Làng buôn trâu sầm uất.
Nếu như ở Hải Lựu, con trâu để mua vui thì ở Thổ Tang, con trâu đã giúp làng mạc ngày càng giàu có, trù phú.
Làng không ngủ
Thổ Tang có 2.786 hộ, 14.000 nhân khẩu, thì có tới 781 hộ kinh doanh buôn chuyến với doanh số hoạt động từ một vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng; 1.500 hộ buôn bán vặt và nông sản thực phẩm.
Mảnh đất này không thiếu những tỷ phú " chân đất". Những ông chủ "chân đất" ở làng Thổ Tang lý lịch bao đời nay đều gắn với hai chữ "bần nông", trình độ văn hoá chưa hết THPT, vậy mà trong tính toán làm ăn kinh tế và tính thích nghi với thị trường thì nhiều người "có học" cũng phải thua.
Từ lâu, tôi đã nghe tiếng Thổ Tang nổi tiếng buôn trâu, không những thông thương trong nước mà còn xuyên quốc gia. Nhiều đại gia nổi lên nhờ trâu. Tuy nhiên khi đến tận nơi, mọi thứ không như tôi hình dung ban đầu.
Thổ Tang bây giờ đã là một thị trấn trù phú với nhà tầng nối nhau san sát. Làng buôn trâu chẳng khác gì một khu phố sầm uất. Hỏi chợ trâu, một người đàn ông chừng 50 tuổi trả lời gọn lỏn: "Làm gì có chợ trâu nào!!!".
Chưa hết ngạc nhiên thì bác này nói tiếp: "Chỗ nào ở đây mà chẳng là nơi buôn bán trâu". Hoá ra là vậy, cả làng buôn trâu, nhà nhà buôn trâu, người người buôn trâu, cả làng thành...chợ trâu. Theo lời của bác thì phía trong chợ Thổ Tang cũng có một góc để buôn bán trâu, nhưng đó không phải là nơi buôn bán chính. "Muốn biết sự nhộn nhịp của làng buôn trâu, chắc anh phải chờ đến đêm về sáng. Chứ ban ngày trâu sống cũng lên đường, mà trâu mổ từ các lò cũng đi về các chợ hết", người đàn ông này nói. Quả thật, Thổ Tang ban ngày vắng bóng trâu để nhường chỗ cho các hoạt động buôn bán khác.
Nửa đêm. Chiếc xe tải thùng chở vài chục chú trâu chạy tuột về phía cuối làng. Trong ánh điện lờ mờ chỉ thấy những con trâu đen trùng trục áp sát nhau vào thành xe, tiếng lục cục của chân trâu đạp vào thùng khi được dắt xuống xe. Cả đoàn trâu được lùa về một bãi đất của chủ trại. Lát sau, lại tiếp tục một chuyến xe tải khác rú ga tiến vào. Đó là một xe trâu mới về. Tiếng ầm ầm của xe, tiếng lục cục của trâu dẫm lên thùng xe cả đêm, tiếng xe vào, xe ra... Tất cả tạo nên âm thanh rất đặc trưng. Đã rất lâu rồi, người dân Thổ Tang đã quá quen với âm thanh đó.
Công nghệ vỗ béo trâu
Mua bán trâu
Sáng mai thức dậy, tôi tìm đến các trại tập kết trâu đêm qua, chỗ chỉ còn vài con, có trại sạch trơn bóng trâu. Trâu đi đâu hết cả rồi? Thắc mắc đó được ông Đỗ Trọng Hải, dân buôn trâu nhiều năm cho biết: "Một số bị giết thịt. Số không bị giết, được vận chuyển đi các địa phương khác". Thổ Tang chỉ là điểm trung chuyển trâu. Theo như lời kể của ông Hải thì điểm trung chuyển làng ông không phải cho huyện mà cho cả tỉnh, cả nước, thậm chí buôn bán sang nước ngoài.
Mạng lưới buôn bán trâu ở Thổ Tang được tổ chức chuyên nghiệp đến mức hầu như phủ kín các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Ở bất kỳ địa phương nào cũng có "vệ tinh". Phần lớn trâu được mua về chủ yếu từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Lai Châu, Hoà Bình... ở miền Trung trâu được tuyển từ vùng núi hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông Hải cho biết, Thổ Tang còn nhập cả trâu từ Lào về. Tất nhiên phải qua nhiều cò, nhiều mối lái mới về được đến Thổ Tang.
Trâu về đến trại của Thổ Tang được "lái trâu" chọn lọc. To khoẻ hoặc có "tố chất" sẽ được giữ lại nuôi trong một khoá "vỗ béo" cấp tốc trong vài tuần lễ cho đến khi trâu "lột xác" sẽ được xuất cho các tỉnh xa. Còn lại những trâu còi, xấu giống sẽ chuyển đến các lò mổ lân cận thịt ngay trong đêm để chợ sáng đã có thịt bán.
Công nghệ "vỗ béo" trâu ở làng đã đạt đến trình độ siêu đẳng. Anh Phú, một thương lái có kinh nghiệm trên dưới 10 năm trong nghề tiết lộ: " Không chỉ các thương lái mà ngay cả người mua bán trâu lẻ cũng có những mánh khoé "trau chuốt" trâu. Đặc biệt đối với nhà buôn lớn, họ có lắm chiêu để làm cho trâu bò đẹp lên chỉ trong một vài ngày. Cho nên việc nhìn trâu định giá là một công việc buộc phải thận trọng và phải có nghề nếu không muốn vớ phải "hàng dỏm", "hàng kém chất lượng".
Theo anh Phú: Điều quan trọng nhất của một thương lái là phải nhìn thật chuẩn con trâu, bò mình định mua, ước lượng thật chính xác khối lượng, cũng như quan sát thật kỹ dáng vóc bên ngoài rồi mới đưa ra giá cả phù hợp. Tuỳ theo việc lựa chọn trâu bò làm sức kéo, làm giống hay cung cấp cho các lò mổ mà lựa theo những tiêu chí riêng. Từ những tiêu chí đó mà giá cả cũng khác nhau.
Phú đọc một câu truyền miệng cũng là kinh nghiệm xem trâu "Đầu tang, xoáy tóc, hàm sa. Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi" để nói đến những con trâu không tốt giống. Mỗi đêm, không biết bao nhiêu chuyến xe tải đến và đi từ bến Thổ Tang. Xe nào chở ít khoảng 5 - 7 con, có xe chở đến 30 con. Giá trâu trung bình khoảng 10 - 15 triệu đồng/con.
Hơn chục năm trong nghề thì Phú cũng phải lăn lộn nửa chừng đó thời gian bôn ba khắp mọi rừng này núi khác, thậm chí bây giờ anh chẳng nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần xuất ngoại áp tải xe đưa trâu về. Phú chia sẻ, thường thì giá trâu giao động trong khoảng 10-15 triệu đồng/ con. Tuy nhiên cũng có những con giá trị đến vài chục triệu đồng. Giá cả tuỳ theo tuổi tác, cân nặng, loại trâu xuất xứ từ đâu. Đặc biệt loại trâu to đưa từ Lào về, có giá đắt hơn. Trong số những lần đi Lào buôn trâu, cũng có vài lần Phú trở thành tay cung cấp trâu chọi cho các "giáp" ở Đồ Sơn cũng như Hải Lựu.
Đẳng cấp nghề
Cả đêm rậm rịch trâu về trâu đi, sáng ra có trại cũng chỉ còn vài con như thế này. Ảnh: Q.T
Cũng theo ông Hải, trong giới buôn trâu được phân ra nhiều thứ bậc cho "lái trâu", có những lái "đại gia" chỉ bỏ tiền mua chỗ này bán đi chỗ khác ăn tiền chênh lệch. Nhưng cũng có những "lái trâu" phải đi "cơ sở" tầm trâu về. Trong giới buôn loài "đầu cơ nghiệp" ấy có cả "cò trâu". Nghề của những tay này là chuyên chỉ trỏ chỗ cần mua, cần bán. Tất nhiên đó phải là những người thạo tin tức và có quan hệ khá mật thiết với các lái trâu.
Ở Thổ Tang, cò có khá nhiều đất để sống và thu nhập cũng không dưới 3triệu/ tháng. Theo người dân Thổ Tang, nghề buôn trâu xuất hiện ở đây từ những năm 30 của thế kỷ trước. Cái thời con trâu còn quý hơn cả một gia sản thì Thổ Tang đã nổi tiếng khắp miền Bắc về buôn trâu. Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, rồi trải qua thời kỳ Hợp tác xã, nghề truyền thống ở đây tuy có lắng xuống nhưng vẫn tồn tại. Sau 1986, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, làng buôn trâu lại nhộn nhịp trở lại như trước đây. Và bây giờ, ở Thổ Tang đã có những gia đình cha truyền con nối nghề lái trâu tầm cỡ lớn, không chỉ loanh quanh trong vùng mà còn mở rộng xuyên Việt, xuyên quốc gia để buôn bán.
Về Thổ Tang, nói đến nghề buôn trâu ai cũng biết đến ông Nguyễn Văn Năm. Ông Năm đương nhiên là một lái trâu có tiếng nhưng cái được mọi người biết đến ông bởi ông là người đầu tiên ở Thổ Tang được Nhà nước cấp giấy phép hành nghề cách đây hơn 20 năm. Máu buôn trâu đã ăn vào tiềm thức ông Năm. Không quản ngại vì hoàn cảnh khó khăn thời chiến, hồi giải phóng miền Nam, ông đã từng đưa trâu theo xe bộ đội tiến vào Sài Gòn.