phá tan chiếc trực thăng, làm chết và bị thương 5 tên địch, mà còn làm cho cuộc triển lãm khoe khoang vũ khí của Mỹ phải đóng cửa vị khách khứa quá hoảng loạn, 4 chiến sĩ biệt động rút lui an toàn.

Để chuẩn bị cho trận đánh lớn hơn này, Thu Nguyệt đã phải dành nhiều thời gian để học về chất nổ, học về cách sử dụng, hẹn giờ cho thật thành thạo, chính xác… nhưng cái khó nhất là phải vượt qua nhiều trạm kiểm soát gắt gao của địch, Thu Nguyệt phải thực hiện không được sơ sẩy một điều gì trong kế hoạch đã được đặt ra.

Để được vào sân bay thường xuyên, Thu Nguyệt phải đóng vai “bồ nhí” của Phạm Văn Lung (Mười Lung). Với mối quan hệ này, Thu Nguyệt bị người đời dè bỉu, bị vợ Mười Lung ghen tuông, không chỉ vậy, cô bị chú thím của mình rầy la, giận dữ vô cùng, họ không thể chấp nhận cô cháu gái còn quá trẻ, xinh đẹp, tương lai xán lạn của mình đâm đầu vào yêu đương mê muội một người đàn ông già, có vợ… Nỗi khổ tâm này khiến Thu Nguyệt – cô nữ sinh xinh đẹp chưa một lần được yêu, đôi lúc cũng phải nao núng… Chỉ huy trận đánh, đồng chí tư Đạt hiểu được tâm trạng của nữ chiến sĩ biệt động trẻ, đã động viên an ủi và khích lệ cô rất nhiều, ông đã cho cô thấy được sứ mệnh quan trọng mà cô đang gánh vác trên vai. Thu Nguyệt vững tâm hơn, cô quyết sống chết với trận chiến. Và để tạo cho mình một vỏ bọc hợp lý với nhiệm vụ của mình, Thu Nguyệt chấp nhận sự hy sinh lớn hơn – cô giả là có bầu với Mười Lung, để ôm khối thuốc nổ trong người vượt vòng kiểm soát của an ninh sân bay. Nhiệm vụ của Mười Lung là sẽ nhận khối thuốc nổ từ “cô bồ” để chuyển vào một chiếc va ly của lính Mỹ, trà trộn trong khoang hành lý trên máy bay.

Vượt qua những phút cực kỳ căng thẳng tại các trạm kiểm soát, công việc đã được hoàn tất, khối thuốc nổ cực mạnh có đồng hồ hẹn giờ đã nằm gọn trên chiếc Boeing 707. Chuyến bay ấy có 130 sĩ quan và binh lính Mỹ. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh thì anh Mười Lung và “cô bồ nhí” của anh đã biến khỏi sân bay.

Theo kế hoạch tính toán của ta, máy bay cất cánh 20 phút, khi ra đến vùng biển thì mìn sẽ nổ, nhưng chờ mãi, mong mãi vẫn không thấy tin tức gì. Chỉ huy, Thu Nguyệt và đồng đội lòng nóng như lửa đốt… Mọi người đã nghĩ đến 1 kết cục không thành… Nhưng điều gì đến rồi cũng đến!

Sáng sớm ngày hôm sau, 26/3/1992, Đài BBC đưa tin: Chiếc máy bay Boeing 707 của Mỹ bay từ Tân Sơn Nhất Việt Nam, sau nhiều giờ bay đã hạ cánh tại sân bay Honolulu. Toàn bộ khách và phi đoàn rời khỏi máy bay khoảng 5 phút thì máy bay phát nổ. Không có thiệt hại về người, nhưng máy bay và một số hành lý, tài liệu quan trọng của quân đội Mỹ đã bị phá hủy hoàn toàn.

Cũng buổi sáng hôm ấy, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam cũng đưa tin này. Trận đánh của Đội 159 Biệt động Sài Gòn được Hồ Chủ Tịch khen: “… Quân và dân miền Nam ta đánh Mỹ rất giỏi, không những đánh Mỹ ở Việt Nam, mà còn đánh Mỹ cả trên đất Mỹ…” Trận đánh gây tiếng vang với dư luận quốc tế và làm chấn động nước Mỹ.

Sau khi có kết quả trận đánh, mọi người đã tìm ra được nguyên nhân về vụ “nổ muộn” đó. Khi ở mặt đất, đồng hồ chạy bình thường, nhưng khi máy bay lên cao tới 10.000 mét, áp suất thay đổi, đồng hồ không chạy, khi máy bay hạ cánh, áp suất trở lại bình thường, đồng hồ lại chạy. Trận đánh không giết được bọn sĩ quan và binh lính Mỹ, nhưng đã thể hiện sự thông minh, tài trí của lực lượng biệt động Sài Gòn. Đồng chí Phạm Văn Lung được tặng thẳng Huân chương Chiến công hạng Nhì, còn Lê Thị Thu Nguyệt được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Vừa rồi, có dịp công tác phía Nam tôi đã đến thăm chị Thu Nguyệt. Dù đã bước vào tuổi 70 song chị vẫn nhanh nhẹn, vẫn giữ được nét thanh tú, dịu dàng của cô nữ sinh được mang danh hiệu “Chim Sắt” của Biệt động Sài Gòn năm xưa.

Đại tá Nguyễn Huy Toàn (Tuổi trẻ & Đời sống)

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: biet dong mang biet danh Chim Sat , chien cong tren dat My , khang chien chong My cuu nuoc , quan doi Viet Nam , chien thang cua dan toc Viet Nam , tin , bao