Ngày 7/3, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản về việc xử phạt học sinh vi phạm giao thông, trong đó nêu nội dung: “Học sinh khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, nếu vi phạm lần hai sẽ trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày, trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ buộc thôi học một tuần”.
Ngay lập tức, thông tin này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có người đồng tình vì cho rằng đây là giải pháp cứng rắn và cần thiết nhưng cũng có ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả và phù hợp của quy định này.
Học sinh cho rằng phản tác dụng
Minh Tiến, học sinh lớp 11 ở Hà Nội, nêu quan điểm vi phạm một lần đã hạ một bậc hạnh kiểm là quá nặng, chưa kể còn buộc thôi học 1 tuần sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần học sinh.
“Hạnh kiểm ở trường trung học rất quan trọng. Không nên chỉ vì một lỗi mà ảnh hưởng đến cả thời gian dài phấn đấu của học sinh. Nếu phải nghỉ ở nhà một tuần, em sẽ rất xấu hổ, bị sức ép từ gia đình, bạn bè cười chê, không biết còn dám quay lại trường không”, nam sinh này nói.
Không ít học sinh khác cũng lo ngại phạt nghỉ học một tuần là quá mạnh tay. Minh Trang, học sinh lớp 10, chia sẻ nghỉ học một ngày đã gây khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức, chưa kể một tuần.
“Học sinh cấp ba phải học rất nhiều, nghỉ học sẽ khiến chậm bài vở ở lớp. Những bạn không có ý thức nghỉ một tuần không giải quyết được vấn đề, mà còn cho các bạn cơ hội đi chơi”, nữ sinh nêu quan điểm.
Bạn Giang Hoài, học sinh lớp 11, lại có ý kiến khác. Nhà trường chưa có nhiều giờ học chất lượng về an toàn giao thông, học sinh không được giảng dạy kỹ về Luật Giao thông.
“Không dạy kỹ nhưng lại phạt thì chỉ gây ra những bức xúc và không đồng tình. Em mong muốn được học và hiểu biết một cách đầy đủ, chứ không phải liên tục bị dọa bởi những quy định này”, nữ sinh bày tỏ.
Nhiều phụ huynh ủng hộ
Có con đang học lớp 11 ở quận Ba Đình, Hà Nội, chị Dương Vân Hà bức xúc khi nói về tình trạng tham gia giao thông của nhiều bạn trẻ.
Phụ huynh này cho rằng tình trạng học sinh đèo ba, bốn, lạng lách, vượt đèn đỏ không hiếm. Nếu chỉ nhắc nhở răn đe như bình thường, nhiều em sẽ tái phạm.
Nữ phụ huynh cho rằng việc buộc thôi học một tuần sẽ khiến học sinh sợ, thay đổi cách tham gia giao thông.
"Hãy phạt phụ huynh"
Anh Nguyễn Hòa – phụ huynh tại Hà Nội - chia sẻ học sinh chưa đủ khả năng nhận thức sự nghiêm trọng của vấn đề và chưa tuân thủ được luật giao thông. Điều này do người lớn, nếu áp dụng hình phạt cho trẻ em, sẽ chỉ khiến các cháu xấu hổ với bạn bè và mặc cảm. Hãy phạt bố mẹ các cháu.
Còn TS Vũ Thu Hương chỉ ra thực tế học sinh bị buộc nghỉ học một tuần sẽ khiến cha mẹ rất khổ sở và bối rối. Phụ huynh phải quan tâm hơn và tuân thủ luật để làm gương cho con trẻ. Bố mẹ cũng phải giáo dục, răn đe con nhiều hơn.
Cùng ý kiến về việc xử phạt, chị Nguyễn Thị Hương (Minh Khai, Hai Bà Trưng) nói: Ở nhiều nước, trẻ em được dạy về Luật Giao thông từ mẫu giáo. Không thể có chuyện chỉ vì còn là học sinh mà ngang nhiên vi phạm luật.
Anh Nguyễn Văn Toàn (Yên Phụ, Ba Đình) đang có con học lớp 9 trường THCS Mạc Đĩnh Chi, cho hay đã được con thông báo quy định này từ vài hôm trước. Anh hoàn toàn đồng tình với quy định mới. Tuy nhiên, bên cạnh các hình thức xử phạt, gia đình và nhà trường nên chung sức giáo dục, giảng giải cho con em để thay đổi nhận thức, hành vi khi tham gia giao thông.
“Học sinh lứa tuổi cấp hai, cấp ba thay đổi tâm lý, thích nổi loạn. Cả cha mẹ và thầy cô cần phải chung tay giáo dục các con bằng nhiều cách khác nhau. Gia đình không thể phó mặc hoàn toàn việc này cho nhà trường được”, phụ huynh này đưa ý kiến.
Cô Nguyễn Bích Ngọc, giáo viên trường THCS Mạc Đĩnh Chi có cái nhìn thoáng hơn về quy định xử phạt an toàn giao thông này. Cô cho hay quy định định chỉ rõ, học sinh vi phạm nhiều lần mới bị buộc thôi học một tuần, có nghĩa những em đã cố tình làm sai quy định mới bị phạt như vậy, chứ không phải tất cả.
Theo GS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, vấn đề giao thông hiện nay diễn ra rất phức tạp. Trước đây, nhiều hoạt động vận động mọi người tuân thủ luật giao thông nhưng gần như không hiệu quả. Điều đó chứng tỏ ý thức kỷ luật của một bộ phận thanh, thiếu niên kém.
GS Văn Như Cương nêu quan điểm học sinh, sinh viên phải gương mẫu, bởi họ được giáo dục trong trường phổ thông. Không có lý do gì để không tuân thủ luật giao thông cả.
“Tôi thấy rất khó hiểu với ý kiến cho rằng chuyện tham gia giao thông ở ngoài đường tại sao đưa vào trường học để xử lý. Nếu người đi ngoài đường chửi bậy không bị phạt nhưng ở trong trường tôi, học sinh nói bậy sẽ bị phạt. Quy định về an toàn giao thông không phải của nhà trường mà toàn xã hội”, thầy Cương nhấn mạnh.
Ông chia sẻ, phạt một học sinh vi phạm giao thông không quan trọng việc phạt hành chính mà là kỷ luật với xã hội.
TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đồng tình với mức độ phạt Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra.
Bà Hương cho biết trong chương trình giáo dục mầm non, phần giáo dục ý thức an toàn giao thông đã có và là mục quan trọng. Giáo dục phổ thông cấp nào cũng nói đến việc này. Nếu học sinh biết mà vẫn vi phạm thì đương nhiên phải có những hình thức phạt thích đáng.
Đề xuất hình thức phạt khác
Nguyễn Trang, học sinh lớp 7 tại Mỹ Đình, Từ Liêm chia sẻ: Nhiều học sinh vi phạm luật giao thông phần lớn là đi xe đạp điện. Hình thức phạt của Sở GD&ĐT có phần cứng nhắc, bởi việc nghỉ học một tuần để lại nhiều hậu quả nặng nề như các bạn không theo kịp chương trình học, thậm chí không muốn đến trường nữa.
Cho rằng hình phạt nghỉ học một tuần là nặng nề, nhiều người đặt ra các biện pháp khác như phạt lao động tại trường.
Chị Nguyễn Tố Loan, phụ huynh có con đang học lớp 12, ý kiến: Khi con vi phạm giao thông, tôi thường yêu cầu viết kiểm điểm tại nhà, sau đó xin lỗi và hứa không tái phạm. Con cũng không được tự đi đến trường mà phải để bố mẹ đưa đón trong một tuần.
Nữ phụ huynh cho hay, việc này sẽ khiến trẻ vừa phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, lại vừa thấy có lỗi vì ảnh hưởng công việc hàng ngày của bố mẹ, từ đó không vi phạm nữa.
Còn cô Tô Hương Thảo, giáo viên lớp 7, có con đang học THPT lại có cách xử lý rất thú vị. "Ở nhà, tôi luôn có cuốn Luật Giao thông, con vi phạm điều gì là bắt chép lại cả quyển. Bên cạnh đó, bố mẹ giải thích vì sao phải chấp hành luật giao thông, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng những ai".
Trên mạng xã hội, bạn Thủy Trần nêu quan điểm: Hình phạt bắt học sinh nghỉ học chỉ nên áp dụng trong những trường hợp "cực chẳng đã", nhưng dường như hiện nay việc này đang tràn lan, trong đó có cả vì thành tích.
Học sinh bướng, trường học phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để giáo dục, chứ không nên cho nghỉ học. Đây không phải phạt mà là trốn tránh trách nhiệm. Một đứa trẻ bị đuổi học trước hết là thất bại giáo dục của nhà trường, sau đó mới đến gia đình, xã hội. Nhà trường nên có hình thức răn đe khác phù hợp tâm lý, lứa tuổi các em hơn là bắt nghỉ học.
Văn bản số 932 ra ngày 7/3 của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020 nêu rõ:
100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học được quán triệt quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định này.
Phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy và xe đạp điện.
Các trường để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.
Các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình.
Nếu vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày, thông báo tới địa phương nơi cư trú.
Trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần.