Mọi việc đều theo chỉ dẫn của chồng
Trả lời HĐXX, bà Đặng Ngọc Lan - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (Công ty B&B) xác nhận, thời điểm vụ án xảy ra và ngay cả hiện tại bà vẫn là Tổng giám đốc của doanh nghiệp. Nói về hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ngày 25/12/2008 với Ngân hàng ACB, bà Lan khẳng định mình đã ký kết hợp đồng đó nhưng "không hề để ý, tìm hiểu nội dung chi tiết". “Tôi cũng không thường xuyên ký, chỉ khi nào anh Kiên ủy quyền tôi mới ký. Hợp đồng đó tôi ký ở nhà” - bà Lan khẳng định.
Bị HĐXX thẩm vấn về bối cảnh ký kết hợp đồng, bà Lan tiếp tục xác nhận không phải là người trực tiếp đàm phán với Ngân hàng ACB. Khi nhận hợp đồng từ chồng, bà Lan chỉ đọc qua nên chỉ nắm được hợp đồng đề cập tới một giao dịch giữa Công ty B&B với Ngân hàng ACB. Đối với hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Nguyễn Đức Kiên), bà Lan khai rằng: “Thời điểm đó, tôi ở nhà chuẩn bị sinh con nên không biết hợp đồng ủy thác giữa cô Hương với Công ty B&B như thế nào”. Khi bị tòa yêu cầu làm rõ việc không nắm được nội dung hợp đồng mà vẫn ký, vợ bị cáo Kiên nghẹn ngào: “Tôi có đủ nhận thức là khi ký hợp đồng cần phải đọc, nhưng quả thật tôi luôn tin tưởng anh Kiên. Trong lòng tôi mặc định, anh Kiên sẽ không đưa cho tôi ký những thứ gì sai trái”.
Cũng theo giải thích của bà Lan, sau này khi vụ án xảy ra và được CQĐT cho xem lại các hợp đồng, văn bản thì bà mới dần chắp nối các sự kiện với nhau. Tính đến thời điểm xảy ra vụ án, bà Lan không hề nắm được bị cáo Kiên và em gái phân chia lợi nhuận công ty như thế nào. Bị hỏi về trách nhiệm ký các hợp đồng, vợ bị cáo Kiên lạc giọng: “Tôi nhận thức được là ký thì phải chịu trách nhiệm, nhưng mong HĐXX hiểu cho tôi đã ký các hợp đồng với tư cách của người vợ hoàn toàn tin tưởng chồng”.
Cuối phần trả lời thẩm vấn HĐXX, nữ Tổng giám đốc Công ty B&B khẩn khoản: “Tôi không nghĩ tôi làm sai và cũng không nghĩ chồng mình làm sai. Mong HĐXX xem xét cụ thể trách nhiệm của tôi trong trường hợp này vì tôi chỉ ở nhà chăm con và mọi việc đều thực hiện theo sự chỉ dẫn của chồng”.
Nhập nhằng tư cách trong hợp đồng
Sau khi được tòa án cho phép trình bày vắn tắt kháng cáo về tội “Trốn thuế”, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã phải trả lời các câu hỏi mà HĐXX đặt ra xoay quanh những bản hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính. Cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB khai, tự soạn thảo hợp đồng giữa Công ty B&B với bà Nguyễn Thúy Hương, sau đó đưa cho vợ ký. Ngay trong buổi sáng 25-12/2008, bị cáo ra quán cà phê làm thêm phụ lục hợp đồng, rồi đến trưa thì mang về để vợ ký tiếp. Cùng ngày, bị cáo Kiên tiếp tục soạn thảo hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B với Ngân hàng ACB, rồi lại đưa cho bà Lan ký. Bị cáo Kiên khẳng định cả 3 văn bản này đều trực tiếp đưa cho vợ ký trong cùng một ngày, ở những thời điểm khác nhau, nhưng thứ tự thì theo đúng “logic” về trình tự ký kết các hợp đồng ủy thác.
Bị cáo Kiên khẳng định không trao đổi gì về nội dung hợp đồng với vợ, nhưng đã thống nhất kế hoạch đầu tư trạng thái vàng với em gái. Nói về vai trò của từng người liên quan trong các hợp đồng này, cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB khai, bà Hương là chủ thể đầu tư, nếu có lãi thì hưởng còn lỗ thì chịu. Cụ thể theo hợp đồng thì bà Hương ủy quyền cho cá nhân bị cáo Kiên thực hiện việc kinh doanh trạng thái vàng. Sau đó bị cáo Kiên lại thay mặt em gái để thực hiện giao kết hợp đồng ủy thác cho Công ty B&B, do chính ông ta làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, bị cáo Kiên lại ủy quyền cho vợ đại diện Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác lại cho Ngân hàng ACB để kinh doanh trạng thái vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Quá trình đặt lệnh mua bán trạng thái vàng, bị cáo Kiên lại cùng lúc mang cả hai tư cách, đại diện cho em gái và đại diện Công ty B&B để yêu cầu Ngân hàng ACB thực hiện các giao dịch mua bán vàng.
Cũng theo lời khai của bị cáo Kiên, quá trình kinh doanh, Công ty B&B không hề được hưởng lãi mà chỉ thu phí dịch vụ nhận ủy thác kinh doanh từ bà Hương. Nói về mối lợi nhuận trong năm 2009 thông qua việc mua bán vàng trạng thái ngoài lãnh thổ, cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB trình bày, dựa vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Công ty B&B đã chia cho bà Hương 68 tỷ đồng, còn 31 tỷ đồng chia trên giấy tờ thực chất mới chỉ là sự ghi nhận với nhau. Giải thích vì sao lại phải ủy quyền cho vợ ký hợp đồng với Ngân hàng ACB, bị cáo Kiên không úp mở: “Vì tôi là đại diện theo pháp luật của Công ty B&B nên mới phải ủy quyền cho vợ mình thực hiện việc này”. Trong quá trình khai báo về hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, bị cáo Kiên liên tục cho rằng bản án sơ thẩm đã kết tội không đúng. Bởi theo cựu Phó chủ tịch Ngân hàng ACB, Công ty B&B đã kê khai và nộp thuế đầy đủ, trong đó cũng đã kê khai cả phần thu nhập từ phí dịch vụ nhận ủy thác kinh doanh từ em gái. Và việc Công ty B&B ký hợp đồng nhận ủy thác kinh doanh với bà Hương là không trái với các quy định của pháp luật.
Trước đó, tại bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội xác định năm 2009, Công ty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái và thu lãi hơn 100 tỷ đồng. Nhưng chỉ bằng việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính và phụ lục hợp đồng, Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh trạng thái vàng sang bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng để không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền hơn 25 tỷ đồng… Cuối giờ chiều qua, phiên tòa chuyển sang thẩm vấn những người liên quan tới hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm. Hôm nay (3/12), phiên xét xử này sẽ tiếp tục.