Hàng loạt công nhân tại Nhà Bè (TP. HCM) tá hỏa khi biết mình không có tên trong danh sách trúng tuyển sau khi đã học trung cấp chuyên nghiệp hơn một năm.
|
Đầu năm 2010, trên đường đi làm về, N.V.T. - công nhân tại Hiệp Phước (Nhà Bè) - thấy băng rôn tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp của Công ty cổ phần Đào tạo tin học và quản lý doanh nghiệp quốc tế (ĐTQT), học tại Nhà Bè, bằng do Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn (SAIMETE) cấp. Lớp này tuyển sinh người tốt nghiệp THPT và chưa tốt nghiệp THPT. Cán bộ quản lý Lê Thanh Thúy tư vấn người chưa tốt nghiệp THPT sẽ được trường đào tạo bổ sung và thời gian học là ba năm. T. (chưa tốt nghiệp THPT) và nhiều công nhân khác đã nộp hồ sơ theo học.
Từ tháng 3/2011 có nhiều điều bất thường khi chỉ có 2-3 giáo viên thay phiên nhau dạy, trong đó giáo viên N.V.C. dạy đến tám môn học khác nhau. Thêm vào đó, một số môn học học sinh bị đánh rớt hầu như toàn bộ và phải đóng tiền học lại với lệ phí hơn 700.000 đồng/môn. Nhiều học sinh đã lên SAIMETE khiếu nại và tá hỏa khi trường trả lời toàn bộ học sinh do Công ty ĐTQT tuyển đều không có tên trong danh sách trúng tuyển của trường!
Lớp học trong... nhà riêng
Theo các học sinh, lớp lúc đầu có 52 người, sau một thời gian chỉ còn 38 người. Lớp học thời gian đầu được tổ chức tại một trường tiểu học, nhưng từ đầu năm 2012 được chuyển về nhà bà Lê Thanh Thúy. Tòa nhà ba tầng, phía dưới được bố trí các bàn bida trong khi lớp học được tổ chức ở tầng trên. Sau vụ lùm xùm không có tên trong danh sách trúng tuyển, nhiều học sinh kiên quyết yêu cầu công ty chuyển về học tại cơ sở chính. Tuy nhiên, đại diện SAIMETE trả lời rằng: Trường không can thiệp được, học sinh phải về tranh luận với bà Thúy.
Trong cuộc tiếp xúc với học sinh, ông Phạm Quốc Hùng - giám đốc công ty, chồng bà Thúy và là giáo viên dạy lớp này - trấn an: “Bậc trung cấp chuyên nghiệp trường tuyển quanh năm nhưng ở các chi nhánh chỉ tuyển vào tháng 5 và 12. Các em trúng tuyển tháng 5, tháng 8 thầy cô chuyển hồ sơ. Tuy nhiên đợt đầu chỉ chuyển các em tốt nghiệp THPT. Nếu các em chưa tốt nghiệp THPT “chạy” được bằng tốt nghiệp thầy cô sẽ chuyển vào đợt hai”. Ông Hùng nói: “Chuyển về cơ sở chính khá xa, phải học lại các môn chưa đạt, chưa biết kết quả thế nào. Ở đây, khi gần thi tốt nghiệp, các môn nợ thầy cô sẽ ưu ái cho đậu luôn. Nếu các em muốn qua kia tôi sẽ làm đúng luật”.
Hiện rất nhiều học sinh không còn theo học tại nhà ông Hùng, bà Thúy nữa và đã nhiều lần yêu cầu công ty này chuyển hồ sơ học sinh về cơ sở chính nhưng yêu cầu này vẫn bị phớt lờ...
Trong khi đó SAIMETE cũng không có động thái nào để giải quyết vụ việc này. Chúng tôi đã liên lạc với SAIMETE để tìm hiểu tính pháp lý của lớp học này cũng như hướng giải quyết khi xảy ra sự việc trên nhưng trường kiên quyết không hợp tác.
Giáo viên bán bằng giả?
T. cho biết khi học được một thời gian, bà Thúy tư vấn do có ít người chưa tốt nghiệp THPT nên trường không tổ chức đào tạo. Nếu học sinh “chạy” được bằng tốt nghiệp THPT thì chương trình học sẽ chỉ còn hai năm, bà là người kiểm tra hồ sơ nên không phải sợ. Một học sinh trong lớp đã giới thiệu hai học sinh khác với giáo viên N.V.C. để mua bằng tốt nghiệp THPT với giá 7 triệu đồng/bằng. Sau hai tuần ông C. đã giao bằng cho các học sinh. T. đã nộp cho bà Thúy hai bản photo của bằng tốt nghiệp này, bà Thúy thu 500.000 đồng gọi là “bồi dưỡng cho những người ở trên”, sau đó bà Thúy còn thu thêm 1,2 triệu đồng nữa gọi là phí chuyển hồ sơ. Sau đợt đầu tiên ba học sinh tự liên hệ với ông C., đợt sau bà Thúy trực tiếp giới thiệu, cho số điện thoại và khuyên học sinh nên đưa tiền cho ông C. làm cho chắc ăn. P.T.L. - một học sinh mua bằng đợt hai - cho biết sau khi nghe bà Thúy tư vấn, L. đã đưa tiền trực tiếp cho ông C., nhưng sau vụ lùm xùm không có tên trong danh sách trúng tuyển L. đã gặp ông C. đòi lại tiền và được ông này trả.
Theo đoạn băng ghi âm cuộc tiếp xúc giữa vợ chồng bà Thúy và học sinh mà chúng tôi có được, bà Thúy khẳng định biết những bằng tốt nghiệp này là giả. “Cô biết là giả nhưng vẫn cho các em qua, nhà trường sẽ không nhìn ra. Trường giao cô kiểm tra hồ sơ, do đó nếu em nào thuận theo cô (không đòi chuyển về trụ sở SAIMETE học - PV) thì bình thường, nếu nghịch ý cô sẽ tiết lộ đây là bằng giả thì học sinh dính chấu liền!” - bà Thúy nói. Trong khi đó, ông Hùng “nhấn nhá” rằng: “Khi đã không thông cảm cho nhau thì tôi sẽ làm đúng luật, bằng các em mua là bằng giả hết. Muốn kiểm tra thật hay giả dễ lắm!”.
Không được Bộ GD-ĐT chấp thuận Theo ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM, tháng 5/2009 ông Phạm Phố - hiệu trưởng SAIMETE - ký quyết định thành lập cơ sở Hiệp Phước (nhà bà Thúy hiện tại - PV). Tuy nhiên cơ sở trên không có văn bản chấp thuận của Bộ GD-ĐT, vi phạm điều lệ trường CĐ. Theo ông Sơn, cơ sở hoạt động trên cơ sở giao khoán, trường chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh, lương do cơ sở tự chi trả và trích nộp 25% học phí về trường. Điều này có thể lý giải tại sao chỉ một giáo viên lại giảng dạy đến tám môn học khác nhau theo phản ảnh của học sinh. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Thanh - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP. HCM - cho biết chưa nhận được thông tin về việc tuyển sinh tại cơ sở Nhà Bè. Khi nhận được thông tin sở sẽ thụ lý, thanh tra đề xuất hướng giải quyết. |
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?