Đây là lần thứ nhì, thủ đô của Nhật Bản trở thành thành phố chủ nhà của sự kiện thể thao quan trọng nhất hành tinh sau lần đầu tiên diễn ra cách đây đã 49 năm.
Tokyo trong chiến dịch vận động đăng cai Thế vận hội 2020 |
Vượt qua hai “đối thủ” cạnh tranh chính là Madrid và Istanbul, thành phố Tokyo đã được trao quyền đăng cai Thế vận hội 2020 sau màn bỏ phiếu hết sức kịch tính tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Olympic quốc tế diễn ra đêm 7/9 (giờ VN) tại Buenos Aires, Argentina.
Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, Madrid và Istanbul chỉ đạt số phiếu như nhau và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) phải tổ chức thêm vòng bỏ phiếu mini nữa và Istanbul lọt tiếp vào vòng tranh chấp quyết định với Tokyo (Madrid thua 4 phiếu). Ưu thế của Tokyo tiếp tục được khẳng định khi thành phố Nhật Bản giành chiến thắng chung cuộc với 60 phiếu từ các thành viên ban chấp hành IOC, so với 36 phiếu của Istanbul.
Các cổ động viên Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản tại Buenos Aires trước vòng bỏ phiếu cuối cùng
Phát biểu từ Tokyo sau khi có kết quả bỏ phiếu, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định: “Với trọng trách của mình, tôi sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy quá trình chuẩn bị về cơ sở vật chất cho đại hội tại Tokyo một cách hoàn hảo nhất mà không để xảy ra bất kỳ sự cố nào, dứt khoát và rõ ràng như thế”.
Chiến thắng của Tokyo mang dấu ấn đậm nét từ một thành viên Hoàng gia Nhật Bản, công nương Hisako Takamado. Công nương Hisako đã phát biểu khai mạc cho đợt thuyết trình của Tokyo và với những lập luận đầy thuyết phục, bằng tiếng Anh chuẩn xác của một cựu sinh viên Đại học Cambridge, cô đã gần như thuyết phục được trên dưới 100 nhà công nghiệp, các thành viên cao cấp cùng các cựu vô địch Thế vận hội là thành viên của ban chấp hành IOC. Hoàng gia Nhật Bản đã tính toán đúng khi quyết định cử vị công nương này tham gia chiến dịch vận động đăng cai Olympic 2020 cho Tokyo.
Ba thành phố Istanbul, Madrid và Tokyo đã đệ trình kế hoạch đăng cai Olympic 2020 lên IOC từ tháng 1, ở thời điểm đúng 7 năm trước khi sự kiện này diễn ra. Chiến dịch vận động đăng cai Thế vận hội kỳ này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mà những quyền lợi nước chủ nhà một kỳ Thế vận hội được thừa hưởng chưa biết có bù đắp nổi vô vàn chi phí mà họ bỏ ra cho sự kiện tầm cỡ này hay không. Trước đó, ba thành phố Baku (Azerbaijan), Doha (Qatar) và Roma (Italia) đã lần lượt rút khỏi danh sách ứng cử cuối cùng vì nhiều lý do khác nhau: Roma rời cuộc chơi theo chỉ thị của chính phủ nước này do điều kiện kinh tế trong khi Baku và Doha bị chính IOC loại trước đó.
Trong bản kế hoạch đăng cai dày hàng trăm trang gửi đến trụ sở IOC tại Lausanne (Thụy Sĩ), 3 ứng cử viên đã trình bày chi tiết về tiềm lực tài chính quốc gia, điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ đại hội bao gồm các công trình thể thao, tình hình an ninh, nơi ở, giao thông... Ngoài ra, các ứng viên cũng phải chứng minh nỗ lực của họ trong việc mang lại một kỳ đại hội “chấp nhận được”, như gợi ý của chủ tịch đương nhiệm Jacques Rogge sau khi IOC đánh giá Thế vận hội Bắc Kinh quá tốn kém và quy mô vượt hơn mức cần thiết. Ngoài ra, thành phố giành quyền đăng cai cũng phải đáp ứng được tiêu chí “củng cố và làm mới mẻ các giá trị Olympic cho thế hệ trẻ” mà IOC đưa ra.
Cơ sở vật chất hiện đại là ưu thế lớn nhất của Tokyo
Sau lần thua cuộc trước Rio de Janeiro ở Olympic năm 2016, lần này Tokyo được coi là ứng cử viên sáng giá nhất. Nhiều công trình thể thao hiện đại đã được xây dựng tại Nhật Bản thời gian gần đây, đủ sức giúp thành phố thủ đô xứ sở Mặt trời mọc tổ chức thành công Olympic 2020. Hơn nữa, sau khi châu Âu và Nam Mỹ lần lượt giành quyền đăng cai Olympic năm 2012 và 2016 thì khả năng một thành phố thuộc châu Á được trao quyền tổ chức kỳ đại hội 2020 theo đúng vòng xoay chu kỳ là rất lớn.
Istanbul không có được lợi thế kể trên khi mà thành phố này không có nhiều công trình thể thao tầm cỡ. Hơn nữa, uy tín của nền thể thao Thổ Nhĩ Kỳ bị tổn hại nặng nề sau khi những vụ dàn xếp tỷ số bóng đá mới bị phanh phui gần đây. Madrid ở lần thứ ba tham gia kế hoạch đăng cai Thế vận hội cũng sẽ phải chứng minh về tiềm lực tài chính khi đất nước Tây Ban Nha đang phải gánh chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở châu Âu.
Vấn đề của Tokyo ở kỳ Thế vận hội 2020 chính là nguy cơ rò rỉ hạt nhân từ thành phố Fukushima lân cận, cách đó chỉ hơn 100km, mà quãng thời gian 7 năm hoàn toàn chưa đủ để có thể khiến mọi người yên tâm về tác hại phóng xạ từ sự cố này.
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?