Sau nửa giờ nghị án, chiều 29/3, TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt bị cáo Trần Thúy Liễu, vợ nhà báo Hoàng Hùng, tù chung thân về tội giết người. Tuy nhiên, nhận định chung chung của HĐXX không thuyết phục được đại đa số người quan tâm đến vụ án khi tòa cho rằng: “Bị cáo Trần Thúy Liễu thừa nhận chỉ một mình tham gia, không ai xúi giục bị cáo. Lời khai này phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, lời khai của nhân chứng, đủ cơ sở kết luận bị cáo có quan hệ bất chính với người khác, đánh bài gây nợ cho gia đình, đòi bán nhà nhưng nạn nhân Hoàng Hùng không đồng ý, bị cáo đã dùng xăng đốt chồng”. Xem video xét xử tại đây.
Sau khi vào phòng xử án, bà Trần Thúy Liễu bị ngất. (Ảnh: Phạm Dũng)
Bà Liễu trả lời như học thuộc bài
Buổi sáng, khi phiên tòa sắp diễn ra, bà Liễu nhiều lần khóc ngất, thậm chí có lúc tưởng chừng như không đủ sức khỏe để tiếp tục phiên tòa. Tuy nhiên, khi trả lời thẩm vấn, bà Liễu tỏ ra khá bình tĩnh, trả lời rành rọt các câu hỏi về động cơ, mục đích phạm tội, thao tác thực hiện hành vi gây án… như những gì mà CQĐT kết luận và cáo trạng đã truy tố.
Theo đó, sáng 17/1/2011, bà Liễu đi mua dây dù và 20.000 đồng xăng đem về bỏ vào tủ trong phòng anh Hoàng Hùng nằm ngủ với mục đích đốt chồng để hù dọa do bị “bạo lực gia đình” (cụm từ mà bà Liễu nhiều lần nhắc đến để biện minh cho hành vi của mình). Đến khuya 18/1/2011, “bị cáo buồn trong người” nên thực hiện hành vi phạm tội.
Cho dù bà Liễu khai “bị chồng đánh đập thường xuyên, một tuần đánh 3 lần” (nhưng như bị cáo thừa nhận không có dấu vết, thương tích gì), “chồng bị cáo không nói chuyện với bị cáo ngọt ngào, không vui vẻ với vợ con, hay cáu gắt” thì những lý do đó cũng khó thuyết phục rằng đó là động cơ khiến bà ta phạm tội. Hơn nữa, cả ngày và tối 18/1/2011, giữa 2 người không phát sinh mâu thuẫn, cãi cọ, thậm chí còn thể hiện sự quan tâm (4 giờ trước khi đốt chồng, bà Liễu còn điện thoại hỏi anh Hùng uống gì để mua về; 2 giờ trước đó rủ vào ngủ chung phòng với mẹ con bà), nguyên cớ gì lại thúc đẩy bà Liễu bức xúc để hành động lạnh lùng như vậy? Tiếc là dù nhắc đi nhắc lại nhiều lần “ngoài bị cáo còn ai tham gia không? Một mình bị cáo làm thôi phải không? Không có ai xúi giục, tự bị cáo suy nghĩ, bị cáo làm đúng không?”, HĐXX đã không làm rõ động cơ, mục đích thật sự khiến bà Liễu thực hiện hành vi.
Các thao tác “lấy giấy báo, quẹt gas, xăng, ngồi xuống ngay cửa phòng, tay phải mở bịch xăng, tay trái bật quẹt gas, đứng cách giường hơn 2 m, vừa ném bịch xăng vừa ném tờ báo đang cháy vào chỗ anh Hùng nằm ngủ trong mùng, quay lưng nghe lửa bốc lên, bị cáo hết hồn quay về phòng thì anh Hùng cũng vừa tới…”, được bà Liễu tường thuật làu làu như trả bài khiến đông đảo người tham dự phiên tòa “ồ” lên vì khó tin một phụ nữ như bà có thể thực hiện thuần thục, chính xác các thao tác như vậy? Tiếc là những tình tiết này cũng không được HĐXX làm rõ đến cùng vì “đã được thực nghiệm hiện trường”. Có điều, thực nghiệm hiện trường liệu có phù hợp với thực tế không (ví dụ sử dụng một lượng xăng như bị cáo khai, với động tác ném xăng, mồi lửa trong điều kiện lửa cháy và nạn nhân nằm trong mùng) thì cần phải xem lại.
Về các cuộc điện thoại giữa bà Liễu và ông Nguyễn Văn Tâm, bà khai không liên lạc trong thời gian xảy ra vụ án, ông Tâm thừa nhận có gọi cho bà “chỉ để hỏi thăm tình hình sức khỏe Hoàng Hùng và Liễu”. Trong khi đó, theo danh sách điện thoại mà công ty viễn thông công cấp, chứng minh họ có hàng chục cuộc gọi. Vấn đề này cũng không được HĐXX làm rõ.
Tất cả các nhân chứng đều có mặt tại tòa nhưng cũng không giúp làm rõ các lời khai mâu thuẫn trước đây vì họ đều có chung câu trả lời: “Lâu quá, không nhớ. Chắc là lời khai ban đầu đúng hơn”. Không hỏi được gì thêm, HĐXX đành… mời ngồi.
Kháng cáo toàn bộ bản án
Sau khi VKSND tỉnh Long An có căn cứ khẳng định một mình bị cáo Trần Thúy Liễu thực hiện hành vi giết người và đề nghị mức án tù chung thân, luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông, người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là mẹ nhà báo Hoàng Hùng) đã đề nghị hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ một số tình tiết chưa rõ trong vụ án.
Theo luật sư Đức, hiện trường vụ cháy cho thấy có ít nhất 2 điểm cháy, vậy do 2 mồi lửa hay một mồi lửa gây nên vẫn là dấu hỏi lớn mà cách giải thích về cơ chế hình thành 2 điểm cháy của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An chưa thuyết phục. Trong khi đó, việc xác định 2 điểm cháy được gây ra bởi 2 mồi lửa hay một mồi lửa là mấu chốt của vụ án. Theo cách giải thích, do xăng văng tung tóe ít nhất là 2 chỗ, khi có mồi lửa xăng sẽ bắt cháy. Vấn đề đặt ra, nếu xăng văng tung tóe, gây bắt cháy thì phải bắt cháy ở những nơi gần mồi lửa nhất, còn ở đây, một điểm ở giữa giường, một điểm cuối giường, cách nhau đến hơn 1 m? Còn những chỗ gần mồi lửa sao lại không hóa tro than, không phải là điểm bắt cháy mà chỉ có điểm cuối giường và giữa giường? Điều này, trong các lần thực nghiệm điều tra hiện trường cũng không thể hiện được.
Ngoài ra, nếu bà Liễu ném xăng vào mùng, khả năng xăng bị rơi ở phía ngoài giường là rất lớn, nếu mồi lửa có cháy thì cháy từ ngoài vào trong bức tường. Anh Hùng lại ngủ nằm phía trong, gần bức tường. Thế nhưng, theo bản ảnh hiện trường vụ cháy, phần nệm bị cháy nhiều và sâu ở chỗ anh Hùng nằm. Như vậy, nếu bị cáo ném ngang, khả năng xăng rơi vào người anh Hùng và rải đều từ chân đến đầu là rất khó xảy ra.
Về động cơ giết người, luật sư Đức cũng đề nghị xem mâu thuẫn giữa nhà báo Hoàng Hùng và bà Liễu có đến mức để bị cáo tước đoạt mạng sống của người từng đầu ấp tay gối và có với nhau đến 2 mặt con, bởi việc vợ chồng cãi vã vài lần trong đời là chuyện thường?
Luật sư Đức cũng nêu thắc mắc về chi tiết chiếc quẹt gas màu trắng bỗng dưng bị “mất tích” trong kết luận điều tra và cáo trạng dù được lập biên bản thu giữ hoặc bị cáo khai đi mua dây dù để thực hiện hành vi giết chồng trong tâm trạng buồn bực pha lẫn hồi hộp nhưng lại nhớ từng chi tiết như bà chủ tiệm mặc quần áo gì, có trang điểm hay không, xe bị cáo đậu quay đầu về hướng nào, trả tiền bằng tờ 50.000 đồng…
Đặc biệt, luật sư Đức cho rằng việc không đưa nội dung bản sinh cung vào hồ sơ vụ án là một sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Quan trọng hơn, băng ghi âm gốc hoàn toàn khác với biên bản mở băng ghi âm về hình thức (số lượng chữ trong băng ghi âm khi ghi ra là 12 trang giấy A4 đánh máy, trong khi biên bản ghi âm chỉ vỏn vẹn 5 trang giấy A4 viết tay) cũng như nội dung (có một số lời khai của nạn nhân không thấy thể hiện trong biên bản mở băng; ngược lại, có một số nội dung thể hiện ở biên bản mở băng lại không có trong băng ghi âm gốc).
Ngoài ra, luật sư Đức cũng nêu thắc mắc vì lý do gì CQĐT không yêu cầu cơ quan viễn thông cung cấp số điện thoại các cuộc gọi đến, gọi đi đối với số của bà Liễu và ông Tâm sau khi bà Liễu ra đầu thú và thừa nhận mối quan hệ với ông Tâm? Những cuộc điện thoại, nhắn tin từ số máy của bà Liễu đến số máy ông Tâm và một số người khác chưa biết tên là chứng cứ rất quan trọng của vụ án. Thiếu chứng cứ này, không thể giải quyết được vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
Những thắc mắc của luật sư Đức đã không được VKSND tỉnh Long An trả lời thỏa đáng, như việc cửa chính đóng hay mở thì được cho rằng đã có trả lời là cửa đóng; hiện trường vụ án đã được CQĐT giải trình rồi, vấn đề 2 điểm cháy, xăng bao nhiêu thì cháy lớn hay nhỏ là do… suy nghĩ của luật sư. Trong khi luật sư khẳng định toàn bộ những vấn đề được đặt ra đều thể hiện trong hồ sơ vụ án!
Cuối buổi chiều, sau khi nghe HĐXX tuyên mức án chung thân, bà Liễu đã la lớn: “Tôi không có giết chồng…!”.
Chiều cùng ngày, luật sư và mẹ nhà báo Hoàng Hùng cho biết sẽ làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án lên tòa phúc thẩm.
Bác đề nghị chuyển tội danh bị cáo của luật sư Luật sư Nguyễn Cao Trí, bào chữa chỉ định cho bà Trần Thúy Liễu, đề nghị chuyển tội danh bị cáo từ “Giết người” sang tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người với mức hình phạt là 10 năm tù giam. Luật sư Trí cho rằng bà Liễu không cố ý giết chồng mà chỉ đe dọa nhưng không ngờ hậu quả chết người xảy ra. Khi luật sư đề nghị xử phạt 10 năm tù thì cả phòng xử ồn ào, phản đối. Đề nghị này đã bị HĐXX bác. |