Cải tạo lưới điện hạ thế trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 - TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đinh Thế Phúc cho biết năm nay, nếu không có biến động bất thường về thủy văn thì tình hình cung ứng điện sẽ bớt căng thẳng. Tuy nhiên, thoát mối lo cúp điện do thiếu nước, 2 đầu tàu kinh tế lớn là Hà Nội và TPHCM lại phải đối mặt với nguy cơ mới: Cúp điện do thiếu đường dây truyền tải.
Đã cảnh báo từ 3 năm trước
Nguy cơ thiếu điện do thiếu dây truyền tải bắt đầu được cảnh báo từ năm 2009. Vào thời điểm đó, công suất các trạm biến áp 220 KV của cả nước đạt 13.000 MBA trong khi công suất lắp đặt các nhà máy đã lên đến 15.000 MW và thực tế công suất huy động cao điểm đã ở mức 13.000 MW. Từ năm 2009 đến nay, nhiều nguồn điện mới đã đi vào hoạt động, bổ sung đến gần 3.000 MW điện mỗi năm nhưng các công trình lưới điện lại rất ì ạch. Công suất phát điện tăng cao nhưng công suất của hệ thống lưới không tăng tương ứng tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng điện không thiếu nhưng vẫn bị cúp vì không truyền tải được điện từ nhà máy đến nơi tiêu thụ.
Nguy cơ thiếu điện cục bộ sẽ xảy ra tại Hà Nội ngay từ mùa khô này. Theo kế hoạch, từ năm 2006-2010, Hà Nội đầu tư hơn 6.800 tỉ đồng xây dựng, nâng cấp 4 trạm biến áp 110 KV và 6 trạm biến áp 220 KV với khoảng 140 km đường dây. Nhưng đến cuối năm 2010 không có công trình lưới điện 220 KV nào được xây dựng, các công trình còn lại đều không hoàn thành kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do thiếu vốn và không giải phóng được mặt bằng. Mùa hè năm ngoái, hệ thống lưới điện của Hà Nội đã dùng gần hết công suất, có nơi quá tải đến 159%.
Việc cúp điện luân phiên sẽ bắt đầu diễn ra nghiêm trọng nếu các công trình lưới điện không được làm ngày làm đêm với tiến độ thần tốc để kịp đóng điện cuối tháng 3 tới. Thiếu điện sẽ xảy ra ở diện rộng, gồm khu vực trung tâm TP Hà Nội, quận Long Biên, huyện Đông Anh, Từ Liêm…
Còn ở TPHCM, tình trạng thiếu điện cục bộ sẽ diễn ra muộn hơn. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đẩy nhanh các dự án cấp bách bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam gồm dự án đường dây 220 KV Đắk Nông - Phước Long – Bình Long; nâng tụ bù dọc các đường dây 500 KV Hà Tĩnh – Đà Nẵng và Pleiku – Phú Lâm…
Đầu tư chưa tương xứng
Theo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của Bộ Công Thương, chi phí cho khâu truyền tải điện là 5.626 tỉ đồng, chỉ chiếm gần 5,7% trên tổng chi phí giá điện (101.096 tỉ đồng). Đây là mức đầu tư quá thấp trong khi truyền tải là khâu rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện. Giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm hiện nay cũng chỉ ở mức 65,7 đồng/KWh nên càng khó thực hiện tái đầu tư cho lưới điện. Tổng Công ty Truyền tải điện đang thiếu tiền nghiêm trọng trong khi trước mắt có nhiều dự án cấp bách phải làm cho xong để đáp ứng nhu cầu truyền tải điện cho miền Nam sau năm 2013.
Theo cân đối của EVN được Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh thông báo tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2012, điện sản xuất và mua trong năm nay sẽ đạt 118,5 tỉ KWh, tăng 11,5% so với thực hiện năm trước. Bao gồm điện do EVN sản xuất đạt 50,88 tỉ KWh, điện mua ngoài là 67,62 tỉ KWh (trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 4,65 tỉ KWh). Như vậy, tổng sản lượng điện thương phẩm cung ứng có tính tới yếu tố sử dụng tiết kiệm và hiệu quả là 105,18 tỉ KWh, tăng 11,9% so với năm ngoái. EVN cũng đã có phương án sẵn sàng chuẩn bị để đáp ứng nếu nhu cầu điện tăng cao hơn. Nhưng rủi ro cúp điện lại đặt vào tiến độ thi công đường dây.
Hà Nội lập ban chỉ đạo về điện TP Hà Nội đã phải lập ban chỉ đạo cung cấp điện do một phó chủ tịch UBND TP làm trưởng ban để đốc thúc việc giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình lưới điện. EVN cũng vừa phải lập phương án dự phòng cho trường hợp các công trình lưới không kịp tiến độ. Cụ thể, EVN tăng cường 3 MBA tại các điểm quanh Hà Nội, Cục Điều tiết Điện lực đứng ra làm việc với EVN và Hà Nội san tải điện với các tỉnh lân cận để giảm tải cho Hà Nội. |