Không phải mình tôi mà mọi người đều thấy bất ổn, không biết tin vào ai. Đến bệnh viện có thương hiệu, nhưng cũng phải đặt câu hỏi có đáng tin không...
ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi biết không ít người sử dụng dịch vụ y tế ở nước ngoài, cho con học trường Tây. Có lẽ nó góp phần làm yếu đi những động lực, yếu đi yếu tố chia sẻ... Ảnh: Minh Thăng |
Trao đổi với PV bên lề phiên thảo luận tổ ở QH sáng 23/10, ĐBQH Dương Trung Quốc nói:
Tôi nghe ý kiến của bà phó giám đốc Sở Y tế thành phố trên đài, chủ yếu đưa ra những kẽ hở của luật pháp, quản lý của nhà nước, biện bạch cho việc rất khó quản lý. Nhưng điều tôi quan tâm nhất đấy là hệ thống chính quyền cơ sở.
Chưa khi nào chúng ta có bộ máy dày đặc như thế, đông đảo như thế, nhiều quyền năng như thế mà để cho trên địa bàn có 1 cơ sở kinh doanh mà hầu như họ làm gì không biết. Người dân có thể biết về cái sự gọi là bảo kê, trách nhiệm thấp. Nhưng có lẽ hơn cả là sự đồng lõa cái môi trường cho phép người ta dám làm cái điều tồi tệ như vậy.
Vụ việc khiến người dân cảm thấy thực sự mất an toàn và chính điều đó làm tổn hại rất lớn tới xã hội. Đó là sự khủng hoảng niềm tin của xã hội.
'Các vị quản lý không nên biện bạch'
Thưa ông, xã hội từng lo lắng cho những rủi ro từ những cơ sở y tế tư nhân thấp kém năng lực, hay ở nơi xa xôi không có điều kiện phát triển. Nhưng vụ việc đang làm bức xúc dư luận lại xuất phát từ bác sĩ chuyên khoa của một bệnh viện lớn của nhà nước, làm thêm kiểu “chân trong chân ngoài”. Thực trạng kiểu công tư tranh thủ này đã tốn không biết bao thời lượng của diễn đàn Quốc hội. Nó có đủ sức cảnh tỉnh?
Nói đến cơ sở kinh doanh phẫu thuật thẩm mỹ gây hậu họa này trước hết phải nói trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Đây chính là cái khủng hoảng trong hệ thống giá trị của xã hội, khủng hoảng này rất khó lấy lại lòng tin nếu như nhà nước không có nhìn nhận đây là hiện tượng cá biệt của cả một bối cảnh dung túng cho những cái hiện tượng như thế xảy ra, chỗ này nảy sinh chỗ khác, nảy sinh lĩnh vực này lĩnh vực khác. Quản lý không tốt nên xã hội xảy ra những vụ việc như vậy.
Người ta nói về bác sĩ trước hết về y đức. Một bác sĩ có thể do kém cỏi về kỹ thuật gây cái chết của bệnh nhân. Nhưng ứng xử, xử lý rủi ro với bệnh nhân đến mức thành một vụ án hình sự thì ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Bởi vì ông ấy vẫn đang là bác sĩ của cơ sở y tế của nhà nước.
Tôi nghĩ rằng các vị quản lý không nên biện bạch, các vị nên nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh.
“Chân trong chân ngoài” dễ có cái lý được cãi đầu tiên do lương bổng. Điều này chính ĐBQH cũng từng chỉ ra như một lý do khiến không chỉ bác sĩ, mà đội ngũ cán bộ, công chức khu vực công nói chung rất khó yên tâm cống hiến. Bàn mãi bao nhiêu kỳ, cơ chế sửa nhiều, chính sách ban hành để cải thiện khu vực lao động công nhưng vẫn không thể cải thiện đột phá. Vậy có thể trông đợi gì ở phía trước?
Một phần nào đó mất đi trong phẩm chất của những công chức hiện nay cũng nằm trong cơ chế. Rõ ràng hiện nay môi trường kích thích điều xấu nhiều hơn điều tốt.
Hệ thống lương bổng là một lý do, không thể lấy lý do để biện bạch, vi phạm luật pháp, nhưng mà là môi trường để nảy sinh, cộng với quản lý yếu kém thì nó sẽ trở thành phổ biến.
Vụ việc xảy ra tiếp tục báo động cho chúng ta rất nhiều. Nếu chúng ta không sửa lại một cách căn bản thì mọi thứ vẫn chỉ là vá víu hay ứng phó.
Ông “xếp hạng” những khủng hoảng giá trị, niềm tin như ông mô tả đang ở mực màu nào?
Tôi băn khoăn ở Quốc hội chúng ta bàn nhiều tới vĩ mô, được quốc tế khen vĩ mô tốt. Chúng ta thấy một trường đại học rất lớn danh giá tặng cho bà Bộ trưởng Y tế bằng cấp danh dự, khuyến khích ưu việt của ngành y tế Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ người dân đâu cần cái đó.
Tâm trạng của ông trước chuỗi một loạt vụ liên quan đến y đức bác sĩ xảy ra thời gian qua? Theo ông, để “đi ra” từ tâm trạng lo lắng, khủng hoảng niềm tin, phải làm sao?
Tâm trạng không phải của riêng tôi mà của mọi người là bất ổn. Không biết tin vào ai. Đến bệnh viện có thể có thương hiệu rất lớn, nhiều bác sĩ có phẩm hàm, nhưng bản thân mình giờ cũng phải đặt câu hỏi có đáng tin không?
Cho nên bây giờ người ta vẫn phải chạy theo kiểu quan hệ cá nhân để có sự tin cậy hay đi ra nước ngoài chữa bệnh. Chưa kể chuyện thất thoát rất lớn, mà nó còn tiếp tục thúc đẩy y tế trong nước dường như bị khủng hoảng hơn.
Tôi mong các nhà lãnh đạo chia sẻ để thấu hiểu. Tôi biết không ít người sử dụng dịch vụ y tế ở nước ngoài, cho con học trường Tây. Đó là nhu cầu chính đáng. Nhưng có lẽ nó góp phần làm yếu đi những động lực, yếu đi yếu tố chia sẻ với người.
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?