Xử Trần Thúy Liễu: Nghe tòa hỏi, muốn... té ghế!

Không chỉ có người dân Long An, nhiều người dân ở TP. HCM cũng lặn lội xuống tận nơi để xem trực tiếp phiên xét xử vụ án. Những câu hỏi lòng vòng, né tránh của chủ tọa phiên tòa làm nhiều người bức xúc.

Trong số cả ngàn người dân đến xem phiên xử vụ án nhà báo Lê Hoàng Hùng bị sát hại, ngoài người dân tỉnh Long An còn có rất nhiều người từ TP. HCM không ngại đường xa lặn lội đến với hy vọng: Công lý được sáng tỏ.

Từ TPHCM xuống Long An coi xử án

Đơn cử là chị Nguyễn Thị Thu, phường Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân. Chị và một người khác là Lê Thị Bên từ sáng sớm đã  lặn lội từ TP. HCM xuống Long An xem xử án.

Kết thúc phiên xử buổi sáng, chị Thu nhận định: Điều làm chị ấn tượng là những lời trần tình của mẹ nhà báo Hoàng Hùng tại phiên tòa vì rất chân tình và xót xa bởi hiếm có mẹ chồng nào vị tha cho con dâu như vậy.

“Cái chính bà muốn vẫn là con dâu quay đầu nhìn lại những lỗi lầm của mình bởi rằng bà cũng như mọi người đều hiểu đằng sau Liễu chắc chắn có kẻ xúi giục Liễu giết chồng”, chị Thu thẳng thắn nói.

Chị Thu cho rằng: Vị luật sư bào chữa cho gia đình anh Hùng tranh luận có chiều sâu, xoáy vào những chi tiết chủ tọa còn bỏ ngõ nhưng tiếc rằng bà Liễu cứ lảng tránh.

Không riêng gì chị Thu, ông Lê Thúc Hà, hiện là Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh phường 1, TP. Tân An, cũng rủ anh chị em họ của mình ngụ quận Bình Thạnh – TP. HCM, xuống xem tòa xử. Bởi theo ông là lâu nay chưa từng có vụ án nào gân chấn động dư luận như thế.

Sau phiên xử buổi sáng, ông Hà vẫn còn bực tức, nói: Chủ tọa sao cứ cắt ngang lời truy vấn bị cáo của luật sư đại diện người bị hại, trong khi mọi người rất cần làm sáng tỏ động cơ bà Liễu giết chồng. Bản thân Liễu cũng quanh co chối tội, càng làm cho dư luận bức xúc.

Riêng ông Tâm, dù sao cũng phải đền tội vì đã phá hoại hạnh phúc gia đình của Liễu – Hùng. Chúng tôi là những người dân yêu cầu tòa phải xử lý nghiêm, công minh, đúng người đúng tội thì lòng dân mới tin.

Cùng ý với ông Hà, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, xã Bình Tân, TP. Tân An, phân tích: Phần chất vấn của luật sư bào chữa cho bị hại hay nhưng bà Liễu trả lời chưa thỏa đáng, thẩm phán, chủ tọa cũng hỏi lòng vòng, chưa  xoáy sâu vào những tình tiết còn nghi vấn như: Người mua dây dù là nam hay nữ, bà dùng bịch đựng xăng hay dùng can?

“Tôi mong phiên tòa chiều nay phải hỏi xoáy vào những chi tiết mà dư luận còn nghi vấn để long dân yên”, chị Thủy nói thêm.

Có mặt tại tòa án tỉnh từ hơn 5 giờ sáng, gương mặt đầy tâm trạng, bác Nguyễn Thị Tuyết, 74 tuổi, ngụ P1, TP. Tân An, nói: Tôi ở lại ăn cơm tại tòa để kiếm một chỗ ngồi xem xử tiếp. Biết nhà báo Hoàng Hùng trong một vụ án chủ tiệm vàng lừa tiền người dân và khi hay tin Hoàng Hùng bị giết chết, bác thường xuyên theo dõi báo để nắm thông tin.

Tòa xử được 2 tiếng, bác xin tờ giấy của một phóng viên tại tòa để gửi gắm tâm huyết của mình cho thư ký tòa.

“Thúy Liễu là người đàn bà hư hỏng, hành vi giết chồng khó chấp nhận, cần phải loại ra khỏi xã hội…”. Tôi chỉ mong tòa xử công minh để răn đe cho toàn xã hội”, bác Tuyết nói.

Tiếp tục phiên xử buổi chiều, bên ngoài hành lang, dù trời nắng nhưng nhiều người vẫn đội nằng để xem phiên xử qua màn hình.

Nhìn cho được ông Tâm, bà Liễu

Sáng sớm ngày 29/3, hơn 50 phóng viên, kỹ thuật, quay phim... đến từ nhiều báo, đài của TP. HCM và các tỉnh, thành khác cũng đến từ rất sớm với lỉnh kỉnh máy móc để tác nghiệp tại phiên tòa. Xem video phiên xử tại đây.

Dự đoán sẽ có rất đông nhà báo đến dự nên tòa dành hẳn 4 dãy ghế để phóng viên ngồi tác nghiệp. Tuy nhiên, do lượng phóng viên quá đông, nhiều người phải vừa đứng vừa làm, tác nghiệp tại chỗ để đưa tin nóng về tòa soạn.

Không chỉ có báo chí quan tâm, hàng trăm người dân cũng có mặt tại tòa từ 5h sáng để theo dõi cho được vụ án gây chấn động dư luận suốt một năm qua.

Cầm tờ báo trên tay, anh Phan Thanh Bình, ngụ phường 1, TP. Tân An, bức xúc, nói: Tòa không bố trí màn hình bên ngoài, âm thanh quá nhỏ, phòng xử lại quá chật nên rất nhiều người không thể theo dõi trực tiếp phiên tòa, xem tòa xử thế nào. Tôi muốn trực tiếp vào phòng xử để nghe rõ động cơ nào bà Liễu giết chồng. Kiểu này giống như xử kín chứ không phải công khai!

Cùng lúc, có rất nhiều người dân cũng từ tòa bước ra với dáng vẻ thất vọng vì bỏ việc cả ngày để xem phiên xử nhưng không được như ý muốn.

May mắn lọt vào phòng xử, bà Trần Thị Ngọc Phượng, ngụ TP. Tân An, hồi hộp cho biết: Tôi sẽ dõi theo phiên tòa cho đến khi kết thúc vì tôi theo vụ án này lâu lắm rồi và quan trọng là vụ án còn nhiều điểm gút, nếu tòa xử không công minh có thể bỏ lọt người, lọt tội.

Nhiều người dân dự khán cho rằng, ông Nguyễn Văn Tâm (bìa trái) có liên quan đến cái chết của nhà báo Hoàng Hùng

Không thể vô phòng xử, nhưng cụ Nguyễn Văn Vui, 80 tuổi, ngụ phường, TP. Tân An, vẫn kiên nhẫn ngồi bên hành lang để chờ kết quả. Cụ An cho biết đã có mặt tại tòa từ 5 giờ sáng “Tôi phải theo dõi đến cùng để về nhà kể lại cho con cháu nghe”.

“Tôi thấy bất bình vì ông Tâm không liên can đến vụ án trong khi ông Tâm rành rành quan hệ với Liễu, chụp hình, chụp ảnh, trao đổi thông tin ngay khi vụ án xảy ra, thậm chí Tâm quan hệ bất chính với Liễu nhưng cũng không liên can đến vụ án… Rồi mấy trăm cuộc gọi giữa ông Tâm và Liễu nhưng công an cũng bỏ qua. Phải lôi cho được sự thật ra ánh sáng”, cụ Vui bày tỏ.

Tương tự, cụ Lê Ngọc Sanh, 82 tuổi, 7h sáng đạp xe qua tòa án để nghe xét xử, cũng cho biết: Nói ông Tâm không liên quan đến vụ án là không đúng, ông Tâm biết bà Liễu phạm tội mà không khai là che giấu tội phạm. Tôi mong đợi phiên tòa xét xử thật công minh.

Bị cáo Liễu xỉu lên xỉu xuống trong phiên tòa

Bà Cúc (đường Huỳnh Văn Gấm, chợ phường 2, TP. Tân An) liên tục đi qua đi lại ở hành lang chờ đến giờ xét xử, với gương mặt căng thẳng vì bà theo dõi vụ án này cả năm qua nên mong muốn nó sớm kết thúc.

Bà Cúc bức xúc nói: Nếu ông Tâm không có gì với Liễu, tại sao lại thư qua tin lại thường xuyên trước và sau khi xảy ra vụ án, người bình thường cũng thừa biết là họ quan hệ trên mức bình thường mới hành xử như vậy. Tôi nghĩ một mình Liễu không thể ra tay giết chồng dễ dàng như vậy.

"Thông tin mà một số báo nêu có sự mâu thuẫn, ban đầu nói chỉ có người đàn ông đến tiệm tạp hóa mua sợi dây dù nhưng sau đó lại nói có thêm người phụ nữ. Điều này cho thấy, nhiều tình tiết còn trong bóng tối, cần phải được làm rõ. Nghe đâu, tòa sẽ xử 18 đến 20 năm chứ không phải chung thân, như vậy thật không tương xứng với hành vi phạm tội của Liễu’, bà Cúc nói thêm.

Không chỉ những người thường xuyên theo dõi vụ án đến dự phiên tòa mà còn có rất nhiều người dân chỉ nghe qua lời kể cũng tranh thủ đến để nghe thực hư và nhìn mặt bà Liễu, ông Tâm.

Mẹ nhà báo Hoàng Hùng

Có lẽ người lớn tuổi và đặc biệt nhất đến tham dự phiên tòa này là cụ Hồ Thị Tư, 95 tuổi. Dù không thể đi đứng và bị điếc, nhưng nghe mọi người trong xóm xôn xao bàn tán, cụ yêu cầu con gái đẩy xe lăn từ 7h sáng đến tòa để nghe xử án.

Cụ già không đi được cũng đến dự phiên tòa

Hai chị em Nguyễn Thị Kim Giàu, 12 tuổi, cũng bỏ lỡ một buổi bán vé số để có mặt tại tòa. Theo Giàu, em đến đây để nhìn mặt bà Liễu và nghe xử án, nếu vé số bán không hết sẽ trả lại đại lý, chứ một vụ án vợ đốt chồng tày đình như vậy sao không đi dự cho được.

Âm thanh phiên xử quá tệ

Hơn 2h tham dự phiên tòa, hầu hết người dân khi được hỏi đều cho biết nhiều lần không nghe rõ phần chất vấn cũng như trả lời của bị cáo, nhân chứng, người có liên quan và gia đình người bị hại. Nguyên nhân do âm thanh vừa nhỏ vừa ồn, micro khi có âm thanh khi không, thỉnh thoảng lại hú lên tiếng ồn điếc tai.

Quá bức xúc, nhiều người ngồi dưới la to: Ồn quá, không nghe rõ gì!

Người dự khán, thậm chí cả bị cáo Liễu đôi khi không nghe được lời chủ tọa vì âm thanh quá kém

Kể cả  khi chủ tọa chất vấn người có liên quan là ông Mến (cha ruột Thúy Liễu) và bà Nga (mẹ nhà báo Hoàng Hùng), nhiều lần hai người đều nói: Nhỏ quá không nghe. Lúc này chủ tọa yêu cầu: Được rồi, ngồi xuống.

Cả phần chất vấn của chủ tọa với bị cáo Liễu, nhiều lần bị cáo Liễu cũng nói: Bị cáo nghe không rõ.

Cả phần chất vấn của luật sư Nguyễn Văn Đức (bào chữa cho phía đại diện bị bại) dành cho bị cáo Liễu, nhiều người cũng nghe không rõ.

Tệ hơn là những người theo dõi phiên xử qua màn hình, âm thanh càng tệ. Quá thất vọng, nhiều người đã bỏ về.

Anh Trần Văn Công, ngụ TP. Tân An, đến tòa từ sớm đến tòa để nghe hỏi cung, nhưng theo anh, nghe không rõ, lúc được lúc không nên đến hơn 9 giờ, anh bỏ về.

Một số hình ảnh trong phiên xử sáng 29/3:



Ông Trần Văn Mến, cha ruột bị cáo Liễu