Phượt thủ tử nạn: Dân phượt truyền nhau kinh nghiệm leo núi, đi rừng an toàn
Thứ hai, 21/05/2018 22:16

Từ câu chuyện đau lòng về một nam phượt thủ tử nạn trong rừng, cô gái Lê Bùi Thị Thảo Nguyên – một người mê du lịch bụi đã có những chia sẻ kinh nghiệm khi đi du lịch.

Những ngày qua, thông tin sự việc nam thanh niên mất tích 8 ngày khi leo cung đường rừng từ xã Tà Năng (tỉnh Lâm Đồng) qua Phan Dũng (tỉnh Bình Thuận), được tìm thấy khi đã tử vong khiến nhiều người bàng hoàng, thương xót.

Vụ việc này đã gây ra nhiều luồng tranh cãi trái chiều, trong cộng đồng phượt, nhiều người cũng đã chia sẻ kinh nghiệm khi đi phượt.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, cô gái Lê Bùi Thị Thảo Nguyên (SN 1991, Lâm Đồng) là một người mê du lịch bụi cũng đã chia sẻ kinh nghiệm khi phượt thủ leo núi, đi trong rừng rậm.

Cộng đồng mạng - Phượt thủ tử nạn: Dân phượt truyền nhau kinh nghiệm leo núi, đi rừng an toàn

Thảo Nguyên - một người mê du lịch bụi chia sẻ về bản thân.

Thảo Nguyên cho biết: “Tôi hay đi du lịch bụi một mình, nhưng khi đi núi hay rừng tôi thường hay lựa chọn đi theo đoàn để có thể hỗ trợ nhau. Còn nếu đi một mình, tôi sẽ chỉ đi những ngọn núi có nhiều người đi, theo những cung đường dễ đi (ví dụ leo núi Bà Đen theo đường chùa, đường cột)”.

Khi đi rừng núi, trong ba lô của tôi luôn có dao và bật lửa. Trang bị thêm một cái còi để khi lỡ có lạc đường còn gây được sự chú ý của những người khác. Đặc biệt, khi tham gia leo núi, đi rừng cùng đoàn tôi chọn đi chung với những người bạn mình đã biết từ trước, có sự tin tưởng".

Phân tích lý do nên đi cùng người đã biết từ trước, chị Thảo Nguyên nói thêm: “Đi với người quen biết từ trước thứ nhất, mình sẽ biết trước tính cách của từng người, khi đi chung mọi người hiểu và hỗ trợ lẫn nhau, tránh xảy ra xung đột.

Thứ 2, biết nhau trước các thành viên trong đoàn sẽ biết trước khả năng, sức khoẻ của từng người mà có sự phân chia hợp lý, ai dẫn đoàn, ai chốt, mỗi người mang theo những gì. Nếu là tôi, tôi luôn thuê người dẫn đường hoặc nhờ một người bạn có kinh nghiệm dẫn đi”.

Cộng đồng mạng - Phượt thủ tử nạn: Dân phượt truyền nhau kinh nghiệm leo núi, đi rừng an toàn (Hình 2).

Khi vào rừng rậm nên nhờ người dẫn đường.

Trước câu hỏi của PV, khi đi cùng tập thể vào rừng, nếu một thành viên không nghe theo ý kiến của trưởng đoàn về cung đường đi thì nên xử lý thế nào?

Cô gái Lâm Đồng nói: “Khi có mâu thuẫn về cung đường, cả nhóm nên ngồi lại với nhau, cùng xem lại bản đồ và trình bày lý do tại sao bạn chọn đường này, đường kia. Nếu vẫn không thống nhất được ý kiến, có thể chia ra thành nhóm nhỏ, mỗi nhóm 2-3 người đi thám thính đường, rồi quay về điểm hẹn. Nếu chỉ có một thành viên kiên quyết không nghe theo, dù đã thuyết phục thì cũng nên cử thêm 2-3 bạn cùng bạn ấy đi dò đường”.

Và để chuẩn bị hành trang cho một chuyến phượt, Thảo Nguyên đã chia sẻ kinh nghiệm phượt của bản thân:

“Thứ nhất, cần chuẩn bị sức khoẻ. Bản thân không cần phải khoẻ như vận động viên, nhưng ít ra sức khoẻ cũng phải ở mức khá, có thể chịu được việc di chuyển liên tục, thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng...

Thứ hai, cần chuẩn bị kiến thức về nơi mình sắp đến, ở đó địa hình, thời tiết, văn hoá ra sao.

Thứ ba, chuẩn bị về kỹ năng: Kỹ năng giao tiếp, ứng phó với tình huống bất ngờ, hiểu biết về xe cộ (nếu tự di chuyển bằng xe đạp hoặc xe máy),... Nếu di chuyển trong rừng thì cần nhiều hơn nữa. Ví dụ như kỹ năng dựng lều trại, nhóm bếp, tìm nước, phân biệt các loại cây độc, cây thuốc, kỹ năng sơ cứu khi bị bong trật gân, côn trùng cắn,...

Tôi thấy, kỹ năng sơ cứu khi bị thương, tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn khi đi rừng là những kỹ năng mà hiện nay đa số các bạn trẻ đi phượt không có, thậm chí không thèm quan tâm.

Cuối cùng, là tiền bạc và tư trang, tuỳ chuyến đi của mình mà chuẩn bị cho phù hợp, đi rừng hay đi biển, dài ngày hay ngắn ngày. Đi ngắn ngày thì mang quần áo đủ thay, dài ngày quá thì mang theo quần áo dễ khô để giặt. Đem theo một số thuốc cơ bản như paracetamol, berberin, thuốc chống muỗi - côn trùng, giày dép phù hợp.

Nếu không đi vào những vùng quá hẻo lánh, chỉ nên mang theo 1 khoản tiền nhỏ đủ dùng 3-4 ngày, hết lại rút tiếp, không nên mang quá nhiều tiền mặt cũng như vật dụng có giá trị cao bên mình. Nên chia tiền để nhiều nơi trong các túi, ba lô, photo hoặc chụp ảnh giấy tờ, đề phòng bất trắc, đi theo đoàn tuyệt đối không dồn tiền và giấy tờ cho một người giữ”.

Cộng đồng mạng - Phượt thủ tử nạn: Dân phượt truyền nhau kinh nghiệm leo núi, đi rừng an toàn (Hình 3).

Trước khi xách ba lô lên và đi, những người mê xê dịch nên lưu ý chuẩn bị các vật dụng,
kỹ năng cần thiết cho một chuyến hành trình trải nghiệm.

Trước sự việc của nam phượt thủ tử nạn khi leo cung đường rừng Tà Năng- Phan Dũng, cô gái Thảo Nguyên bày tỏ sự đáng tiếc và chia buồn của mình.

Thảo Nguyên đưa ra lời khuyên: “Tôi nghĩ, trên mỗi cung đường dù dễ hay khó cũng đều có những nguy hiểm, có những nguy hiểm tự mình gây ra cho mình, nhưng cũng có nguy hiểm khách quan mà bản thân không lường trước được. Tất cả những gì có thể làm là chuẩn bị sức khoẻ, hành trang, kỹ năng tốt nhất có thể”.

 
Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: phượt thủ tử nạn , kinh nghiệm leo núi , đi rừng