Từ đám cưới siêu xe đến nợ khó trả nghìn tỷ

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ có bài viết về hệ quả với nông dân và nền kinh tế bởi khoản nợ khó trả hàng nghìn tỷ đồng của nữ đại gia thủy sản Bianfishco.

Trước khi xảy ra sự việc khá lâu, ở Cần Thơ, nhiều người đã bàn tán câu chuyện nợ nần và sự vung tay quá trán của bà chủ Công ty thủy sản Bình An (Bianfishco) cùng với những sự kiện đình đám. Bàn tán thì cứ việc nhưng chẳng ai làm gì, thỉnh thoảng đọc báo lại thấy những bài ca ngợi, lãnh đạo cấp trên đến dự lễ lộc khai trương, khánh thành.

Từ lâu, trong ngành thủy sản, không ai không biết đến Bình An chỉ là công ty tầm trung trong ngành xuất khẩu, đứng trước món nợ khổng lồ thì chắc rằng sức khỏe không ổn. Nhưng rồi công ty vẫn được vay thêm nhiều tiền, nợ nông dân thêm vài trăm tỷ đồng, trước khi sự việc bộc lộ hoàn toàn.

Bianfishco nợ nông dân hàng nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Trong khi vụ Vinashin vẫn còn chưa hết ám ảnh thì nợ nần ở khu vực tư nhân, khu vực được đánh giá là năng động lại bùng lên. Với món nợ lên đến 260 tỷ đồng, kéo dài hàng năm trời thì số tiền lãi mà công ty này chiếm dụng của những người nuôi cá cũng phải đến trên 50 tỷ đồng. Nếu Bình An kinh doanh bình thường thì ít nhất cũng có số lãi 50 tỷ đồng nhờ chiếm dụng vốn ấy. Nhưng với người nuôi cá thì đó là số tiền đáng ra họ được nhận để trả lãi ngân hàng.

Nhưng Bình An không phải là trường hợp cá biệt. Trong ngành thủy sản có mấy trăm doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, thì hầu như doanh nghiệp nào cũng nợ nần, chiếm dụng vốn của những người nông dân, khác nhau chỉ ở số tiền nhiều ít, thời gian dài ngắn mà thôi.

Những hộ nuôi cá với món nợ lớn hàng nghìn tỷ đồng như vậy sẽ đi về đâu khi doanh nghiệp không trả được? Vấn đề đã vượt qua khỏi mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân mà đang có một sự lạm dụng, tận thu của khu vực công nghiệp, thương mại với nông nghiệp.

Không thể coi đây là sự tích lũy công nghiệp bởi sự lạm dụng này không chỉ dành cho đầu tư mà có cả sự lãng phí, chi xài phung phí của tầng lớp giới chủ mới nổi. Đây mới thực sự là vấn đề nghiêm trọng ẩn chức phía sau mỗi quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân. Với mối quan hệ như vậy thì không hề có liên kết mà chỉ có quan hệ một chiều: lợi của bên này là sự mất mát của bên kia.

Trong bất kỳ chuỗi cung ứng nào, tồn tại mối quan hệ thiên lệch lợi ích như vậy thì cũng dẫn đến sự suy yếu. Người ta rất dễ yên lòng khi thấy vẫn có tăng trưởng, mặc dù tổn thất, mất mát đã xảy ra. Nhưng tăng trưởng ở mức một đến 2% hay đáng ra có thể tăng trưởng 4-5% là khác nhau, tăng trưởng trong ngắn hạn hay dài hạn cũng hoàn toàn khác nhau. Triết lý quản trị phải là quản trị hiệu quả, chứ không thể là sự đánh đổi.

Không chỉ nợ nông dân, Bình An còn nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng. Số tiền này không phải của bản thân ngân hàng mà của hàng vạn, hàng triệu người gửi tiết kiệm vài để ngân hàng cho vay. Nếu Bình An không trả được thì gánh nặng này trút lên nền kinh tế. Ngân hàng phải cho vay với lãi suất cắt cổ để có lời, để bù đắp những thiệt hại do quản trị yếu kém xảy ra.

Sự phát triển của ngành thủy sản thời gian vừa qua trên ánh hào quang nhưng ẩn trong đó nhiều rủi ro quan trọng, những mất mát cũng rất lớn. Nhưng thủy sản mới chỉ là một phần, còn có nhiều ngành cũng có tình hình tương tự cho thấy bức tranh về nợ nần hết sức phức tạp.

Không ít chủ doanh nghiệp ảo tưởng về tài năng của mình, lạm dụng tiền vay, tiền nợ để tự ban thưởng cho mình nhiều quyền lợi, bổng lộc, ban phát cho người này, người nọ, tiêu xài, mua sắm hoang phí cho mình, cho con cái. Làm từ thiện để đánh bóng hình ảnh trong lúc nợ nần ngập đầu, công nhân không nhận được đủ lương thưởng là hành vi thiếu lương thiện. Đây là những thách thức mới của nền kinh tế khi thiếu những nhà quản trị doanh nghiệp tài ba nhưng lại nhiều nhưng ông chủ, bà chủ quản trị yếu kém mà háo danh.

Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho những vấn đề mà Bình An đang gặp vào tình hình kinh tế, lạm phát và lãi suất cao. Đầu tư không hiệu quả, sự dụng vốn lãng phí, chi xài hoang phí là nguyên nhân đưa doanh nghiệp của họ lâm vào khó khăn và tác động trở lại với nền kinh tế.

Trong khi hàng vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong tiếp cận vốn thì khu vực nhà nước và các "đại gia" ở khu vực tư nhân lại dễ dành tiếp cận vốn, vô tư chiếm dụng vốn của người khác. Với những người này thì không thể đổ lỗi cho tình hình kinh tế khó khăn, mà chính họ là một phần của việc tạo ra khó khăn cho nền kinh tế.

Sự kiện Công ty Bình An cho thấy mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân đang bị thách thức nghiêm trọng. Quyết định 80 của Chính phủ về liên kết bốn nhà, đến nay tựa như chiếc áo cũ kỹ, chật chội cần được thay thế. Hai khía cạnh chình cần giải quyết sớm là hợp đồng và tổ chức đại diện.

Với trình độ và năng lực hiện có, nông dân không thể soạn thảo hợp đồng với những tiên liệu đủ sức bảo vệ mình trước sức mạnh của doanh nghiệp. Nông dân, hiện tại cũng không có tổ chức hỗ trợ trong thương lượng hợp đồng và bảo vệ họ. VASEP và VFA là tổ chức của những nhà xuất khẩu. Hội Nông dân, hội Nghề cá là những tổ chức tuy gần mà rất xa.

20 năm qua, khu vực tư nhân đã trải qua nhiều biến động. Từ chỗ bị phân biệt đối xử, hạn chế thành lập, cấp phép hoạt động đến khi được đánh giá là khu vực năng động thì nay cần có một cái nhìn đầy đủ hơn. Tham nhũng, bòn rút của cải xã hội không chỉ xảy ra ở khu vực công mà nay cũng đang tràn lan ở khu vực tư.

Đào tạo để có những lớp doanh nhân tài ba, tâm huyết và có trách nhiệm với quốc gia là công việc rất lớn. Công việc này cần đi đôi với việc cải cách thể chế quản trị cả khu vực công và tư.