Trường xin không nhận quà 20/11, ai buồn, ai vui?

Một trường mầm non tư thục dán thông báo xin không nhận quà ngày 20/11, đây liệu có phải một tín hiệu đáng mừng?

Mạng xã hội đang “nóng” với thông báo của trường mẫu giáo tư thục Duy An (phường 16, Quận Gò Vấp, TP.HCM) vừa được đăng tải trên trang cá nhân của một phụ huynh với nội dung: "Dịp 20/11, nhà trường xin không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào".

Bức ảnh gợi cho chúng tôi, những người làm cha làm mẹ rất nhiều điều cần phải suy nghĩ. Nhất là trước đó, trên báo Tuổi trẻ đăng bài “Tâm sự của một cô giáo nhân ngày 20/11”  của một giáo viên kể về nỗi sợ ngày Nhà giáo Việt Nam khi được các phụ huynh đến dúi cho những phong bì tiền.

Từ khi nào không biết, cứ đến ngày 20/11 là phụ huynh đều lo lắng đến khoản tiền phong bì thầy cô, rồi cứ như luật bất thành văn, chưa đi “lễ thầy, lễ cô” là thấy lo ngay ngáy, sợ con mình không được cô quan tâm, dạy dỗ cẩn thận.

Phụ huynh đã dùng tiền để “mua” sự ưu ái của thầy cô với con mình, giáo viên đã “bán” tình thương và trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của họ khi nhận phong bì “quà tặng 20/11”. Nếu nhìn dưới con mắt tiêu cực, có thể đánh giá hiện tượng này như vậy.

Nhưng cái truyền thống tốt đẹp: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” của người phương Đông thì không phải để mua bán bằng tiền như vậy. Thời xưa khi chúng ta nghèo khó, thầy cô cũng chưa bao giờ vì những phong bì quà 20/11 mà bớt yêu học sinh hay dạy dỗ các em thiếu nhiệt tình đi.

Vậy thì vì sao bây giờ người Việt lại chuộng hình thức tạ ơn thầy cô bằng phong bì như vậy, đến nỗi một trường mầm non như trường Duy An đã phải yết bảng công khai “xin không nhận tất cả các loại quà”?

Một cái thông báo thoạt tiên thì nghe có vẻ vui, vì phụ huynh học sinh đỡ đi một khoản lo ngay ngáy, nhưng ngẫm ra, lại thấy thật buồn.

Buồn vì một truyền thống tốt đẹp tri ân công lao dạy dỗ của thầy cô đã bị biến tướng, bị “thương mại hóa” tới mức cả bên nhận, bên cho đều thấy… ngượng, đến mức phải công khai mà nói thẳng với nhau.

Con cái của chúng ta sẽ học được điều gì từ những bảng thông báo thế này?

Thật buồn vì ngay khi rời khỏi cánh cửa nhà để bước ra với cộng đồng, đặt chân đến trường, lũ trẻ đã phải học những bài học buồn lòng như vậy. Chúng sẽ hiểu rằng, trên đời này chẳng có thứ tình thương nào là vô điều kiện, tất cả mọi thứ đều phải bán- mua.

Tôi cảm thấy rưng rưng khi đọc được rất nhiều tâm sự của các thầy cô- những người còn đầy ắp lòng tự trọng trong mình, đã nói rằng xin phụ huynh đừng đến với chúng tôi bằng những chiếc phong bì đựng tiền, mà đến với tấm lòng trân trọng và tốt nhất là dành tình thương, sự quan tâm cho con cái họ.

Giá như đời sống tất cả các thầy cô trên khắp đất nước đều được đảm bảo, để không phải vất vả chạy vạy lo kiếm miếng ăn và nuôi con thì có lẽ chúng ta sẽ không phải nặng lòng về chuyện phong bì phong bao này.

Giá như con người chúng ta đừng quá bị nặng nề bởi chuyện đổi chác, bán mua, bởi tâm lý muốn con cái mình được ưu tiên, được quan tâm, thì chuyện “mua” tình thương và trách nhiệm của thầy cô sẽ không khiến quan hệ thầy-trò thiêng liêng bị vẩn đục.

Đồng tiền đã len vào mọi mối quan hệ, mọi ngóc ngách của cuộc sống, giúp giải quyết nhanh gọn mọi vấn đề, khiến chúng ta có cảm giác sòng phẳng hơn, nhưng cũng chính vì vậy khiến tâm hồn chúng ta nghèo nàn, băng giá hơn.

Tôi chợt thấy thương biết bao những người thầy, người cô cứ mỗi năm đến dịp 20/11 này lại dằn vặt lương tâm mỗi khi nhận một chiếc phong bì con con bên trong chứa vài trăm ngàn đồng từ phụ huynh.

Và cũng thấy thương cho những phụ huynh nghèo, chạy ăn từng bữa lo cho con đến trường, đến dịp 20/11 lại lo sốt vó với khoản tiền “lễ thầy, lễ cô”. Không có tiền biếu thầy cô thì lo, mà biếu được tiền cho thầy cô cũng cảm thấy ngượng ngùng như mình vừa làm việc gì không nên không phải.

Những người còn chút lương tri sẽ còn dằn vặt vì những điều nhỏ nhoi đó. Nhưng nhìn rộng ra ngoài xã hội, những kẻ khác, có địa vị và quyền cao chức trọng, khi nhận những chiếc phong bao dày nặng tiền phần trăm, chia chác từ dự án này nọ, họ có lúc nào có cảm giác dằn vặt ấy không?

Bởi vậy mới thấy thương chính chúng ta, cứ phải nói mãi, bàn mãi, thấy cắn rứt lương tâm vì những chiếc phong bì con con, trong khi những kẻ bất lương hàng ngày trắng trợn cấu véo trộm cắp từ của công thành những chiếc phong bì khổng lồ thì không ai bàn cãi.

Tấm bảng “xin không nhận quà 20/11” ở một trường mẫu giáo, tưởng là chuyện vui nhưng cũng thật buồn. Bởi vì nó chỉ có tác động đến một cộng đồng nhỏ bé thôi, còn cái tệ nạn phong bao phong bì ở cấp độ quốc gia, biết bao giờ mới chấm dứt để trả lại sự trong lành cho xã hội.

Xin được gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến những thầy cô giáo cương quyết nói không với những chiếc phong bì ngày 20/11, chính họ chứ không phải ai khác, đã thắp lên ánh sáng của đạo lý và tình thương vô điều kiện trong tâm hồn những lứa học trò của mình.

Và nhờ thế, chúng ta còn có niềm tin và hy vọng ở ngày mai.