Vì sao Hoàng Liên Sơn lại bốc hỏa? (Kỳ 2)

Và lại một lần nữa, tôi vừa rời đại ngàn Hoàng Liên, thảm họa cháy rừng đã bắt đầu. Lời “tiên tri” của “người rừng” Trần Ngọc Lâm lại lần nữa thành sự thật.

Đợt đó, rỗi rãi, “người rừng” Trần Ngọc Lâm từ đỉnh Fansipan, cắt qua đại ngàn vân sam, về thăm khu rừng pơ-mu cổ thụ. Ông Lâm đã bàng hoàng khi phát hiện ra chi chít những con đường mòn mới mở, xuyên từ phía San Sả Hồ, Lao Chải, cắt ngang qua khu rừng pơ-mu, ra đến tận Quốc lộ 4D, cách Trạm Tôn, nơi đặt trụ sở Trạm kiểm lâm Vườn Quốc gia không xa.

Lán lâm tặc dựng lên giữa rừng pơ-mu Hoàng Liên.

Và rồi, ông đau đớn chết lặng khi phát hiện ra cánh rừng pơ-mu rộng cả ngàn héc-ta đang bị hàng trăm, hàng ngàn lâm tặc ngày đêm đốn hạ. Đại ngàn tan nát như vừa bị trúng ngàn vạn quả bom, như vừa bị cơn đại hồng thủy tràn qua. 

Ông đi cả ngày cắt qua cánh rừng, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy còn một thân pơ-mu khổng lồ nào nữa. Ông chỉ còn biết gọi điện thông báo cho tôi với những lời lẽ đau đớn, tuyệt vọng của một người yêu rừng hơn yêu bản thân mình.

Chỉ việc chặt đứt rễ, những thân cây khổng lồ bám vào đá này sẽ đổ kềnh.

Tôi và “người rừng” Trần Ngọc Lâm thả dốc từ phía Trạm Tôn, rồi cứ theo con đường mòn lâm tặc mở ra mà đi. Hết lên dốc, lại xuống dốc. Có những đoạn, phải vằm tay vào đá mà đu lên. 

Với người thường, thì không thể tin tại sao con người lại có thể vác một súc gỗ lớn trèo qua được những cung đường này, trong khi đi người không còn khó khăn. Thế nhưng, tôi thì tin, vì đã rất nhiều lần chứng kiến người Mông vác gỗ leo núi.

Những cây pơ-mu nhỏ cũng bị cạo vỏ để chết khô, vác cho nhẹ. 

Người Mông như loài dê núi, cuộc sống của họ gắn với rừng, với những dốc đá cheo leo, nên họ có thể vác cả súc gỗ trên vai mà vẫn “nhảy” tưng tưng lên dốc, hoặc chạy ầm ầm như bay khi xuống dốc. Những đoạn đường bằng, họ lại móc những súc gỗ vào sợi thừng và đàn trâu mộng tiếp tục nhiệm vụ. 

Cứ cuốc bộ đều đặn không nghỉ từ sáng sớm đến chiều tối thì chúng tôi đến lãnh địa của loài pơ-mu ngàn tuổi. Chúng tôi vòng ngang rẽ dọc, tìm xuống thung lũng, rồi bò lên tận đỉnh những ngọn núi, nhưng chẳng còn thấy thân pơ-mu cổ thụ nào. Chỉ thấy những gốc pơ-mu trơ trụi, rỉ máu, vẫn bốc mùi thơm ngào ngạt.

Đốt cả gốc pơ-mu để lấy than.

Dọc cánh rừng ấy, những mái lều cũ kỹ, mục nát do lâm tặc dựng lên trú ngụ vẫn còn. Cứ cuốc bộ một đoạn lại gặp xưởng xẻ gỗ. Những súc gỗ đẹp đã được chuyển ra khỏi rừng, chỉ còn lại những đoạn cong, vênh, xấu xí, bị chúng vứt ngổn ngang. Những thân pơ-mu khổng lồ, bám rễ vào đá mà lớn lên, cả ngàn năm mới thành cổ thụ, bị chúng chặt rễ đổ kềnh.

Con suối chảy qua đại ngàn pơ-mu mùa khô chẳng còn giọt nước, nhưng dấu vết của những cơn lũ tràn qua vài tháng trước vẫn hiển hiện rõ rệt. Những súc gỗ khổng lồ bị lũ cuốn trôi ngổn ngang, những mảng núi sạt lở, những mảnh rừng bị nước lũ với bùn đất tràn qua vẫn còn hiện rõ.

Lò sấy thảo quả.

Đi mãi, đi mãi, chúng tôi chỉ gặp những gốc pơ-mu trơ trọi trên những khối đá rêu phong. Thậm chí, những gốc pơ-mu cũng bị lâm tặc phóng hỏa đốt lấy than mang về bán cho người miền xuôi nướng chả. 

Thi thoảng chúng tôi mới gặp những cây pơ-mu nhỏ, độ một người ôm. Tuy nhiên, những cây này đã bị lâm tặc dùng dao, rìu chém tới tấp vào thân. Hết nạc thì vạc đến xương, lâm tặc đã bóc vỏ những cây pơ-mu nhỏ này, để cây chết khô, rồi xẻ gỗ vác cho nhẹ.

Lâm tặc đang xẻ gỗ thì cháy rừng, phải bỏ chạy.

Ông Lâm dẫn tôi vào những hốc núi đất và chỉ cho tôi xem hàng chục lò đốt than giữa rừng. Sau khi lâm tặc xẻ hết pơ-mu, mở đường đi thuận lợi vào đại ngàn, thì người Mông từ các xã lân cận cũng kéo vào phá rừng đốt gỗ lấy than. 

Họ đào núi thành cái bụng to tướng, rồi xẻ gỗ, trốc nốt những gốc pơ-mu do lâm tặc để lại tống vào cái “bụng núi” ấy, rồi phóng hỏa. Lò “hóa gỗ” ấy cháy âm ỉ ngày đêm, cho ra những lò than hoa, để họ gùi về trung tâm huyện bán cho các ông chủ chuyển về xuôi.

Rừng cháy rồi, lâm tặc lại vào xẻ những khối gỗ chưa bị cháy hết để tận thu.

Chỉ tay vào những “lò nung gỗ”, ông Lâm bảo: “Những lò đốt than này chính là thủ phạm của hàng chục vụ cháy rừng ở Sapa mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn những vụ cháy rừng là nhỏ, dập tắt kịp. Thế nhưng, ai dám khẳng định sẽ không có những vụ cháy rừng lớn?

Vụ thiêu rụi hàng ngàn ha rừng Hoàng Liên Sơn cách nay 12 năm là bài học nhãn tiền đó thôi! Thời tiết năm nay rất khắc nghiệt, giá lạnh, nhưng hanh khô, nên chỉ cần một tàn lửa bay từ lò đốt than vào rừng, sẽ tạo ra thảm họa khủng khiếp”.

Tác giả bên những gốc cây bị lâm tặc đốn hạ nhưng chưa kịp xẻ thì rừng cháy.

Sau chuyến đi cùng ông Lâm năm ấy, tôi chưa kịp đưa những tấm hình đốn rừng đau đớn, những tấm hình đào núi sấy thảo quả, những lò ủ than hoa lên báo, để nhắc với các cơ quan chức năng về một thảm họa mà ông Lâm cảnh báo trước, thì thảm họa cháy rừng khủng khiếp chưa từng có vào đúng những ngày tết 2010 ở Hoàng Liên Sơn đã xảy ra. 

Điều đó có nghĩa là, lời tiên tri của “người rừng” Trần Ngọc Lâm về một vụ cháy rừng lịch sử suốt cả tuần, thiêu trụi cả ngàn ha rừng nguyên sinh triệu năm tuổi đã thành sự thật.

Cháy rừng mới lộ ra chuyện lâm tặc đã đốn hạ sạch sẽ những cây gỗ lớn.

Rồi những ngày đầu năm 2012 này, ông Trần Ngọc Lâm lại gọi tôi lên để tận mắt cảnh người dân đốt rừng làm nương, đốt củi lấy than hoa, sấy thảo quả, để tôi lần nữa nhắc các cơ quan chức năng rằng, thảm họa cháy rừng sẽ lặp lại. 

Và lại một lần nữa, tôi vừa rời đại ngàn Hoàng Liên, thảm họa cháy rừng đã bắt đầu. Lời “tiên tri” của “người rừng” Trần Ngọc Lâm lại lần nữa thành sự thật.

Còn tiếp…