Với đặc trưng tỉnh có đường biên hơn 230 km, có nhiều cửa khẩu, cùng các chợ biên giới trên địa bàn, nhiều đường mòn lối tắt, tuyến biên giới Lạng Sơn – Trung Quốc càng gần Tết càng đối mặt với tình trạng vận chuyển, buôn bán pháo nổ diễn biến phức tạp.
Vi phạm ngày càng tinh vi
Nhiều địa danh tại tỉnh Lạng Sơn như Hang Dơi, Thác Mén, Cốc Nam, Kéo Kham, Bãi Danh... từ lâu thường được nhắc đến là những "điểm nóng" về vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua biên giới. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ gần 150 vụ buôn bán, vận chuyển pháo trái phép, thu giữ khoảng 3 tấn pháo các loại do Trung Quốc sản xuất. Khởi tố 49 vụ, 70 bị can, xử phạt hành chính 29 vụ, 37 đối tượng.
Một trong số lượng pháo cán bộ Hải quan Tân Thanh, Lạng Sơn bắt giữ trong ngày gần Tết
Đặc biệt, càng gần Tết Nguyên đán, số vụ vi phạm càng tăng vọt. Đồng thời, các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép các loại pháo nổ này chủ yếu là người từ các tỉnh khác trong nội địa đến lợi dụng các hoạt động buôn bán, kinh doanh, du lịch... để vận chuyển pháo.
Chỉ tính riêng tháng 11/2011, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 14 vụ, thu hơn 400 kg pháo các loại. Riêng lực lượng hải quan Cốc Nam, trong tháng12/2011 đã phối hợp công an địa bàn bắt được 4 vụ, với 5 đối tượng, vận chuyển hơn 100 kg pháo nổ các loại do nước ngoài sản xuất, trong đó chuyển cơ quan điều tra khởi tố 3 vụ, 4 đối tượng.
So với mọi năm, năm 2011, các đối tượng vận chuyển pháo lậu có phần trắng trợn và tinh vi hơn. Các đầu nậu buôn pháo thường liên lạc với đối tượng nước ngoài qua điện thoại, hẹn địa điểm, thời gian và phương thức giao hàng. Sau đó, tại khu vực biên giới, chủ hàng thường thuê dân bốc vác, xách tay pháo với lượng nhỏ để qua mặt cơ quan chức năng.
Thượng tá Bế Thế Huyên, Phó Trưởng Phòng Cảnh Sát Giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn
Thượng tá Bế Thế Huyên, Phó Trưởng Phòng Cảnh Sát Giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Hiện nay, việc vận chuyển pháo nổ của các đối tượng về các tỉnh nội địa chủ yếu bằng hình thức xé lẻ hàng hóa và sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau. Thời điểm vận chuyển, các đối tượng thường nhằm vào lúc ít lực lượng chức năng hoạt động ở trên đường hoặc là vào buổi tối hay sáng sớm, gây rất nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý”.
Cạnh đó, nắm được quy định của pháp luật nên để tránh bị truy tố hình sự, các đối tượng thường vận chuyển dưới 10 kg pháo (theo quy định, vận chuyển từ 10 kg trở lên sẽ bị truy tố hình sự) và chia ra thành các gói nhỏ, cho nhiều người cầm qua. Khi qua được biên giới, chủ hàng sẽ thu gom lại và bằng nhiều cách khác nhau để đưa sâu vào nội địa tiêu thụ.
Nhiều loại pháo nổ rất nguy hiểm như: pháo lựu đạn, pháo ném, pháo cối... được các đối tượng vận chuyển, cất giấu hết sức tinh vi như để lẫn với các loại hàng hóa, gửi hàng trên xe khách, rồi cho chủ xe số điện thoại để liên lạc, hòng thoát ly vật chứng khi bị phát hiện. Một số đối tượng còn dùng cả trẻ em đi vận chuyển pháo nổ.
Ông Đặng Nam Cao, Phó Trạm trưởng, Trạm Biên phòng Tân Thanh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Các đường tắt, đường mòn qua khu vực biên giới rất nhiều, đặc biệt là hai khu vực cánh gà cửa khẩu. Do đó, cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng gặp rất nhiều khó khăn khi bố trí đội hình, chia lực lượng để đấu tranh, kết hợp với các lực lượng khác để kiểm tra, bắt giữ.
Mức phạt còn nhẹ
Ðể đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo nổ vào những ngày giáp Tết, rút kinh nghiệm nhiều năm trước, ngay từ đầu tháng 10 năm nay, Ban Chỉ đạo Phòng, chống các hành vi sai phạm về pháo của tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức triển khai ngay các biện pháp đấu tranh, xử lý các sai phạm về pháo.
Ông Đặng Nam Cao, Phó Trạm trưởng, Trạm Biên phòng Tân Thanh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn
Ðể hạn chế việc vận chuyển pháo nổ qua địa bàn, Công an Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể... tổ chức truy quét quyết liệt về các hành vi sai phạm về pháo. Tỉnh đã huy động cao nhất các lực lượng, phương tiện, đồng thời tăng cường phối hợp tuyên truyền, tổ chức phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép các loại pháo nhập lậu từ biên giới vào nội địa...
Ông Đặng Nam Cao, Phó Trạm trưởng, Trạm Biên phòng Tân Thanh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Các đơn vị chức năng, trong đó có lực lượng biên phòng Tân Thanh, đã phải xây dựng các cơ sở quần chúng tốt, bí mật nắm bắt và thông tin kịp thời khi phát hiện đối tượng vận chuyển qua địa bàn thì mới có thể kiểm tra, bắt giữ được đối tượng vi phạm”.
Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của các lực lượng tại khu vực biên giới, để công tác phòng chống vận chuyển pháo nổ nhập lậu có hiệu quả, việc ngăn chặn nhu cầu tại các tỉnh nội địa là rất quan trọng.
Ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh
Đại tá Bùi Văn Điển, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Có cung mới có cầu, nên để ngăn chặn vấn nạn này, ngoài các lực lượng của tỉnh Lạng Sơn nói riêng, các tỉnh biên giới nói chung, các tỉnh trong nội địa phải làm tốt công tác tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng đốt pháo nổ trong dịp Tết tại địa phương mình. Biện pháp này làm triệt để sẽ “cắt cầu, giảm cung”. Các tỉnh biên giới và các tỉnh nội địa phải cùng làm quyết liệt mới có kết quả cao. Vì trong những năm qua, đối tượng bị bắt vì vận chuyển pháo chủ yếu là người các tỉnh nội địa”.
Cạnh đó, theo ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, cần có những biện pháp mạnh để răn đe các đối tượng có sai phạm về pháo nổ. Bởi trước đây vi phạm 30 kg sẽ bị khởi tố, nay là từ 10 kg, nhưng ngưỡng này vẫn còn cao, cần phải nghiêm minh hơn, hình phạt nặng hơn nữa để răn đe, kể cả phạt hành chính còn quá nhẹ.