Ngày 6- 1- 2012, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2011 tại TPHCM. Tính đến cuối tháng 12-2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,105 triệu tấn với trị giá 3,507 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo VFA, xuất khẩu gạo năm 2012 có thể gặp nhiều khó khăn hơn.
Tín hiệu khó khăn
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết năm 2012, thị trường xuất khẩu gạo khó khăn do các nước xuất khẩu nhiều đang tồn kho lớn nên xu hướng giá cũng sẽ giảm do cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung cấp. Ấn Độ đang tích cực bán ra với giá thấp để giải quyết hàng tồn kho lớn (gồm 60 triệu tấn nông sản các loại, trong đó có 26,3 triệu tấn gạo).
Thu mua lúa gạo tại ĐBSCL. Ảnh: Ngọc Trinh
Myanmar cũng tuyên bố sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo giá thấp. Trong khi đó thời gian qua, Thái Lan xuất khẩu giảm do giá thiếu cạnh tranh nên lượng gạo tồn kho cũng khá lớn nay cũng phải đẩy hàng tồn ra bán... Tuy nhiên, theo VFA, Việt Nam vẫn có thể duy trì xuất khẩu gạo trong năm 2012 từ 6,5 triệu- 7 triệu tấn.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Á chiếm 67%, châu Phi chiếm 23%. Do cạnh tranh gạo giá cấp thấp gay gắt nên Việt Nam mất khoảng 20% với thị trường châu Phi. Quý I/2011, Việt Nam đã có hợp đồng xuất khẩu 1,8 triệu tấn nhưng quý I/2012 chỉ mới có 1,1 triệu tấn.
Hai phương án mua lúa tạm trữ
Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo, thị trường xuất khẩu gạo đang trong thời điểm trầm lắng nên kéo giá lúa gạo trong nước giảm mạnh. Những tháng trước, giá lúa tại ĐBSCL trên 7.000 đồng/kg nay giảm còn 5.800 đồng/kg khiến nông dân là người bị thiệt hại đầu tiên.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An, cho biết tuy trong năm qua, giá lúa gạo trong nước tương đối cao nhưng nông dân cũng chưa được hưởng lợi nhiều vì có lúc họ bán được giá nhưng cũng có thời điểm phải bán giá thấp. Nay thị trường khó khăn, giá lúa giảm mạnh, cần sớm có biện pháp can thiệp để hỗ trợ người trồng lúa.
Xung quanh vấn đề này, ông Trương Thanh Phong thông tin VFA đã có kế hoạch với 2 phương án để tiến hành thu mua lúa gạo tạm trữ nếu giá lúa trong nước xuống thấp. Trường hợp giá lúa giảm nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân, hiệp hội sẽ chỉ đạo các DN thành viên can thiệp ngay bằng cách tiến hành thu mua lúa gạo tạm trữ để giá lúa không xuống dưới 5.000 đồng/kg (VFA sẽ có biện pháp hỗ trợ DN tham gia thu mua lúa gạo tạm trữ). Nếu giá lúa có biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân, VFA sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về chính sách để DN tham gia thu mua lúa gạo tạm trữ.
Cảnh báo gạo cấp thấp Theo VFA, thị trường gạo thế giới hình thành 3 mức: Loại giá cao thuộc về Thái Lan (hiện họ còn tồn kho lớn), giá trung bình thuộc về Việt Nam và giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. VFA cũng cảnh báo năm 2012, nếu các địa phương vẫn sản xuất nhiều lúa gạo cấp thấp sẽ rất khó tiêu thụ vì không thể cạnh tranh với giá gạo cấp thấp của nhiều nước vốn đang có thế mạnh. Ngay năm 2011, xuất khẩu gạo cấp thấp đã bị giảm 61%, trong khi gạo chất lượng loại 5% tấm tăng gần 20% và gạo thơm tăng hơn 100%. |