“Bệnh viện tư nhân” Ba Đớt trị bá bệnh
Chân dung “thầy Ba Đớt”
Sáng 5-3, chúng tôi đến thì thầy vắng nhà. Tuy nhiên, trong nhà ngoài sân đã có khoảng 20 bệnh nhân túc trực chờ thầy về trị bệnh. Hỏi thăm những người cùng đi, một số người cho biết họ đến từ các tỉnh Long An, Bình Dương, TP.HCM… Trong nhà “thầy”, một bếp lò luộc trứng gà lúc nào cũng hừng hực lửa, cạnh đó, mấy bịch nilon đựng trứng gà treo lủng lẳng trên cây cột nhà.
Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi trở lại “bệnh viện tư nhân” Ba Đớt. Bệnh viện của thầy gồm hai căn nhà, trong đó một căn được xây cất tường rộng rãi khang trang để cho bệnh nhân ở xa “nội trú”. Căn khác lợp ngói cũ dùng làm nơi “khám và chữa bệnh”.
Thầy Ba Đớt là một người đàn ông trạc 50 tuổi, dáng cao ráo, khoẻ mạnh, nói năng to tiếng, tóc hớt gọn gàng như một cán bộ công chức. Thầy ngồi chếm chệ bên chiếc bàn giữa nhà, xung quanh có khoảng 12 người ngồi chờ thầy làm thủ tục khám và chữa bệnh.
Thủ tục của thầy khá đơn giản: Tất cả bệnh nhân đều lần lượt được thầy hỏi họ, tên, địa chỉ, nhu cầu điều trị v.v… Tất cả những thông tin ấy được thầy ghi vào một mặt của tấm giấy nhỏ, mặt giấy còn lại thầy dùng viết đỏ vẽ ngoằn ngoèo lên đó.
Xong, thầy cầm “bệnh án” đó rồi bước vào trong đứng trước bàn thờ, (được ngăn cách bằng một tấm màn bên góc nhà). Trên bàn thờ có khoảng 10 bức tượng phật. Thầy thắp nhang hươ hươ, lẩm nhẩm đọc thần chú “sên bùa” vào bệnh án. Cuối cùng, thầy đưa cho hai đệ tử tên Nhựt và tên Lợi (tầm 21 – 25 tuổi) để các đệ tử trị cho bệnh nhân.
Nhựt và Lợi, mỗi người đeo một vòng hạt chuỗi dài lòng thòng gần tới đầu gối, tay cầm ba cây nhang huơ xung quanh bệnh nhân, miệng đọc thần chú như để xua đuổi tà ma.
Kế đến, hai đệ tử của thầy Ba Đớt ngậm rượu đế phun phèo phèo lên người bệnh nhân. Màn cuối cùng là mỗi người cầm hai cái trứng gà vừa luộc xong còn hơi ấm ấm, huơ vòng vòng hoặc lăn lên chỗ vết thương của bệnh nhân.
Được dịp chứng kiến cách trị bệnh của thầy mới thấy có nhiều trường hợp cười ra nước mắt. Một bệnh nhân nữ, khoảng 50 tuổi, được thầy gọi thân mật là chị Sáu, không rõ bị bệnh gì mà bà mặc quần vải “mỏng vánh”, ngắn gần sát háng, áo thì vén cao lên đụng ngực. Hai đệ tử Nhựt và Lợi sau khi làm phép với nhang và rượu xong thì cầm hột gà lăn lên đùi bệnh nhân này với nhiều cú đụng chạm chỗ nhạỵ cảm trông rất… ngứa mắt.
Kế bên, một cô gái khác trẻ đẹp, không rõ bị bệnh gì mà môi sưng vù. Thấy “gái”, hai tên “đệ tử” Nhựt và Lợi hăng hái ra tay trị bệnh trên mức cần thiết. Lợi dụng lúc cô gái nhắm mắt lại để hai kẻ này “làm phép” quanh miệng, cả hai tên trân tráo thay phiên nhau cho tay mình đụng “búa xua” vào cơ thể cô gái, khiến bệnh nhân vừa điều trị vừa phải dùng tay mình gạt tay “thầy” ra.
Tôi nghe loáng thoáng tên Nhựt “méc” với “thầy Ba Đớt”: “Thằng Lợi nó mong cho cô này lâu hết bệnh để nó trị dài dài”. Nói xong, hai tên “đệ tử” nhìn nhau cười với vẻ đầy khoái trá.
Một cô gái tên Yến khoảng 20 tuổi nhà ở Tân Biên, không rõ bị bệnh gì mà gần phân nửa mặt, đầu và một bên vai cô bị lở loét. Do gia đình nghèo không tiền đưa đến bệnh viện nên cô đến đây ở nội trú dài ngày “nhờ thầy” chữa trị. Không biết các thầy khoán, trị thế nào mà mỗi lần cô gái này cuối xuống là nước vàng cứ từ trong mũi, miệng chảy ra ròng ròng.
Hỏi một nữ bệnh nhân khác tên Oanh, khắp người bị phù nề như nổi mề đay, sau khi theo thầy chữa trị mấy tháng nay có bớt không, thì bệnh nhân mệt mỏi trả lời “vẫn ngứa không chịu nổi”.
Trị bệnh từ xa?
Trị bá bệnh bằng cách… huơ nhang, phun rượu, lăn hột gà vào đùi
Ngoài việc trị bệnh trực tiếp, thầy Ba Đớt còn cho thấy mình có tài ếm bùa và trị bệnh từ xa. Một cô gái tên Phương Thảo ở tỉnh Long An tìm đến nhờ thầy trị bệnh cho người thân. Ông thầy bèn vẽ bùa vào một tấm giấy màu vàng bảo cô gái cất giữ trong người, sau đó thầy vẽ bùa tiếp vào 4 tấm giấy trắng khác, bảo Thảo đem về đốt thành tro, tán nhuyễn, lén cho bệnh nhân uống.
Một cô gái khác, tìm đến thầy Đớt than vãn bị chồng thường xuyên đánh đập, thế là thầy cũng làm bùa tương tự như vậy và bảo về cho chồng uống với lời cam kết chắc nịch: “Bảo đảm vài ngày sau là chồng cô sẽ chăm lo làm ăn, không còn đánh đập cô nữa”.
Một thân chủ đến trình bày với thầy rằng cô có đứa con trai 21 tuổi, mấy ngày nay không biết đi đâu mất biệt, tìm không được. Nghe xong, thầy bấm ngón tay nhẩm tính rồi phán một câu khiến thân chủ hoang mang: “Tôi thấy rồi, con cô đang ngồi đánh bài ở bên casino. Cô chuẩn bị lo tiền mà chuộc nó về đi, kẻo không là mất mạng”. Nghe thầy nói vậy, người mẹ vô cùng lo sợ, nhờ thầy làm bùa trục con về. Thầy vẽ bùa lên giấy giao cho người bệnh…
Đến lượt đồng nghiệp tôi, nét mặt đau khổ, hỏi thầy “sao em cưới vợ được 6 năm mà không có con?”. Thầy bảo, yên tâm đi, để thầy làm phép là năm nay chắc chắn sẽ sinh được con trai… nối dõi. Thầy đâu biết rằng, “gã bệnh nhân đau khổ” kia đã có một gia đình với 2 đứa “nếp, tẻ” đầy đủ. Thế mà thầy phán…!
Chính quyền địa phương không hay?
Rời “bệnh viện tư nhân” Ba Đớt, chúng tôi hỏi thăm một số người trong xóm về hoạt động trị bệnh của ông thầy này. Một người lớn tuổi gần đấy cho biết: ông này làm nghề trị bệnh đã nhiều năm. Hằng ngày có khá đông bệnh nhân từ các nơi khác đến đây trị bệnh. “Nghe đâu trước đây thầy Ba Đớt cũng đi làm việc ở xã, sau đó bị “căn hành” quá nên phải nghỉ việc về nhà trị bệnh cho… bá tánh!
Nhà thầy Ba Đớt tập trung số lượng người khá đông và tổ chức hoạt động khám chữa bệnh công khai, ì xèo như vậy, lẽ nào chính quyền địa phương không hề hay biết?