Trung Quốc công bố kế hoạch hoạt động của tàu Giao Long tại Biển Đông

Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc vừa thông báo chính thức kế hoạch hoạt động của tàu lặn nước sâu Giao Long tại Biển Đông.

Đây là chuyến lặn biển khoa học đầu tiên của tàu này trong năm 2013.

Theo kế hoạch, đợt hoạt động sẽ bắt đầu từ tháng 6, kéo dài 113 ngày trên các khu vực như Biển Đông, phía Tây Thái Bình Dương với nhiệm vụ mà Bắc Kinh rêu rao là “phục vụ công tác nghiên cứu khoa học biển”.

Theo đó, đợt hoạt động sẽ chia thành 3 giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 1 kéo dài 43 ngày. Tàu Giao Long sẽ tiến hành khảo sát từ Thanh Đảo đến khu vực mà Bắc Kinh gọi là “khu vực đã chỉ định trên Biển Đông”. Dự kiến khu vực hoạt động cách phía Tây Manila 200km và nằm về phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; Giai đoạn 2 kéo dài 42 ngày, bắt đầu từ trung tuần tháng 7. Khu vực hoạt động chủ yếu tại phía Tây Thái Bình Dương với nhiệm vụ điều tra địa chất đáy biển, khí tượng mặt biển, điều tra đa dạng hóa sinh vật biển...; Giai đoạn 3 dài 28 ngày tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương với nhiệm vụ chủ yếu thăm dò nguồn tài nguyên biển.

Tàu Giao Long từng lập kỷ lục lặn sâu nhất ở địa điểm 7.062 m tại Rãnh Mariana, Thái Bình Dương hồi tháng 6/2012. Khi đó, Bắc Kinh đã rầm rộ rêu rao sự kiện này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc có thể tiến hành nghiên cứu và thăm dò, khai thác tài nguyên tại 99,8% các đại dương trên thế giới.

Ngoài việc bành trướng trên mặt biển, Trung Quốc tích cực triển khai hoạt động nghiên cứu đáy biển sâu, hy vọng sử dụng ưu thế trong công nghệ lặn sâu để gia tăng ảnh hưởng của mình và thúc đẩy quyền kiểm soát tài nguyên ở các khu vực tranh chấp. Mục tiêu này được chứng minh bằng việc tàu Giao Long dùng cánh tay robot cắm cờ Trung Quốc dưới đáy Biển Đông tại 1 trong 17 lần lặn vào tháng 5, 6 năm 2010.