Vụ 2 VĐV rowing bỏ trốn tại Australia: Ngành thể thao bất lực?
Thứ tư, 21/03/2012 14:30

VĐV Việt Nam đi tập huấn hay du đấu bỏ trốn ở lại nước bạn không còn là chuyện mới. Nhưng mỗi khi xảy ra những sự việc đáng tiếc này, người ta lại hỏi phải chăng ngành thể thao Việt Nam bất lực.

Những nỗi đau chưa nguôi

Bẵng đi một thời gian dài, kể từ khi 3 VĐV đội tuyển vật là Nguyễn Doãn Dũng, Nguyễn Văn Phong và Dương Đình Nam “đào tẩu” khỏi đội tuyển sau chuyến tập huấn và thi đấu ở Hàn Quốc năm 2008, nỗi đau mất VĐV lại trở lại ám ảnh thể thao Việt Nam. Trong 10 năm qua, ngành thể thao nước nhà đã chứng kiến đến 13 vụ bỏ trốn như thế.

Trong số ấy, có những người bị bắt lại đưa về nước, và cũng không ít trường hợp “thành công”. Nhưng bất kể kết quả ra sao, đó cũng là điều khiến không ít người chạnh lòng. Không chỉ mất đi những VĐV được đào tạo với bao công sức, tiền của, hình ảnh của thể thao Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng làm thế nào để ngăn chặn những câu chuyện đau lòng ấy lại là vấn đề khiến lãnh đạo ngành vô cùng bối rối.

Khó tìm biện pháp quản lý chặt việc VĐV bỏ trốn.

Đi tập huấn ở nước ngoài, mỗi đoàn thể thao thường lên tới cả chục, thậm chí vài chục VĐV, việc quản lý 24/24h với từng người là điều không hề đơn giản. Có rất nhiều vấn đề được đặt ra, như trách nhiệm của các vị lãnh đạo, trách nhiệm của mỗi trưởng đoàn, và hơn hết, là ý thức của chính các VĐV, cho dù công tác giáo dục tư tưởng dành cho họ vẫn được ngành thể thao quan tâm.

Chẳng hạn như trường hợp của hai VĐV Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn của ĐT rowing bỏ trốn tại Australia mấy ngày qua, cả hai đều còn trẻ, có người mới chỉ tốt nghiệp cấp 3, thậm chí là cấp 2, nên rất khó ý thức được những gì họ đang làm.

Hơn nữa, đại đa số VĐV đều xuất thân từ những vùng quê nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, chế độ đãi ngộ của ngành thể thao đôi khi lại không đủ cho công cuộc mưu sinh của chính họ, nên họ đã chấp nhận gạt bỏ tham vọng vươn tới đỉnh cao của thể thao, rũ bỏ hết tất cả để đi tìm chân trời mới. Việc 3 VĐV đội tuyển vật cách đây 4 năm chính là một ví dụ điển hình. Cả 3 người đều ở lại Hàn Quốc làm nghề… bốc vác với lý do có thu nhập cao.

Nỗi bất lực của ngành thể thao

Vụ việc 3 VĐV trốn ở Hàn Quốc và 2 VĐV vừa mới trốn ở Australia chỉ ra rằng ngành thể thao đang hoàn toàn lúng túng và bị động trước những “rủi ro” này. Trao đổi với Trưởng bộ môn Đua thuyền Nguyễn Hải Đường, ông cho biết: “Chúng tôi đã chủ động lường trước những sự việc tương tự xảy ra, nhưng việc giữ giấy tờ, hộ chiếu gần như vô tác dụng. Trong suy nghĩ của các VĐV có ý định bỏ trốn, họ coi đây như một cuộc đánh bạc với số phận, “được ăn cả, ngã về không”, nên thật khó để tìm ra biện pháp quản lý chặt chẽ”. Trên thực tế, hầu hết những vụ “đào tẩu” của các VĐV đều có sự giúp đỡ của bạn bè, người thân sinh sống ở nước bạn. Đây là việc lãnh đạo ngành biết, nhưng không thể làm gì khác.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành cho biết: “Chúng tôi gặp phải rất nhiều hạn chế trong việc tìm ra lối thoát để tránh khỏi những sự việc tương tự. Trên thế giới, hầu như không có nhiều hiện tượng bỏ trốn, vì mỗi VĐV khi ra nước ngoài tập huấn thi đấu đều buộc phải có cam kết tài chính từ gia đình, được xác nhận bởi các ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam thì không thể, vì đa số VĐV đều có hoàn cảnh khó khăn, có khi ăn còn chưa đủ, nói gì đến việc chứng minh tài chính. Việc ra nước ngoài rồi “kèm” các VĐV 24/24h thì không được, hơn nữa, chỉ cần vài phút, một VĐV cũng có thể trốn biệt bất kể họ đi người không, vứt lại mọi đồ đạc và giấy tờ tùy thân”.

Sau sự cố của 2 VĐV rowing, các nhà quản lý thể thao Việt Nam vẫn đang đau đầu tìm ra giải pháp ngăn chặn tình trạng này. Ông Lâm Quang Thành cho biết việc đầu tiên và cần phải làm hơn lúc nào hết, là buộc mỗi VĐV phải cam kết trong danh dự, bảo vệ màu cờ sắc áo tổ quốc, và bộ mặt của thể thao nước nhà. Chỉ có điều, đó có lẽ vẫn chỉ là một biện pháp về tâm lý, bởi khi đã xác định việc bỏ trốn, đoạn tuyệt với quá khứ để đến với một cuộc sống mới, không VĐV nào còn coi trọng những điều trên.

Ông Lâm Quang Thành xác nhận đã có buổi làm việc chính thức với Bộ Công an để vào cuộc trong việc truy tìm hai VĐV Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn. Ông Thành cũng cho biết, khi liên hệ với gia đình của 2 VĐV này, họ đều nói hoàn toàn không biết về việc này. Nhưng ông Thành cũng nói rằng, gia đình 2 VĐV tỏ thái độ rất bình thường, cứ như không có chuyện gì xảy ra.
ANTĐ
Tag: Nguyễn Phương Đông , Lương Đức Toàn , Bơi thuyền , Rowing , Olympic London 2012 , Bơi lội , Thể thao