Vụ 7 học sinh chết đuối: Cứu hộ quá chậm?
Thứ ba, 31/12/2013 06:38

Là người buôn bán ở bãi biển 30/4, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết thời điểm xảy ra sự cố là buổi trưa 29/12 có rất đông người tắm biển và hầu như không mặc áo phao.

Xung quanh chiếc xà lan có cắm biển cảnh báo khoét sâu. Khi nước dâng cao, xà lan bị nhấn chìm

Xung quanh chiếc xà lan có cắm biển cảnh báo khoét sâu. Khi nước dâng cao, xà lan bị nhấn chìm

"Tôi thấy 3 học sinh ôm chặt nhau, nhấp nhô trên con sóng to hơn 10 phút. Nếu nhân viên cứu hộ nhanh hơn và có canô tại hiện trường, tôi tin các em này được cứu", bà Hằng tiếc nuối 7 học sinh chết ở biển Cần Giờ.

Là người buôn bán ở bãi biển 30/4, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết thời điểm xảy ra sự cố là buổi trưa 29/12 có rất đông người tắm biển và hầu như không mặc áo phao. Nhóm học sinh bị nạn đùa nghịch dưới nước chừng hơn một giờ. "Tôi đang bán hàng thì nghe tiếng kêu cứu. Nhìn ra biển, tôi thấy hai cái đầu ngoi lên ngoi xuống, vài cánh tay vùng vẫy dưới nước nhưng bất lực không làm gì được. Mọi người nhốn nháo trông chờ vào lực lượng cứu hộ của bãi biển", bà Hằng kể.

Một nhân viên cứu hộ chạy ra nhưng do sóng cao, người này bơi rất lâu mới tiếp cận được nhóm bị nạn. "Anh này kéo một học sinh vào được bờ, rồi bơi ra tiếp thì bị đuối sức nằm vắt người trên bãi đá công trình, sau đó được mọi người kéo lên đưa đi đến trạm y tế", bà Hằng nói.

7-hoc-sinh-chet-duoi-2

Bà Nguyễn Thị Hằng cho rằng việc cứu hộ quá chậm trễ.

Lúc này, trên bờ thầy cô và học sinh đã rất nhốn nháo. Phía ngoài biển 3 học sinh vẫn cố bám chặt nhau và bị gió đẩy về phía công trình kè đá đang thi công. Nhưng chỉ được khoảng 10 phút thì mất dạng theo con sóng. Hơn 30 phút sau, canô cứu hộ mới có mặt.

"Thiệt tình lúc đó tôi tưởng mấy đứa nhỏ đang ôm phao mà hóa ra là đang cố bám lấy nhau để nổi lên. Việc ứng cứu các em quá chậm, tôi là người dưng mà còn thấy rất sốt ruột, bức xúc. Nếu nhân viên cứu hộ tích cực hơn và có canô tại hiện trường, tôi tin các cháu được cứu", bà Hằng nói.

Một người dân khác cho hay, đáng lý ra ở bãi biển du lịch phải có một canô cứu hộ túc trực dưới biển để sẵn sàng ứng phó khi có đuối nước. Tuy nhiên, ở bãi biển 30/4 này, canô lại nằm trên bờ và cách xa cả cây số. "Đem canô ra lại không còn xăng, phải kêu xe kéo. Nhưng đến xe kéo cũng bị bung bánh phải sửa. Khi canô ra tới nơi thì không còn thấy đầu của mấy đứa nhỏ trên biển nữa. Nếu cứu hộ phản ứng nhanh, có đầy đủ phương tiện thì ít nhất cũng cứu được ba học sinh đã cố gắng bám trụ khá lâu kia", ông này bức xúc.

Về vấn đề này, ông Tý - nhân viên bảo vệ Khu du lịch 30/4, một trong hai người đầu tiên bơi ra cứu nhóm học sinh - cho biết, trước đây canô cũng túc trực ở bãi biển nhưng do mấy hôm nay thời tiết xấu nên phải cất vào trong khu du lịch. "Còn việc bánh xe kéo hư hỏng là ngoài ý muốn. Cũng vì canô để trong khu du lịch nên không có sẵn xăng trong bình. Mọi người đã triển khai nhanh nhưng vì sóng quá lớn, cứ ra được một chút canô lại bị đánh dạt vào khiến việc tiếp cận các cháu gặp nhiều khó khăn", ông Lý nói.

Theo Đội trưởng lực lượng bảo vệ Đinh Quân Tuấn do ngày nghỉ cuối tuần nên bãi tắm có khoảng 400-500 người nhưng chỉ có 4 nhân viên cứu hộ quan sát. Trong lúc nhóm học sinh xuống biển tắm, thầy cô ngồi trên bờ theo dõi. Khi phát hiện các em ra xa ngoài khu vực cảnh giới nguy hiểm, nhân viên cứu hộ có xuống nhờ thầy cô giáo nhắc nhở, kêu học sinh trở vào trong. "Chúng tôi đã vài lần nói thầy cô giáo lưu ý, nhưng có lẽ các em học sinh không nghe", ông Tuấn cho biết.

Vị Đội trưởng bảo vệ cũng cho biết, có thể nước lạnh, các học sinh tắm lâu và mệt lử thì rơi vào dòng chảy mạnh nên không kiểm soát được. Khi phát hiện, có hai nhân viên cứu hộ đã bơi xuống cứu nhưng do sóng to và ở xa bờ nên khó tiếp cận. Còn khi đưa canô xuống, đi ra được một đoạn bị sóng đánh, nước tràn vào phải quay vô bờ. "Do lực lượng mỏng nên chúng tôi không quan sát hết. Khi phát hiện các em chới với ở xa, nhưng sóng to cả mét nên chúng tôi khó tiếp cận cứu người", ông Tuấn nói.

Ngay bãi tắm có 2 xà lan gỉ sét, xung quanh có hố khoét sâu và có cắm cột cờ cảnh báo. Khi nước biển dâng, xà lan này bị nhấn chìm không thể nhìn thấy. Kế tiếp đó là công trình kè đá xây dựng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, tuy nhiên không có biển ngăn cách cảnh báo công trình. Những đống đá này lúc ẩn lúc hiện trong nước biển. "Từ khi công trình thi công bờ kè đá khiến dòng chảy bị thay đổi, tạo luồng nước xoáy bất ngờ", bảo vệ Tuấn cho biết.

7-hoc-sinh-chet-duoi-3

Bãi tắm nằm sát công trình ngổn ngang, không có hàng rào ranh giới ngăn cách.

Sáng 30/12, Công an huyện Cần Giờ phối hợp Công an và VKS TP HCM có mặt tại hiện trường để ghi nhận mực nước từ lúc nhóm học sinh xuống tắm đến thời điểm 7 em bị cuốn trôi. Công an cũng lấy lời khai của thầy giáo quan sát nhóm nam sinh lúc xảy ra sự cố và vẽ lại hiện trường.

Trao đổi với PV, thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa, Phó công an huyện Cần Giờ cho biết, bãi biển Cần Giờ cạn, thời điểm 7 học sinh bị cuốn trôi sóng to liên tục ập vào nên canô khó khăn trong việc tiếp cận. "Về khách quan nhìn nhận ban đầu do rãnh nước của công trình khiến nước xoáy. Có thể các em tắm ham bơi ra xa, không chấp hành cảnh giới nguy hiểm đã bị cuốn", Thượng tá Nghĩa nói.

Vnexpress.net

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Chìm tàu , Cần Giờ , 7 học sinh chết đuối , Chìm tàu ở cần giờ , TP.HCM , Chết đuối