Xóm chài Trung Nghĩa: Nếu có ba điều ước...

Dân xóm Trung Nghĩa (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) tự bao đời chuyên nghề chài lưới. Chồng lênh đênh ngoài biển, vợ ở nhà nướng cá chạy chợ, chăm con...

Cách đây 5 năm, thuyền đánh cá Trung Nghĩa dàn hàng ngang san sát trên cửa biển, giờ thì vắng lặng bóng thuyền. Ảnh: P.T.C

Con đói nợ đòi!

Buổi chiều tháng 3, mặt trời sắp tắt nắng, xa xa phía biển đỏ rựng ráng hoàng hôn, thượng tá Nguyễn Văn Cảnh dẫn tôi tới thăm xóm Trung Nghĩa. Trên đường đi, anh Cảnh đã kịp cung cấp cho tôi một số tình hình đặc điểm của xứ này. Ở Trung Nghĩa hầu hết bà con đều theo đạo Thiên chúa, sống bằng nghề chài lưới, đoàn kết thuỷ chung, chỉ hiềm một nỗi nghèo nhất huyện Lộc Hà. Sự nghèo không phải do mọi người biếng nhác, mà do nhiều nguyên nhân kết nối làm cho họ bất lực trước biển.

Trước mặt tôi là nhà chị Trần Thị Thu, chị đang ngồi trên chiếc ghế nhựa, bón cháo cho đứa con 8 tháng. Trông đứa bé rõ là suy dinh dưỡng, bởi mới được 2 tháng tuổi thì mẹ thiếu sữa. Người mẹ cũng gầy xọp. Gia đình chị nghèo là phải, chưa đầy tuổi ba mươi chị Thu đã có 3 con. Có lẽ về công tác truyền thông dân số - kế hoạch hoá gia đình của thôn và xã chưa lọt được tai chị chăng. Đứa con đầu mới học lớp 4, đứa thứ hai 4 tuổi. Chị Thu buồn bã nói: “Cả nhà em sống nhờ vào biển, nhưng mấy năm nay biển mất mùa, nhà mô nhà nấy đều thiếu ăn cả. Em đang kêu chính quyền công nhận hộ nghèo để có thêm chính sách hỗ trợ, nhưng chờ mãi cũng chưa đến lượt mình...”.

Cảnh nghèo gia đình chị Trần Thị Thu.

Chị cũng không giấu giếm rằng gia đình chị đói gạo triền miên, nhiều bữa phải chạy đôn chạy đáo để vay gạo hàng xóm. Xóm đạo Trung Nghĩa tuy nghèo, nhưng “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Có người cho hẳn chị dăm cân gạo, người chai nước mắm, người bó chè xanh... Nhờ vậy, gia đình chị Thu mới vượt qua cơn bĩ cực. Đặc biệt là những lúc vợ chồng con cái ốm đau. Do túng thiếu nên chị Thu thường ngại dùng điện, chỉ dùng bóng đèn thắp đủ sáng, việc đun nấu vẫn là chiếc kiềng ba chân truyền thống cùng với lá cây, củi khô gom lượm. Gian nhà chật chội dựng lên bằng thứ gạch tậplô, để cả nhà che mưa nắng.

Thế nhưng chị Thu đang ngày đêm lo ngay ngáy vì chuyện món nợ cả gốc và lãi 30 triệu đồng ở Ngân hàng NNPTNT huyện Lộc Hà. Chị đưa cho tôi xem tờ giấy báo nợ với nội dung thúc giục cấp bách: “Nếu đúng thời hạn quy định mà không trả nợ, ngân hàng sẽ chuyển sang nợ quá hạn và phạt bằng 130% cho lãi suất...”. Một phụ nữ hàng xóm vào chơi, góp chuyện: “Xóm ni vay tiền ngân hàng không riêng gì nhà o Thu, mà có tới hàng chục nhà. Xã Thạch Bằng giờ đất chật người đông, những người khổ như bọn tôi cùng đường phải chạy ra ngoài bãi này. Đất ni đất ngập nước mặn nên mưa bão to là sụt lở, nền làm không khéo sụt xuống thì hỏng nhà, chú ơi...”.

Xóm Trung Nghĩa năm nào cũng sống chung với mưa, bão. Nhà xiêu, mái tốc, trẻ em, bà già nằm co ro ướt lạnh trong gió mùa đông bắc tê tái là chuyện thường. Bà con ở đây chỉ mong có cái nền nhà kiên cố, khi không có tổ chức từ thiện nào tài trợ thì họ đành nhắm mắt vay tiền ngân hàng để “kiên cố hoá” nền nhà. Càng nghe chuyện, tôi càng hiểu căn nguyên và nỗi khổ của bà con nghèo xóm Trung Nghĩa. Trả lại tờ giấy báo nợ cho chị Thu, tôi biết chị không phải là kẻ cố tình “xù nợ”, mà chỉ là chưa thể làm ra tiền trả nợ.

Chủ thuyền cũng khổ!

Chợt anh Trần Văn Khiêm - chồng chị Thu - vừa đi mò dắt ở ngoài bãi đê về. Chân tay còn bê bết bùn, nhưng anh Khiêm đã vội giục vợ đưa nhanh giỏ ra chợ bán để kiếm ít lon gạo cho ngày mai. Anh Khiêm phân bua: “Chẳng giấu gì các bác, em là bạn thuyền với ông Trần Văn Kính, nhưng mấy năm ni làm ăn cùng cực quá các bác ơi. Năm 2010 bão lụt uy hiếp thì không nói nữa rồi, nhưng từ năm ngoái đến chừ nghề cá bọn em cũng lụn bại luôn. Lụn bại vì hai lý do: Một do giá xăng dầu đắt. Hai là nguồn cá, tôm, mực ngày càng hiếm...”. Khiêm lý giải tiếp: “Cứ 1 ngày đêm đi khơi, thuyền ăn dầu phải tới 4 xách (4 can loại 25 lít), mất đứt 3,2 triệu đồng rồi. Nhưng có bữa một mẻ cá chỉ được 2 triệu đồng...”.

Ngồi một lúc trong nhà thấy hơi bức bối, anh Khiêm dẫn tôi ra gặp chủ thuyền Trần Văn Kính. Người đàn ông này trạc bốn mươi, dáng chắc khoẻ. Ông Kính lấy chai rượu trắng ở đầu mui thuyền ra rót mỗi người một chén, rồi chùng giọng: “Tiếng là chủ thuyền, tưởng là giàu và oai lắm, nhưng ai ăn nhạt mới biết thương mèo... Xóm Trung Nghĩa này chủ thuyền và bạn thuyền đều nghèo cả!”.

Trời sâm sẩm tối, sóng biển đuổi nhau vỗ ì oạp dưới chân thuyền. Chủ thuyền Kính đưa tay chỉ ra trùng khơi, giọng tiếc nuối: “Cách đây 5 năm, những ngày đẹp trời thuyền đánh cá dàn hàng ngang trên biển, đèn sáng rực như hội hoa đăng. Bây giờ từ cửa biển nhìn ra chỉ thấy mươi ngọn đèn cá leo lét. Thất vọng quá chú ơi, chính người mình cũng làm khổ mình luôn, không ít kẻ đánh cá nổ mìn “phá rạo” người ta, dẫn tới cá chết hàng loạt. Bữa ni nổ mìn, mai cũng nổ mìn, lấy đâu ra cá mà bắt. Nhiều lúc bọn tôi thấy đó nhưng cứ im lặng, dong thuyền sang hướng khác, dây vào bọn chúng chỉ có thiệt thân...”.

Ông Kính theo cha bám biển từ lúc 15 tuổi, bây giờ đã bước vào tuổi tứ tuần, nghĩa là 25 năm ông đã trải nghiệm được niềm vui, nỗi buồn của những ngư dân “cày sóng”. Đã có lúc sóng xô thuyền dạt mất cả lưới chài, vậy mà ngẫm lại sự đời của ngư dân, ông chưa bao giờ buồn bã như lúc này. Ông Kính ngậm ngùi: “Chú Khiêm theo thuyền tui đi đánh cá, thuyền tui có 6 người, nhưng đứa nào cũng nghèo rớt mùng tơi cả. Bữa nào sau khi trừ tiền xăng dầu, khấu hao thuyền và ngư cụ còn được vài ba trăm ngàn, thì chủ và bạn thuyền đã có thể hể hả, xem như là chuyến đi “hên”. Nhưng nhiều bữa chia nhau chỉ được 50 ngàn bạc một người!”.

Cả xóm Trung Nghĩa đều cùng cảnh ngộ thiếu cơm ăn, áo mặc. Đến chủ thuyền cũng khổ nên nhiều chủ thuyền đã tìm cách ly hương. Người tham gia lao động xuất khẩu, kẻ theo người thân vào Tây Nguyên tìm đất trồng càphê, caosu... Thời thịnh, xóm Trung Nghĩa đã sắm được 26 thuyền đánh cá, nhưng do làm ăn thua lỗ, đặc biệt 3 năm lại đây giá xăng dầu tăng cao, nhiều chủ thuyền không đủ sức theo đuổi nghề cá nữa, buộc họ phải bán thuyền. Hiện trong thôn chỉ còn 11 thuyền đang cầm cự, nhưng số phận của những con thuyền này sẽ chưa biết ra sao khi loa đài đang báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục “phi mã”...

Sống trong ô nhiễm

Khi mẻ than hoa đã bắt đầu bén lửa, chị Trần Thị Việt đưa chiếc quạt nan to bè quạt lấy quạt để. Mùi cá nướng bốc lên thơm lừng, những con cá trích, cá nục sau khi nướng được xếp thành từng lớp gọn gàng trong rổ, chờ đến sáng mai đưa ra chợ. Tôi có cảm giác dường như họ chỉ được hưởng cái thơm của cá trong 3-4 tiếng đồng hồ. Bởi khi mùi cá nướng tan đi thì những gia đình xóm Trung Nghĩa bị mùi hôi từ bãi lầy bao vây, cả vào bữa ăn giấc ngủ. Chị Việt cho biết: “Tháng 3 gió nhẹ còn đỡ, còn tiết tháng 5, tháng 6 gió mạnh, mùi hôi nồng nặc cả xóm, người nào cũng kêu không tài chi ngủ được”. Cơ cực nhất là giếng nước, dùng dây gầu múc lên đổ vào chậu nước đen ngòm, mùi thum thủm... Thế nhưng không ít gia đình vẫn phải dùng thứ nước này để tắm giặt, bất chấp những mầm bệnh hiểm nguy tiềm ẩn.

Xóm Trung Nghĩa dẫu đã có đường ống dẫn nước sạch về nhà, nhưng nước sạch chỉ “ưu tiên đặc biệt” cho việc nấu ăn. Có khi cả tuần mất nước, nhiều gia đình phải quảy thùng đi xin nước tận làng bên. Cái bãi lầy án ngự họ càng dày dấu vết thời gian càng tích tụ đủ các loại rác trôi dạt về đây. Những xác túi nylon lâu ngày nằm vật vờ rêu phủ, chưa ai dọn đi thì lại tiếp tục có thêm bạn mới. Khi tôi đặt chân xuống bãi lầy, thật khủng khiếp khi tôi đứng lại gần chiếc thuyền hỏng mục nát nằm bên gốc sú thì gặp ngay xác con lợn đang thối rữa của nhà ai vứt bừa xuống đây. Chưa hết, những lông gà, lông vịt và cả những vỏ chai vỡ được đổ xuống góp thêm mùi xú uế đặc biệt cho xóm chài...

Ba điều ước

Câu chuyện mà tôi kể trên đây dẫu chưa có hồi kết, nhưng cũng là điều chứng kiến tận mắt khi đến thăm xóm đạo Trung Nghĩa tháng 3 này. Gặp cán bộ nào từ tỉnh hay huyện xuống thăm, bà con Trung Nghĩa đều nói ra những ước nguyện: Ước nguyện thứ nhất là được trợ cấp gạo cứu đói giáp hạt. Ước nguyện thứ hai là được Nhà nước và chính quyền tỉnh có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu, ngư cụ để họ tiếp tục sống được bằng nghề khai thác ngư trường. Uớc nguyện thứ ba là được chính quyền, các tổ chức từ thiện giúp đỡ xây dựng, cải tạo bãi lầy bằng đê kè vững chắc và hệ thống thoát nước bẩn để sớm được hít thở không khí trong lành... Ba điều ước nghe ra không cầu kỳ, nhưng thực hiện được đâu phải dễ dàng?