Tai nạn thảm khốc tại Gia Lai: Ai chịu trách nhiệm?
Thứ hai, 08/05/2017 14:13

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự thì người gây ra vụ tai nạn thảm khốc này còn phải bồi thường thiệt hại đối với gia đình các nạn nhân.

Phát hiện xe tải lao vút trong đêm, CSGT Gia Lai dùng xe rượt theo nhưng không kịp trước khi chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc làm 13 người chết.

Đến tối ngày 7/5, có thêm một hành khách tử vong trong vụ tai nạn giữa ôtô giường nằm và xe tải trên Quốc lộ 14 qua thị trấn Chư Sê (Gia Lai), nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng lên 13 người.

Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: báo Vnexpress)

Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: báo Vnexpress)

Đây là một vụ tai nạn thảm khốc, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây, gây rúng động dư luận.

Chạy ngược chiều, chạy quá tốc độ quy định... đó là nguyên nhân ban đầu được nhà chức trách xác định là đã khiến cho chiếc xe tải mang BKS: 77C-13937 lao vào xe khách giường nằm khiến hậu quả thảm khốc.

Với hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng ấy, liệu cá nhân, đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm ra sao trước pháp luật?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Pháp luật Plus vừa có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.

Luật sư Cường cho biết, về mặt pháp lý thì vụ việc trên có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

"Nếu kết quả xác minh đúng như thông tin ban đầu, do lái xe tải chạy ngược chiều đâm vào xe khách gây hậu quả thảm khốc như vậy thì người lái xe tải sẽ bị xử lý hình sự (nếu người lái xe tải còn sống) về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" - luật sư Đặng Văn Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Là một sự việc đáng tiếc nhưng vụ tai nạn này cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người bất chấp pháp luật, coi thường luật giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi này cần phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh để tránh xảy ra những hậu quả xấu tương tự. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự thì người gây tai nạn thảm khốc trong vụ án này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy đối với gia đình các nạn nhân.

phapluatplus.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Tai nạn , Tai nạn ở Gia Lai , Tử vong , Ai chịu trách nhiệm