Nguyên phó giám đốc Quỹ tín dụng tỉnh Hậu Giang tự tử
Thứ hai, 24/09/2018 07:42

Ông Bùi Chí Linh tìm đến cái chết trong khi vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Hậu Giang chưa kết thúc.

Chiều 23/9, lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giangxác nhận ông Bùi Chí Linh (41 tuổi, nguyên Phó giám đốc Quỹ tín dụng tỉnh Hậu Giang) uống thuốc trừ sâu tự tử. Vụ việc xảy ra vào cuối tuần trước, tại nhà riêng của ông Linh, ở xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).

Theo hồ sơ tố tụng, ông Linh là bị cáo trong vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Hậu Giang (bị bắt năm 2014). Vụ án này còn có các bị cáo khác là Lê Hữu Tâm (59 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng tỉnh Hậu Giang), Nguyễn Thiện Hồng (nguyên Giám đốc Quỹ tín dụng tỉnh Hậu Giang) và Phan Văn Tập (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiện Quỳnh Kiên Giang).

Một tháng trước TAND tỉnh Hậu Giang đưa vụ án ra xét xử lần hai nhưng phải hoãn vì ông Tâm vắng mặt vì bị bệnh. Trong lúc chờ ông Tâm điều trị bệnh liên quan đến tim tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Linh tìm đến cái chết khi được tại ngoại.

Nguyen pho giam doc Quy tin dung tinh Hau Giang tu tu hinh anh 1

Bùi Chí Linh khi bị bắt 4 năm trước. Ảnh: A.X.

Quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Hậu Giang thành lập năm 2007, hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Tâm bị nghi đã nhờ 28 người thân và nhân viên đứng tên vay tiền của quỹ. Khi lập hồ sơ vay vốn, ông này chỉ đạo cấp dưới, tìm cách nâng khống giá trị tài sản thế chấp lên hàng chục lần.

Nguyễn Thiện Hồng đã ký giải ngân 24 hồ sơ, giúp cấp trên chiếm đoạt trên 45 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến Quỹ tín dụng Hậu Giang mất khả năng thanh khoản, không có tiền trả cho người gửi vào cuối năm 2011.

Trước áp lực rút vốn của người gửi tiền, nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng Hậu Giang đã chỉ đạo Bùi Chí Linh huy động vốn trong dân, với lãi suất cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, vị Phó giám đốc đã để ngoài sổ sách 8 sổ tiết kiệm của khách hàng, chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2012, một công ty "sân sau" của Tâm ở Cần Thơ ký hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi trị giá 20 tỷ đồng với một doanh nghiệp tại Bình Dương. Ngày 7/12/2012, Hồng cung cấp chứng thư có giá trị 20 tỷ đồng để bảo lãnh cho công ty của Tâm tại Cần Thơ.

Tương tự, Linh đã cấp chứng thư trị giá 5 tỷ đồng cho một doanh nghiệp "sân sau" của Tâm tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), dù Quỹ tín dụng Hậu Giang không có chức năng cấp chứng thư bảo lãnh. Công ty này do Phan Văn Tập làm giám đốc.

Tháng 8/2015, Tâm bị TAND tỉnh Hậu Giang tuyên 30 năm tù, Linh 24 năm tù về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Hồng 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tâm với hai thuộc cấp sau đó kháng cáo. Tháng 5/2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm. Quá trình điều tra lại cơ quan tố tụng phát hiện Tập có dấu hiệu đồng phạm với Tâm nên xử lý hình sự ông này.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết theo quy định của pháp luật thì khi bị cáo đã chết, mọi hoạt động tố tụng liên quan đến ông Linh sẽ được cơ quan chức năng đình chỉ.

 
Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Tự tử , Nguyên phó giám đốc Quỹ tín dụng tự tử , vụ án chiếm đoạt tài sản