Trung Quốc tính xuất binh dùng vũ lực "bảo kê" đánh bắt cá
Chủ nhật, 19/05/2013 10:12

Nhân dân Nhật Báo cho rằng bảo vệ hoạt động đánh bắt cá cần phải sử dụng binh lực lớn, bao gồm tàu chiến trên biển và lực lượng hàng không.

Trung Quốc xua đội tàu hải giám xâm phạm chủ quyền của nhiều nuớc láng giềng

Trung Quốc xua đội tàu hải giám xâm phạm chủ quyền của nhiều nuớc láng giềng

Sự kiện cảnh sát biển Philippines bắt chết ngư dân Đài Loan đang tiếp tục leo thang, chủ đề bảo vệ hoạt động đánh bắt cá trên biển cũng được dư luận Trung Quốc hết sức quan tâm. Nhân dân Nhật Báo cho rằng bảo vệ hoạt động đánh bắt cá cần phải sử dụng binh lực lớn, bao gồm tàu chiến trên biển và lực lượng hàng không để có thể sử dụng vũ lực vào bất cứ lúc nào.

Hô hào đánh bắt cá trái phép

Tờ Nhân dân Nhật báo cho rằng, bảo vệ hoạt động đánh bắt cá trên biển có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bảo vệ lợi ích biển quyết gia. Khi một quốc gia tuyên bố chủ quyền của mình trên biển, buộc phải đảm bảo cho các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên trên biển được tiến hành bình thường, trong đó bao gồm hoạt động đi lại của tàu thuyền, đánh bắt cá, khai thác tài nguyên biển, thậm chí cả du lịch. Đứng trước các mối đe dọa từ bên ngoài như hiện nay, muốn phải đảm bảo cho các hoạt động thường nhật trên biển nói trên được tiến hành bình thường thì cần có các biện pháp bảo vệ.

32 tàu cá Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành thả neo và đánh bắt trái phép trong vùng biển phía cực Tây Nam quần đảo Trường Sa.

Bảo vệ hoạt động đánh bắt cá, nhìn thì rất đơn giản nhưng lại có ý nghĩa quan trọng. Trong tình huống bị bên ngoài đe dọa, nếu không bảo vệ tốt hoạt động đánh bắt cá trên biển cho ngư dân, chắc chắn sẽ khiến ngư dân không dám ra biển đánh bắt, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ khiến một số hải vực của quốc gia bị hổng về mặt quản lý chủ quyền. Thực chất của việc bảo vệ hoạt động đánh bắt cá, tàu thuyền đi lại trên biển là bảo vệ lợi ích biển quốc gia.

Bắn tàu cá khó hơn đánh chìm tàu chiến

Nhân dân Nhật báo cho rằng, mặc dù xét về sức mạnh quân sự, Trung Quốc đại lục và Philippines chiếm ưu thế tuyệt đối. Tuy nhiên, công tác bảo vệ hoạt động đánh bắt cá lại phức tạp hơn nhiều so với việc đánh chìm tàu chiến Philippines.

Đối với công tác bảo vệ hoạt động đánh bắt cả trên biển, hầu hết mọi người đều ngộ nhận rằng, dù là sức mạnh trên biển của Đài Loan hay Trung Quốc đại lục đều mạnh hơn Philippines, nếu cần thiết, Trung Quốc đại lục và Đài loan có thể đánh chìm, tiêu diệt tàu chiến của đối phương vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo vệ hoạt động đánh bắt cá lại không đơn giản như vậy.

Nhân dân nhật báo phân tích, bảo vệ hoạt động đánh bắt cá là quá trình được tiến hành trên hải vực khá rộng và thời gian kéo dài, lực lượng trên biển buộc phải có tốc độ phản ứng rất nhanh, yêu cầu về binh lực cũng khá lớn. Nếu ở vùng biển nào đó xuất hiện vấn đề phải xuất hiện ngay tại hiện trường trong thời gian ngắn. Trong khi đó, phạm vi vùng biển có tranh chấp của Trung Quốc lại rất lớn, từ Nam tới Bắc. Trong bối cảnh này, muốn xây dựng cơ chế bảo vệ hoạt động đánh bắt cá phản ứng nhanh chóng, trường kỳ, không gián đoạn đòi hỏi phải có binh lực.

Tung tàu chiến và không quân 'bảo kê'

Nhân dân nhật báo cho biết, các chiến dịch hộ tống tàu thuyền tại vịnh Á Đinh vài năm gần đây đã giúp Trung Quốc có một khái niệm sơ bộ là cần phải có đủ lực lượng trên biển. Tuy nhiên, công tác bảo vệ hoạt động đánh bắt cá khó hơn hộ tống hàng hải. Hộ tống hàng hải có thể áp dụng hình thức tập trung đội tàu thương mại thành đoàn và cùng hộ tống, nhưng công tác bảo vệ hoạt động đánh bắt cá lại không như vậy. Hoạt động đánh bắt cá được tiến hành trên một diện rộng và trong thời gian dài, điều này yêu cầu Trung Quốc phải có đủ quy mô binh lực trong một diện tích rộng, và lực lượng này phải đáp ứng được yêu cầu yểm hộ và kiểm soát một cách có hiệu quả trên vùng biển rộng của ngư dân.

Ngày 20/3/2013, Tàu Trung Quốc ngang ngược truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96382 đang đánh bắt ở vùng biển truyền thống.

Với tình hình bảo vệ chủ quyền trên biển, bảo vệ hoạt động đánh bắt cá như hiện nay (được Trung Quốc tiến hành trái phép và có hệ thống bất chấp luật pháp quốc tế), để có thể sử dụng lực lượng này một cách nhanh chóng, hiệu quả, Trung Quốc cần xây dựng một cơ chế bảo vệ hoạt động đánh bắt cá trên biển kiện toàn, hiệu quả. Cơ chế này bao gồm phân công nhiệm vụ, bảo đảm sự thông suốt về mặt thông tin liên lạc, phân bố lực lượng trên biển, và lực lượng trên biển bao gồm binh lực tàu chiến trực chiến trên biển và binh lực hàng không luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu trên bờ. Sau khi tính toán, phải đảm bảo sao cho các lực lượng hữu quan có thể có mặt tại hiện trường trong thời gian ngắn nhất với tốc độ nhanh nhất.

Tờ báo này còn khuyến nghị việc xây dựng cơ chế này bao gồm một loạt chế độ, thậm chí cả những yêu cầu về mặt pháp lệnh, cần trao quyền cho binh lực thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm trong tình huống đặc biệt và khẩn cấp, có thể sử dụng vũ lực vào bất cứ thời điểm nào, không để tình trạng khi xảy ra sự việc lại phải báo cáo, xin ý kiến các cấp.

Cuối cùng, Nhân dân nhật báo nhấn mạnh, việc xây dựng thể chế bảo vệ hoạt động đánh bắt cá trên biển (hết sức ngang ngược, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác) giúp Trung Quốc được đảm bảo trong hoạt động khai thác tài nguyên trên biển, và thực tế đây chính là bảo vệ quyền lợi trên biển, còn rất nhiều việc Trung Quốc cần phải làm. Trong quá trình này, hải quân, lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa.

Rõ ràng đây lại thêm một mựu đồ leo thang thâm hiểm mới, nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Tienphong.vn/Nhân dân nhật báo

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Tàu cá Trung Quốc , Hoàng Sa , Trường Sa , Tranh chấp , Biển Đông , Ngư dân , Quân sự , Xâm phạm lãnh hải