Tinh ý nhận diện trường mầm non tồi

Chọn trường mầm non tốt và phù hợp với bé, cha mẹ cần bỏ đôi chút thời gian khảo sát.

Thông tin về những vụ tai nạn của trẻ em xảy ra trong các trường mầm non và mới đây nhất là vụ biểu tình của phụ huynh trường Maple Bear trước tình trạng con trẻ phải ăn thực phẩm bẩn không khỏi khiến các bậc phụ huynh bất an.

Vào mầm non là bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của bé và cũng là nỗi lo lớn của các bậc phụ huynh. Chọn trường mần non tốt và thực sự phù hợp với con, cha mẹ cần bỏ ra đôi chút thời gian để khảo sát và tìm hiểu xem ngôi trường đó có ổn không. Nếu một trường mầm non có một trong số các dấu hiệu dưới đây, bạn cần cân nhắc thật kỹ.

1. Hơn 2 người nói "Trường đó tồi!"

Đừng ngại đưa ra những đánh giá, nhận xét của bạn về ngôi trường định cho con học sau khi hỏi han, trò chuyện với các bậc cha mẹ khác. Nếu có tin đồn không hay, bạn cần nâng cao cảnh giác. Tất nhiên, nếu chỉ nói chuyện với 1 hoặc 2 phụ huynh thì phán đoán đôi khi dễ nhầm lẫn, phiến diện. Vì, có thể mấy vị phụ huynh đó có xung khắc, bất bình với một giáo viên trong ngôi trường. Nhưng nếu bạn nghe ngóng thấy hơn 2 người tỏ ý dè chừng thì bạn cần cân nhắc và gạt tên ngôi trường đó ra ngoài danh sách chọn lựa cho con

2. Vô nguyên tắc

Nội quy rõ ràng là điểm mấu chốt góp phần xây dựng một bộ máy quản lý thành công. Trường học mà không có những quy định được hướng dẫn bằng văn bản cụ thể thì bạn cần  xem xét lại.

Đặc biệt, với những ngôi trường có chính sách lỏng lẻo về chăm sóc y tế, chế độ cơm hay ăn ngủ... của trẻ, bạn đừng dại cho con vào học. Ngoài ra, các trường mầm non khá thoải mái nếu cha mẹ bất ngờ ghé thăm nom con. Nếu ngôi trường nào khó dễ chuyện đó, bạn cũng cần cân nhắc.

Hãy quan sát cơ sở vật chất của trường thật kỹ trước khi quyết định chọn cho bé. (Ảnh minh họa).

3. Chương trình giảng dạy tĩnh

Hãy bỏ qua trường mẫu giáo có chương trình giảng dạy không rõ ràng hay tĩnh và không chịu thay đổi thời khóa biểu thường xuyên. Trẻ em cần sự đa dạng các hoạt động để chúng năng động hơn. Nếu nhà trường chỉ 'dậm chân tại chỗ' với những hoạt động vui chơi nhàm chán hoặc không có trò chơi riêng, phù hợp cho từng lứa tuổi, kích thích sự sáng tạo thì trẻ cũng không có hứng thú học tập.

Đừng đánh giá một trường mầm non dựa vào số chữ cái trẻ có thể nhận biết hay con số trẻ có thể đếm. Học mẫu giáo là trẻ đang học cách vui chơi và hòa nhập chứ không phải là học cách thích nghi với chương trình học tập nghiêm khắc.

4. Giáo viên thiếu nhiệt tình

Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian quan sát cách giáo viên tương tác với trẻ, bạn sẽ hiểu đôi chút về tính cách của người đó. Đức tính quan trọng nhất mà giáo viên mầm non cần có là sự trách nhiệm, nhiệt tình và yêu trẻ. Nếu thấy giáo viên có biểu hiện mất tập trung, thiếu kiên nhẫn thì tốt nhất, bạn nên tìm một ngôi trường khác cho con.

Theo Hiệp hội các quốc gia và giáo dục trẻ mầm non (NAEYC), một giáo viên mẫu giáo chỉ nên chăm sóc và phụ trách 7 đứa trẻ.

5. Luôn thay đổi giáo viên

Thu nhập của giáo viên mầm non so với mặt bằng chung là thấp hơn nhiều so với các ngành khác, nên việc tuyển dụng và giữ họ lại giảng dạy cho trường cũng gặp khá nhiều khó khăn (ngay cả ngôi trường đạt chuẩn chất lượng). Tuy nhiên, thường những trường mầm non không có chế độ nghỉ cho giáo viên rõ ràng, không đóng bảo hiểm y tế... thì đội ngũ giáo viên mới luôn thay mới. Nếu lớp học của con, nay cô giáo này, mai cô giáo khác... trẻ dễ có tâm lý bất an.

6. Cơ sở vật chất bẩn, thiếu an toàn

Nếu bạn quan sát thấy khu vực nấu ăn của trường quá gần nhà vệ sinh, sàn nhà, tường và nhà bếp không sạch... thì đây thực sự là vấn đề đáng lo. Tương tự, khi cảm thấy lớp học không thông thoáng, ánh sáng kém, mặt sàn trơn láng, dễ ngã, không gian xung quanh thường xuyên ồn ào, có cống rãnh bẩn...  thì cũng cần quan tâm.

Quan trọng hơn nữa là tin vào bản năng của bạn. Một trường mầm non có nhiều sách và đồ chơi mới, có sân chơi mềm hiện đại, có môi trường bền vững nhưng bạn không lựa chọn do cảm giác bất an mà bạn cảm nhận được. Hoàn toàn không sao cả. Cái chính là cảm giác thoải mái mà bạn nhận được từ hiệu trưởng – người chèo lái triết lí giáo dục, giáo viên – người sẽ chăm sóc bé suốt cả ngày, môi trường học tập tại trường.