Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Tehran nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với 6 cường quốc ở thủ đô Baghdad, Iraq.
Giống như Israel, Mỹ liên tục khẳng định, nước này luôn coi lựa chọn quân sự là biện pháp cuối cùng để ngăn chặn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran. "Chúng tôi thiên về lựa chọn giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay thông qua biện pháp ngoại giao và gây áp lực hơn là sử dụng các biện pháp vũ lực", Đại sứ Dan Shapiro cho biết trên Đài Phát thanh Quân đội Israel.
"Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lựa chọn quân sự không được đặt lên bàn. Chúng tôi không chỉ đặt lựa chọn đó lên bàn mà còn chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch đó. Các kế hoạch cần thiết đã được vạch ra để đảm bảo rằng chúng tôi có thể dùng đến nó bất kỳ lúc nào”, ông Shapiro nhấn mạnh thêm.
Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đang dùng các biện pháp trừng phạt và thông qua các cuộc đàm phán để thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Được biết, vào ngày 23/5 tới, 6 cường quốc trên sẽ có một vòng đàm phán mới với Iran về vấn đề hạt nhân sau những tiến bộ mà hai bên đạt được trong cuộc đàm phán hồi tháng trước ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Israel – nước duy nhất có vũ khí hạt nhân ở khu vực Trung Đông, luôn cảm thấy bị đe dọa bởi viễn cảnh kẻ thù kỳ cựu Iran của họ có trong tay vũ khí hạt nhân. Nhà nước Do Thái nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công phủ đầu Iran để phá hủy chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo..
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng, chỉ có duy nhất nước Mỹ mới có thể có đủ sức mạnh quân sự để gây tổn hại lâu dài cho chương trình hạt nhân của Iran.
Quan hệ giữa Iran với các cường quốc phương Tây từ lâu vốn luôn ở trong trạng thái căng thẳng chỉ bởi vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Mỹ và các đồng minh phương Tây luôn nghi ngờ Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, Tehran luôn bác bỏ cáo buộc này, khẳng định chương trình hạt nhân của họ vì mục đích dân sự.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Iran với Mỹ và phương Tây bắt đầu leo thang từ hồi tháng 11 năm ngoái khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tung ra một bản báo cáo gây sốc, trong đó lần đầu tiên cơ quan này cáo buộc Tehran đang bí mật sản xuất bom nguyên tử. Thông tin gây chấn động này ngay lập tức trở thành “mồi lửa” kích cho ngọn lửa âm ỉ ở khu vực Trung Đông bùng cháy dữ dội. Trong thời gian qua, đã có rất nhiều tin đồn đoán cho rằng, Mỹ, Anh và Israel đang lên kế hoạch tấn công Iran.