Kỳ 1: Náo loạn “phố giấy tờ giả”
Núp dưới các hình thức môi giới việc làm, cung ứng lao động, hướng dẫn tuyển sinh, hỗ trợ dạy nghề, trên địa bàn TP Biên Hòa - nơi có hàng vạn lao động nhập cư - hiện có đến hàng trăm trung tâm, công ty “ma” hoạt động không đúng chức năng, chủ yếu là “sản xuất” và bán các loại giấy tờ, bằng cấp giả để thu lợi.
“2 phút, có liền”
“80.000 đồng, chờ chút, 2 phút có liền” – nhân viên của một trung tâm môi giới việc làm nằm trên đường Bùi Văn Hòa, phường Long Bình - TP Biên Hòa, niềm nở khi nghe chúng tôi hỏi mua một giấy khám sức khỏe. Nữ nhân viên này yêu cầu chúng tôi cung cấp một tấm hình chân dung cùng một số thông tin cá nhân như cân nặng, chiều cao, quê quán, số chứng minh nhân dân.
Nhân viên một trung tâm giới thiệu việc làm tại Biên Hòa (áo trắng) đang ra giá bằng B Anh văn, chứng chỉ vi tính với khách
Nhường khách hàng lại cho nhân viên khác, cô ta tách khỏi đám đông đang mua bán nhộn nhịp và đi vào căn phòng nhỏ bên cạnh, sau vài phút, cô ta đem ra một giấy khám sức khỏe đưa tận tay chúng tôi.
Nhìn tờ giấy, chúng tôi bất ngờ vì nó không khác gì so với những giấy khám sức khỏe thật mà với bất kỳ người nào cũng phải ngồi chờ trong bệnh viện mới có được. Cũng những ký hiệu loằng ngoằng cùng chữ ký của “bác sĩ”, chữ ký và tên tuổi của giám đốc bệnh viện, dấu mộc đỏ lòe đè lên một góc hình chân dung của khách hàng mà với người dân thường, không mấy ai có thể phân biệt được thật, giả.
Bước sang tiệm khác ngay bên cạnh, không khí cũng “vui như hội”. Kẻ mua hồ sơ, nhờ giới thiệu việc làm, người hỏi mua giấy khám sức khỏe, mua bằng trung cấp, giấy phép lái xe, nhộn nhạo cả lên. Có người thầm thì, liếc dọc liếc ngang e ngại nhưng cũng có người chẳng cần giữ ý, cứ oang oang hỏi thẳng, chẳng khác nào… mua rau ngoài chợ.
Tại đây, sau khi chen qua khỏi đám đông, chúng tôi hỏi mua một bằng trung cấp vi tính và một bằng B Anh văn. Nghe có người mua số nhiều, một trong ba nữ nhân viên liền ưu tiên tiếp chúng tôi. “Bằng B Anh văn giá 1,5 triệu đồng, vi tính cũng giá đó, anh muốn mua bằng của trung tâm hay của trường nào, cố gắng chờ 5 phút nhé!” - cô nhân viên nói to.
Theo lời cô này, để có một bằng hoặc chứng chỉ bất kỳ nào đó thì chờ “chút xíu” sẽ có ngay, nếu muốn “hàng” của trung tâm do mình chọn thì phải đặt cọc tiền trước, ba ngày hoặc một tuần sau quay lại. Đặt mua một tấm bằng tận Hà Nội nhưng nại lý do không mang theo tiền đặt cọc, chúng tôi hẹn hôm sau…
Tràn ngập “cơ sở sản xuất”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khắp TP Biên Hòa, có nhiều con đường được mệnh danh là “phố giấy tờ giả”. Ngoài đường Bùi Văn Hòa với nhan nhản các trung tâm, công ty trải dài cả hàng cây số từ ngã ba Tam Hiệp hướng về phía Vũng Tàu thì trên các đường Phạm Văn Thuận (phường Tam Hiệp), Quốc lộ 51 (phường Long Bình Tân), đường Vũ Hồng Phô (phường Bình Đa) cũng đầy rẫy những điểm “sản xuất” và bán “đồ giả”.
Giấy chứng nhận sức khỏe thật (trái) và giấy chứng nhận sức khỏe giả (phải) rất khó phân biệt
Trên đường Vũ Hồng Phô, bên cạnh các trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Đồng Nai, Trung cấp Kinh tế Đồng Nai, cảnh mua bán không quá tấp nập như các nơi khác nhưng khi tiếp cận, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là “có từ A tới Z!”. Tại đây, khi chúng tôi lân la mua một bằng lái xe giả và ngỏ ý muốn xem tận mắt con dấu ở bằng giả giống với bằng thật thế nào, sau một hồi rào đón, một nhân viên đứng tuổi mới hé cho xem cái bằng lái xe “mẫu”. Quả thật, nhìn bằng mắt thường, bằng giả trông chẳng khác gì bằng thật. “Thật với giả cũng như nhau, có ai kiểm tra đâu mà sợ” - nhân viên này nói.
Tại đường Phạm Văn Thuận, tình trạng cũng tương tự. Trong một trung tâm dạy nghề và cung ứng lao động, chúng tôi hỏi mua một giấy khám sức khỏe. Nhân viên giao dịch là một người đàn ông khoảng 40 tuổi, bảo đưa hình 3 x 4 và số chứng minh nhân dân cho ông ta, sau 30 phút quay lại lấy. Theo lời ông ta thì đã có sẵn đường dây bác sĩ làm giấy giả nên sẽ “vào lấy” và bán cho khách, giấy khám sức khỏe có đóng con dấu thật của bệnh viện hẳn hoi. “Chúng tôi quen với các bác sĩ, yên tâm đi!”. Tuy nhiên theo quan sát, ông này chẳng hề đi đâu. Đúng 30 phút, ông ta đưa ra một “giấy khám sức khỏe” có đóng dấu đỏ choét của … Bệnh viện Đa khoa TP Biên Hòa.
Ở một tiệm khác trên Quốc lộ 51, khi chúng tôi hỏi mua một bộ hồ sơ với đầy đủ giấy tờ cơ bản và một bằng trung cấp xây dựng, chủ tiệm liền nhanh nhảu đáp ứng và ra giá giá bộ hồ sơ là 1,8 triệu đồng. Cầm chiếc bằng trung cấp, chúng tôi giả vờ khen: “Cái bằng này làm đẹp quá!”. Tức thì, bà chủ tiệm không bỏ lỡ cơ hội tiếp thị: “Bằng tiến sĩ ở đây còn làm được, cái này khó khăn gì…”.
Đơn vị bị làm giả “kêu trời”
Chúng tôi đưa “giấy khám sức khỏe” mua được cho bác sĩ Trần Văn Lê Liêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Biên Hòa, để nhờ kiểm tra. Xem qua, bác sĩ Liêm nói chắc nịch: “Giấy giả”. Theo ông Liêm, trong giấy này con dấu và chữ ký của bác sĩ giám đốc bệnh viện đã được “nhại” lại, riêng phần thông số khám bệnh thì chỉ là những nét loằng ngoằng vô nghĩa, chữ ký của các bác sĩ chuyên khoa cũng hoàn toàn không thật, thậm chí có bác sĩ được ghi tên trên giấy hiện nay đã nghỉ hưu.
“Giấy làm giả quá lộ liễu, đơn vị quản lý nhân sự có thể không biết nhưng chúng tôi thì lập tức nhận ra. Đã từ lâu, tình trạng này làm chúng tôi vừa thất thu vừa bị ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng”- bác sĩ Liêm than thở.
Còn tiếp...