Khi được về với gia đình, điều khiến ông Nguyễn Thanh Chấn và người thân trăn trở nhất đó là ông biết làm gì để mưu sinh khi sức khoẻ ông ngày càng yếu.
Bữa cơm của ông Chấn và gia đình ngày đoàn tụ |
Sức khoẻ yếu, đau ốm liên miên
Có mặt ở gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ngay trong những ngày đầu được trở về sau 10 năm chịu án oan, điều khiến gia đình ông Chấn không khỏi băn khoăn chính là với sức khoẻ như hiện tại thì không biết ông Chấn có thể làm gì để mưu sinh, kiếm sống.
Ông Chấn cho biết trước đây ông cũng là người nhanh nhẹn, nhạy bén, đã trải qua nhiều nghề như nghề thồ xe ngựa, bán quán, là dịch vụ xay xát gạo, làm nông..., bất kể việc gì có thể kiếm ra tiền một cách chính đáng thì ông xắn ngay tay vào làm ngay, không nề hà bất cứ việc gì cả.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 10 năm ngồi tù, sức khoẻ của ông đã yếu đi rất nhiều. Mọi hoạt động đã trở nên chậm chạp, đầu óc thiếu minh mẫn, nhiều lúc cứ nhớ nhớ, quên quên.
Theo ông Chấn, so với bạn bè cùng trang lứa với mình ở quê thì sức khoẻ của ông yếu hơn rất nhiều. Ông thường cảm thấy đau đầu, tay chân nhức mỏi mỗi khi trái gió, trở trời.
Đây có lẽ là hậu quả ảnh hưởng bởi những năm tháng ở trong tù, biết mình oan nhưng không thể nào chứng minh mình vô tội được, khiến đầu óc ông luôn lo nghĩ về án oan của mình, càng nghĩ lại càng cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Thậm chí ông Chấn đã 3 lần định tìm đến cái chết ở trong tù để giải thoát bản thân khỏi những câu chuyện nặng nề, u ám.
“Tuy nhiên, cứ nghĩ đến cảnh vợ con ở nhà rau cháu qua ngày, chịu cảnh khổ cực mà vẫn vác đơn đi minh oan cho chồng lại tiếp thêm cho tôi nhiều nghị lực để sống, vượt qua tất cả để có được thành quả như ngày hôm nay” - ông Chấn tâm sự.
Theo lời kể của bà con hàng xóm, nếu như 10 năm trước đây, khi chưa chịu án oan thì kinh tế gia đình ông khi đó cũng thuộc diện khá ở thôn. Thậm chí, vào thời điểm xảy ra vụ án, ông Chấn đã sắm cho mình một chiếc xe máy Honda Dream Việt Nam - đây được coi là tài sản lớn ở vũng quê nghèo của ông Chấn. Vào thời điểm đó, ngoài việc bán quán, gia đình ông còn mở dịch vụ xay xát thóc lúa, lúc nào cũng đông nghịt khách.
Nhưng kể từ khi ông Chấn bị bắt vào năm 2003, kinh tế gia đình ông “xuống dốc không phanh” khi trụ cột gia đình thì bị vướng vòng lao lý, người con trai lớn của ông là anh Nguyễn Văn Quyết lúc đó đang học dở lớp 12 cũng phải bỏ học; mọi thứ trong nhà cũng dần ra đi để lấy tiền cho vợ ông là bà Nguyễn Thị Chiến mang đơn đi kêu oan khắp nơi.
Ông Nguyễn Đình Lược, em vợ ông Chấn cho biết: “Đây là một nỗi đau quá lớn đối với gia đình chúng tôi. Gia đình anh Chấn đã thiệt thòi đủ đường, mọi người đã khóc cạn nước mắt. Tôi mong Nhà nước sớm minh oan cho anh tôi, đồng thời bồi thường về thỏa đáng về vật chất cũng như tinh thần. Trước đây nhà anh Chấn thuộc diện to ở làng, bây giờ thì đã là ngôi nhà bé nhất làng xóm. Trong nhà chẳng có đồ vật gì đáng giá cả”.
“Sự việc bây giờ đã thế rồi, tôi chỉ mong pháp luật xử đúng người, đúng tội. Còn về việc đền bù như thế nào là do Nhà nước, chứ tôi cũng không biết” - ông Chấn buồn bã tâm sự.
Kinh tế kiệt quệ, vợ lại phải vào viện tâm thần điều trị
Sau một thời gian xin phép bệnh viện để đón chồng được minh oan trở về với gia đình, bà Nguyễn Thị Chiến - vợ ông Chấn - lại phải quay lại bệnh viện tâm thần để điều trị dứt điểm bệnh tình của mình.
Bà Chiến chia sẻ: "Tôi được các bác sĩ cho về gần một tuần để đón chồng, nay đã đến hạn, tôi lại phải lên trên viện để nằm điều trị”.
Trước đó, trong khoảng thời gian ông Chấn mới được thả về, khi trao đổi với phóng viên, mỗi khi nhắc đến câu chuyện hành trình minh oan cho chồng cũng như khi nhắc đến người con gái thứ hai là Nguyễn Thị Quyền phải hy sinh hạnh phúc riêng, một thân một mình sang Đài Loan để làm người giúp việc, làm công nhân để gửi tiền về cho mẹ đi minh oan cho bố, bà Chiến lại cảm thấy khó thở, tăng xông, không thể ngồi nói chuyện được do ảnh hưởng của lần tai biến trước đây vào năm 2009.
Tuy nhiên, mấy ngày qua, theo quan sát của phóng viên tại nhà ông Chấn, sức khỏe của bà Chiến đã có phần đã tốt lên, tỉnh táo, có thể ngồi trò chuyện với mọi người vui vẻ, dễ dàng hơn những ngày trước.
Bà Nguyễn Thị Định (chị ruột bà Chiến) cho biết: “Em gái tôi gần như đã kiệt sức sau 10 năm hành trình đi tìm công lý, minh oan cho chồng. Mặc dù bị bạo bệnh, nhưng bất kể trời mưa hay gió bão, em gái tôi và chồng tôi (ông Thân Ngọc Hoạt – PV) cũng vẫn lên đường để giải oan cho ông Chấn, cho dù việc đó chỉ là niềm hy vọng mong manh nhất”.
Trước đó, vào năm 2008, con gái bà Chiến là chị Nguyễn Thị Quyền chở mẹ đi tiếp tế cho bố ở trại giam trên Vĩnh Phúc. Trên đường về, hai người bị tai nạn, bản thân bà Chiến bị rách đùi. “Rất may lúc bị ngã, trên đường lại không có xe nào đi đằng sau, chứ không thì bây giờ em gái tôi chắc cũng chẳng có ngày nhìn chồng được minh oan trở về” – bà Định chia sẻ.
CA tỉnh Bắc Giang cho biết, tham gia điều tra vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn hơn 10 năm trước có 7 người; do điều tra viên Phan Hữu Tân đã mất, nên 6 người còn lại phải viết giải trình liên quan đến việc có ép cung ông Chấn hay không. 6 người này gồm:
1. Đại tá Thái Xuân Dũng - Chánh Thanh tra CA tỉnh Bắc Giang, từng là Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra CA tỉnh Bắc Giang, Phó phòng CSĐT. Ông Dũng là người đã ký kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh truy tố ông Nguyễn Thanh Chấn.
2. Đại tá Lê Văn Dũng -Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy. Cách đây 10 năm, ông Dũng là Phó phòng CSĐT, trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn.
3. Ông Nguyễn Đình Dung - Phó Trưởng CA huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - điều tra viên chính của vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn cách đây 10 năm.
4. Ông Trần Nhật Luật - Phó Trưởng CA huyện Việt Yên (Bắc Giang), hồi đó là điều tra viên.
5. Ông Đào Văn Biên - Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an tỉnh Bắc Giang), là điều tra viên.
6. Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Trưởng phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng - CA tỉnh Bắc Giang, trước đây là điều tra viên, trực tiếp hỏi cung ông Nguyễn Thanh Chấn.
Bị bắt vì cái đầu cua? Trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, theo lời kể của một số người dân trong thôn Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), có một chi tiết khiến nhiều người không khỏi thắc mắc đó là “vì sao cả làng bao nhiêu người nhưng đến hôm xảy ra án mạng thì lại tình nghi mỗi mình ông Chấn?”. Theo lời kể của một số người thì thì tối hôm xảy ra án mạng, một nhân chứng nhìn thấy đối tượng mặc quần đùi, tóc cắt cua đang vật lộn với một người phụ nữ. Lúc đó, cả làng có ông Chấn là có đầu cua, trong khi đó, ông Chấn vào thời điểm đó cũng tình cờ đi lấy nước qua nhà nạn nhân. Trong khi đó, hung thủ Lý Nguyễn Chung lúc đó cũng cắt đầu cua, tuy nhiên, do thời điểm gây án Chung mới hơn 14 tuổi nên có lẽ dân làng cũng như điều tra viên cũng không đưa hắn vào diện tình nghi. Trước đó, khi phóng viên hỏi ông Chấn cũng như người nhà, luật sư Nguyễn Đức Biền - người đã bảo vệ cho ông Chấn ở hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm - về việc vì sao chỉ có mình ông Chấn bị đưa vào diện tình nghi thì tất cả cũng đều không hiểu vì sao lại như vậy. Ngoài việc có dấu chân “gần đúng” với ông Chấn xuất hiện ở hiện trường vụ án, thì tất cả chứng cứ buộc tội của cơ quan chức năng đối với ông Chấn vô cùng lỏng lẻo - ông Nguyễn Đức Biền cho biết. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?