Từ xa xưa, các thần linh được tái hiện qua tranh vẽ đầu mang sừng, biểu hiện của sức mạnh toàn năng cùng thanh danh. Nhà thơ La Mã Tibul mô tả thần Bachus - vị thần của rượu vang - có sừng vì đã đem rượu vang tới làm tăng thêm sức mạnh cho đàn ông. Vua Pir nổi tiếng của người Hy Lạp đội vương miện có cắm sừng dê, thể hiện xuất xứ thánh thần của mình cũng như tài năng quân sự thao lược.
Nhưng tại sao một từ vinh hiển như vậy trong quá khứ lại rơi xuống giá trị thấp hèn, phản nghĩa thành câu dễ làm người ta nổi giận nhất?
Ý nghĩa xấu xa của câu “bị cắm sừng” khởi đầu liên quan tới hoàng đế Andromic I Comin xứ Vizantin, nắm quyền trong một thời gian ngắn từ năm 1183 - 1185. Ông sinh năm 1120 và nổi tiếng là một kẻ cứng cổ. Khi vua Emanuil I anh họ ông đang trị vì, Andromic đã bị giam 9 năm tù vì âm mưu phản loạn. Năm 1164, ông vượt ngục và tới trốn ở Kiev, rồi tiếp tục mưu mô với tù trưởng địa phương chống lại Đế chế Vizantin. Để không khoét sâu thêm vấn đề, vua Emanuil I tha thứ và phong ông ta làm cao ủy Sicile. Nhưng Andromic đâu có chịu “yên vị” tại đó, ông bỏ vợ và 3 con lại, đến Aniohia quan hệ với công chúa Philipa De Patie. Sau đó tiến hành bắt cóc người tình mới Teodora - góa phụ của vua Balduin III- ở Damask. Rồi thì cùng tình nhân và 2 đứa con riêng của bà ta trở về kinh đô Constantinopol, dàn hòa với người anh họ và trở thành lãnh chúa vùng Sinop ở biển Đen.
Năm 1180, khi Emanuil I chết, Andromic trở thành quân sư của vị vua mới Alexic trẻ tuổi - chỉ đương quyền trong 3 năm (từ 1180 - 1183) - và song song thực hiện âm mưu giết vị hoàng đế trẻ này, cướp ngôi và lấy hoàng hậu Agnesa Frenska làm vợ. Chỉ trong 2 năm trị vì, Andromic đã cai trị dân chúng bằng những biện pháp tàn khốc, trả thù một cách man rợ những người chống đối cũ và rất có “biệt tài” chinh phục phụ nữ một cách dâm loạn. Tống chồng các cô nhân tình vào ngục để dễ bề thỏa chí dục vọng; còn trước cửa nhà họ, nhà vua cho đặt đầu hươu nai, hoặc thủ cấp động vật có sừng khác mà ông kiếm được trong những dịp đi săn.
Khi nói đến việc đàn ông bị cắm sừng, tức là những người đàn ông trí tuệ kém... Một con người mà bị mọc sừng tức là người bị lừa mà không biết...(ảnh minh họa)
Từ đó xuất hiện câu “Để người ta cắm sừng lên đầu mình” đồng nghĩa với những nỗi bất hạnh mà các ông chồng kia phải gánh chịu. Tới năm 1185, binh lính Sicile của vua Vilhem II đánh chiếm Solun (hải cảng trọng yếu trong Đế chế Vizantin) để trừng phạt đường lối thù nghịch của Andromic.
Solun - thành phố thường được Andromic rêu rao là “Pháo đài bất khả xâm phạm” - chỉ chống chọi được sau 9 ngày giao tranh. Khi tin Solun thất trận lan về Constantinopol, quần chúng liền nổi dậy. Andromic tìm cách chạy trốn nhưng không thoát. Ông bị bắt, bị nhục hình nhổ răng, nhổ tóc, móc lòi một bên mắt, chặt đứt một cánh tay và chết ngày 11-9-1185. Hiển nhiên, có rất nhiều người “bị cắm sừng” đã tham gia vào việc hành hạ bức tử nhà vua.
Ngoài ra, trong dân gian, người ta thường nghĩ tới việc bị vợ bịt mắt, đi ngoại tình mà chồng không hay biết của các đức ông chồng chính là một việc rất ngu muội. Tức, đó là những người đàn ông hèn kém, nếu không muốn nói là ‘ngu’ vì bị vợ mình lừa đi theo trai mà không hay biết. Các ông chồng này còn ra sức ngọt nhạt với vợ mình để tình cảm nồng thắm mà không hay biết, họ đã hướng trái tim về một người khác.
Dân gian ta cũng vốn ví những người có trí tuệ kém giống như con vật có sừng là trâu, bò. Vì thế, khi nói đến việc đàn ông bị cắm sừng, tức là những người đàn ông trí tuệ kém… Một con người mà bị mọc thêm cái sừng tức là người bị lừa mà không biết…
Và chung quy lại, chuyện có sừng của đàn ông chính là bắt nguồn từ câu chuyện cổ từ thời La Mã, cũng có thể hiểu là do dân gian ta truyền lại như việc ví con người kém cỏi giống như con vật có sừng. Cũng có thể là những câu chuyện hư cấu nhưng dù sao, đó cũng là một cách hiểu hay về việc, người đàn ông bị vợ ‘cắm sừng’, giấu chồng đi ngoại tình mà chồng không hay biết…