Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng: Bộ NN-PTNT, Hội Nghề cá vào cuộc

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng chính quyền huyện Tiên Lãng đã quá vội vàng trong việc thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn và TP Hải Phòng cần vào cuộc làm rõ vụ việc để lấy lại lòng tin của nhân dân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết trước thông tin của báo chí về việc chính quyền huyện Tiên Lãng cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang và sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo TP Hải Phòng làm rõ vụ việc, Bộ NN-PTNT khẳng định sẽ vào cuộc.

Đề nghị TP Hải Phòng làm rõ

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết trong những ngày tới, lãnh đạo Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các cơ quan liên quan cử đoàn công tác đến xã Vinh Quang và TP Hải Phòng để tìm hiểu và nắm lại toàn bộ vụ việc để có ý kiến chính thức.

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN và PTNT) Tăng Minh Lộc, đối với phần đất bãi bồi ven biển mà chưa được ai khai thác, sau đó được gia đình ông Vươn khai thác cải tạo có thể sử dụng vào mục đích nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thì được coi là đất nông nghiệp.


Đầm nuôi cá của ông Đoàn Văn Vươn bị khai thác cạn kiệt sau vụ cưỡng chế ngày 5-1

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng chính quyền huyện Tiên Lãng đã quá vội vàng khi thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn và TP Hải Phòng cần vào cuộc làm rõ vụ việc để lấy lại lòng tin của nhân dân.

“Huyện Tiên Lãng không quá thiếu đất mà hành xử không đúng pháp luật như vậy. Ông Vươn là người bỏ nhiều công sức, tiền của để khai khẩn, tạo nên phong trào khai hoang lấn biển, phát triển nuôi trồng thủy sản ở địa phương nên chính quyền địa phương cần phải động viên, hỗ trợ ông mới thỏa đáng” – ông Thắng nói.

Ông Thắng khẳng định một trong 4 nguyên tắc của Hội Nghề cá Việt Nam là bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hội viên đã được pháp luật quy định mà cụ thể từ vụ việc này là trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn, Chủ tịch Liên Chi hội Nuôi trồng Thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng.

“Hội Nghề cá Việt Nam sẽ bám sát vụ việc, đồng thời theo dõi việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi hội viên của Hội Nghề cá TP Hải Phòng để kịp thời có ý kiến và có văn bản đề nghị TP Hải Phòng sớm vào cuộc làm rõ bản chất của vấn đề này” - ông Thắng khẳng định.

Bị mất cả tỉ đồng

Cùng ngày, luật sư Nguyễn Duy Minh, Văn phòng Luật sư Duy Minh (TPHCM), người được bà Nguyễn Thị Thương (vợ của ông Đoàn Văn Vươn) đề nghị bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho chồng, đã có mặt tại Hải Phòng.

Trước đó, ông Đoàn Văn Vươn bị Cơ quan CSĐT, Công an TP Hải Phòng khởi tố về tội “Giết người”. Theo điều 93 Bộ Luật Hình sự, với tội “Giết người”, khung hình phạt cao nhất là tử hình. Theo điều 57 Luật Tố tụng Hình sự, trường hợp của ông Vươn bắt buộc phải có luật sư bào chữa ngay từ quá trình điều tra.

Luật sư Nguyễn Duy Minh khẳng định số thủy sản và cây trái của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tạo lập được trong thời gian gia đình ông sử dụng đầm trước khi bị thu hồi. Do vậy, số tài sản đó được coi là sở hữu của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Tất cả các hành vi xâm phạm số tài sản ấy đều là hành vi trái pháp luật và hành vi thu hoạch hoa lợi từ khu đầm nhà ông Vươn là hành vi phạm vào điều 137 Bộ Luật Hình sự với tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thương, gia đình bà đã mua con giống hơn 400 triệu đồng, gồm: giống cá vược (5.000 con); tôm sú, cá trắm (7.000 con); cua giống (3.000 con), khu vực đầm ngoài thả hàng vạn cua giống. Số thủy sản trên được thả nuôi vào khoảng tháng 2-2011, thời điểm khai thác vào khoảng tháng 12-2011.

Ngoài ra, chưa kể số tôm, cua, cá tự nhiên và cây trái. Theo tính toán của bà Thương, số tiền thất thu từ vật nuôi, cây trồng có thể hơn 1 tỉ đồng.

Chiều 29-1, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhất Tâm và Đồng nghiệp (quận Hải An, TP Hải Phòng), cho biết ông đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Thương để nhận bào chữa miễn phí cho ông Vươn.