Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng: Kết luận điều tra còn bỏ lọt tội phạm?

Theo phân tích của Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, các ông Khanh, Hoa, Liêm cũng thi hành công vụ.

Ngày 21/12, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã có văn bản kiến nghị gửi tới VKSND TP Hải Phòng, kiến nghị việc Cơ quan CSĐT có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án hủy hoại tài sản nhà ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý.

19 người tham gia phá nhà, nhưng không có “danh tính”

Theo kiến nghị của Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, vụ án hủy hoại tài sản, cơ quan CSĐT mặc dù xác định rõ có tới 19 người, trong đó có cả chủ chiếc máy xúc, người lái máy xúc cũng tham gia vào việc phá hủy ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý ngoài vùng cưỡng chế. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT mới chỉ khởi tố những 4 bị can, nguyên là lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã Vinh Quang là chưa thỏa đáng.

Theo lập luận của Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, đối với tội hủy hoại tài sản, ngoài các ông Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Phạm Đăng Hoan, Lê Thanh Liêm được xác định có hành vi chỉ đạo trong vụ án hủy hoại tài sản. Các cá nhân còn lại cần được xác định với vai trò là đồng phạm giúp sức, trực tiếp thực hiện hành vi phá hủy tài sản.

Ngoài ra, trong kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT - CATP Hải Phòng mới chỉ “nêu” được 19 người có hành vi tham gia phá nhà, đốt chòi canh cá của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý nhưng cơ quan này cũng chưa nêu “danh tính” cụ thể như thế là chưa đảm bảo tính khách quan, trung thực trong việc thực hiện điều tra vụ án.

Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cũng đặt vấn đề, vụ án hủy hoại tài sản chỉ được khởi tố sau khi cơ quan truyền thông vào cuộc, gia đình bị hại có khiếu nại. Trong khi đó các ông Bùi Thế Nghĩa – Bí thư Huyện ủy, Lê Văn Hiền - Chủ tịch huyện Tiên Lãng biết rất rõ việc nhà ông Quý bị phá từ sau khi xảy ra vụ cưỡng chế. Các ông Nghĩa, ông Hiền nếu được cơ quan tiến hành tố tụng xác định một cách khách quan, toàn diện, chí ít chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự với vai trò chủ mưu, đồng phạm trong vụ án này thì cũng có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm khi không tố giác các hành vi vi phạm pháp luật của cấp dưới.

Ngôi nhà hai tầng của ông Ðoàn Văn Quý

Nhiều người được bỏ “ra ngoài” vòng tố tụng?

Theo Kết luận điều tra của CA TP Hải Phòng, một loạt các cán bộ huyện Tiên Lãng như các ông Lê Văn Mải - Trưởng CA huyện, Ngô Ngọc Khánh – Chánh văn phòng… là thành viên Ban chỉ đạo cưỡng chế nhưng lại có thiếu sót trong việc kiểm tra, không biết trong thông báo số 225 ngày 28/12/2011 của Ban chỉ đạo cưỡng chế có kế hoạch tháo dỡ lều trông đầm nên để xảy ra hậu quả nghiêm trọng nhưng, CQĐT xác định các ông này thực thi vì công vụ nên không khởi tố điều tra, chỉ đề nghị xử lý hành chính.

Theo phân tích của Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, các ông Khanh, Hoa, Liêm cũng thi hành công vụ. Ông Hoan – Bí thư đảng ủy xã thậm chí còn không có tên trong kế hoạch cưỡng chế nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc bỏ “ra ngoài” vòng tố tụng đối với một số cán bộ chủ chốt huyện Tiên Lãng trong vụ án hủy hoại tài sản là thiếu  khách quan.

Thậm chí một số cán bộ như ông Lê Văn Mải, Ngô Văn Khánh còn tham gia nhiều cuộc họp bàn về việc cưỡng chế hơn ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng…. Cũng theo quan điểm của Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã kiến nghị kết luận như CQĐT về việc ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện phải chịu toàn bộ trách nhiệm về việc tổ chức, thực hiện hủy hoại tài sản của người bị cưỡng chế.... là không thỏa đáng. Và, có dấu hiệu lọt người, lọt tội đối với một số cán bộ chủ chốt của huyện Tiên Lãng trong vụ án này.

Các kiến nghị trên rất cần được cơ quan chức năng xem xét.