Việc khai sinh, thừa kế của hai bé thụ thai sau khi cha qua đời sẽ như thế nào?
Thứ năm, 02/01/2014 16:19

Quy trình thụ tinh của bệnh viện, mẫu AND là hai bằng chứng quan trọng đối với quyền lợi của “hai mầm sống tuyệt vời như cổ tích”…

Hai em được mang họ cha hay không? Hai em có được đảm bảo các quyền lợi về thừa kế hay không?

Hai em được mang họ cha hay không? Hai em có được đảm bảo các quyền lợi về thừa kế hay không?

Câu chuyện chị Hoàng Thị Kim Dung, ở khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội sinh hai bé trai từ tinh trùng của người chồng đã qua đời cách đây bốn năm đang được nhiều người chú ý.

Bởi lẽ, sự ra đời của hai "thiên thần" nhỏ là sắc màu đáng yêu của cuộc đời, vốn không bao giờ dừng lại ngay cả khi sự sống kết thúc.
Mặt khác, đó còn là thành tựu của y học Việt Nam giữa bộn bề những vết đen y đức suốt thời gian dài.

Bên cạnh những điều tốt đẹp đó, hai em bé sinh đôi lại mang đến những băn khoăn thú vị về mặt pháp lí.

Hai em được mang họ cha hay không?

Hai em có được đảm bảo các quyền lợi về thừa kế hay không?

Đó là những câu hỏi mà pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn còn chưa chạm tới.

Một số ý kiến cho rằng, cha hai em qua đời cách đây bốn năm, như vậy đã quá 300 ngày theo quy định tại khoản 2, điều 21, nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 30.10.2001 thì quan hệ hôn nhân của chị Dung và chồng không còn nữa.

Do đó, những đứa trẻ được sinh sau này được coi là con ngoài giá thú.

Từ thực tế pháp lí như trên, rất nhiều người lo lắng hai em bé sẽ không được khai sinh theo theo họ cha, rằng tên cha cũng không có trên các loại văn bản, giấy tờ. Quyền thừa kế của các em cũng sẽ không có vì ngay thời điểm cha mất thì vấn đề thừa kế mở ra…

Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Quang Vũ, văn phòng luật sư Người Nghèo cho biết: “Pháp luật là vậy, nhưng linh hoạt hơn một chút, gia đình các em vẫn có cách để hoàn thành các thủ tục pháp lí đó”.

Luật sư Vũ gợi ý, chị Hoàng Thị Kim Dung nên đến tòa án đề nghị công nhận cha là người chồng đã mất cho hai con sinh sau của mình.

Có hai bằng chứng quan trọng là quy trình lưu mẫu tinh trùng của người chồng, thụ tinh bằng tinh trùng của chồng cho chị Dung và mẫu AND của bé gái là chị của hai em bé song sinh. Như vậy, quan hệ huyết thống được chứng minh thì các con của chị có quyền lợi như nhau.

Đã yêu thương chồng và chờ đợi nhiều năm, một việc như thế này chắc chắn không quá khó với chị Dung. Tôi tin là trước khi pháp luật có những điều chỉnh theo thực tế sẽ linh hoạt với hạnh phúc của trẻ.” Luật sư Vũ nói.

Hai bé sinh đôi được hưởng thừa kế từ ông bà nội

Không ai được làm trái với quy định của pháp luật. Hai em bé song sinh không được khai sinh theo tên cha, không được thừa kế từ tài sản của cha, nhưng, các em có quyền thừa hưởng tài sản thừa kế từ… ông bà nội.

Đó là ý kiến của một kiểm sát viên cấp tỉnh để phản hồi về bài viết việc làm khai sinh, thừa kế của hai em bé ở Hà Nội sau khi cha qua đời cách đây bốn năm trên Báo điện tử Một thế giới, chiều ngày 2.1.

Theo ý kiến của vị kiểm sát viên, pháp luật có mặt trong đời sống xã hội để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các cá nhân, tổ chức.

Vì vậy, sẽ không có bất cứ một trường hợp ngoại lệ nào, ngay cả khi gia đình các bé chứng minh được con cháu mình là huyết thống của người cha đoản số. Các em bé được sinh ra sau bốn năm cha mình qua đời, nên thời hạn quy định con chung trong thời kì hôn nhân với người mẹ đã hết.

Pháp luật cũng quy định, ngay từ thời điểm người chồng qua đời, vấn đề thừa kế được bắt đầu. Như vậy, cả hai tình huống khai sinh theo cha và thừa kế tài sản đã không còn.

Vị kiểm sát viên nói: “Pháp luật ở Việt Nam đã chưa theo kịp với những tình huống phát sinh của xã hội. Hi vọng rằng, Quốc hội sẽ nhanh nhìn thấy và kịp thời điều chỉnh để trong tương lai, các em sẽ được phục hồi tên cha ở phần khai sinh và được hưởng thừa kế.

Còn hiện nay, rất tiếc phải nói rằng không ai được làm trái quy định”.

Tuy nhiên, kiểm sát viên này nói thêm, nếu chứng minh được hai bé là con của người cha đã mất, bằng các xét nghiệm AND, quy trình nghiêm ngặt của bệnh viện… thì hai em bé sẽ được thừa kế tài sản của… ông bà nội mình.

Điều 677 Bộ luật Dân sự cho phép hai em bé được thừa kế thế vị tài sản của ông bà nội. Lí do của tình huống này là cha của hai em được thừa kế tài sản của ông bà nội, nhưng chẳng may qua đời trước, nên nếu chứng minh được là con ruột thì hai bé được thừa kế thế vị theo quy định pháp luật.

Như bao người dân khác, tôi có theo dõi thông tin kì diệu của y học Việt Nam và tình yêu thương sâu đậm của chị Hoàng Thị Kim Dung với chồng. Tôi cũng trăn trở với quyền lợi của hai em nhỏ. Nhưng, có lẽ điều 677 Bộ luật Dân sự là phù hợp nhất trong tình huống này. Tôi hi vọng, trong tương lai, pháp luật của chúng ta sát hơn với cuộc sống vốn biến động từng ngày”, vị kiểm sát viên chia sẻ.

Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, chị Hoàng Thị Thùy Dung, nhà ở khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội đã sinh đôi hai bé trai kháu khỉnh từ tinh trùng của người chồng đã qua đời cách đây bốn năm.

Câu chuyện lung linh tình yêu và mang sắc màu kì diệu này làm thổn thức nhiều trái tim Việt Nam trong những ngày đầu năm mới. Sự có mặt hai em trên đời còn đem lại nhiều tình huống pháp lí thú vị. Trên rất nhiều trang cá nhân, báo chí, mọi người đều mong hai em được khai sinh theo tên cha và có đầy đủ quyền lợi của mình.

Motthegioi.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Song sinh , Thụ tinh nhân tạo , Tinh trùng người đã mất , Hà Nội