Trong khi các vấn đề ở các đập thủy điện khác ở tỉnh Quảng Nam thuộc về quy trình quản lý và vận hành, công trình thủy điện Sông Tranh 2 đang trở thành sự cố bất ổn điển hình về kết cấu xây dựng trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
|
Khả năng nứt ở thân đập
Đập Sông Tranh 2 được xây dựng bằng kỹ thuật đập bê tông đầm lăn (RCCD). Kỹ thuật này cho phép việc thi công rút ngắn thời gian, giảm chi phí nhân công và tiết kiệm một lượng lớn xi măng sử dụng.
Muốn có ưu điểm nhanh và rẻ này thì cả công việc thiết kế và kỹ thuật thi công đầm phải rất kỹ lưỡng, việc sàng lọc và chọn lựa vật liệu xây dựng phải thực tốt để tránh nguy cơ rò rỉ nước cũng như các sự cố công trình sau này.
Sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam).
Mặc dầu RCCD là giải pháp kỹ thuật được áp dụng trên thế giới khoảng 30 năm nay nhưng, đến nay, Việt Nam (VN) vẫn chưa có quy trình và quy phạm quốc gia áp dụng cho kỹ thuật này.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, những tính toán công trình đã áp dụng để thiết kế đập Sông Tranh 2 thì theo quy phạm của Nga và Mỹ nhưng khi thi công thì làm theo quy trình của Trung Quốc.
Đây là một áp dụng nửa vời và tùy tiện. Tất cả các quy phạm và quy trình từ nước ngoài ấy chưa hề được kiểm tra áp dụng thử nghiệm đầy đủ để thi công trong điều kiện khí hậu khô và nóng như thực tế ở miền Trung Việt Nam.
Hệ quả thực tế ở Sông Tranh 2 là hiện tượng rò nước mạnh mẽ xảy ra thời gian qua, không bao lâu khi hoàn tất thi công.
Mực nước trong lòng hồ đã được hạ xuống gần cao trình mực nước chết nhưng nước vẫn thấm qua đập với lưu lượng thấm khá cao.
Việc rò nước ra phía mặt ngoài hạ lưu đập chắn là không được chấp nhận ở các đập trên thế giới.
Quan sát thực tế mới đây khiến chúng tôi phải nghĩ đến khả năng nứt ở thân đập. Khả năng này có thể hiện hữu hơn là lý do nước rò rỉ do thấm qua khe nhiệt như giải thích của đơn vị quản lý ở đây.
Ở đường hầm thu nước, nhiều dòng nước chảy mạnh hòa tan thành phần khoáng vôi trong thân đập, để lại nhiều dòng vôi có màu ngà tích tụ rất dễ thấy khắp nơi.
Sự hòa tan và cuốn trôi các khoáng vôi có thể làm giảm mác bê tông thân đập, khiến kết cấu đập có nguy cơ bị yếu đi.
Theo công bố của nhà máy thủy điện, vấn đề bịt kín các vết rò nước sẽ được một nhà thầu Trung Quốc thực hiện trước tháng 8 năm nay.
Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn việc tích nước trở lại trong hồ chứa vào mùa mưa bão sắp tới vẫn là một thử thách lớn cho địa phương.
Sống lại hoài nghi năng lượng sạch và rẻ
Sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 và cách xử lý nó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi “Liệu thủy điện có đúng là nguồn năng lượng sạch và rẻ không?”. Có khá nhiều bài học về các sự cố thủy điện trên thế giới để chứng minh vấn đề này.
Trong số các thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường và xã hội ở Quảng Nam, phải kể đến mất rừng, gia tăng rủi ro về thủy tai như lũ lụt, hạn hán, nhiễm mặn, xói mòn, tạo phát thải khí nhà kính.
Quảng Nam sẽ phải chứng kiến cảnh xáo trộn, bất ổn từ vấn đề tái định cư, sinh kế của cư dân địa phương, mất mát các tài nguyên văn hoá, tập tục bản địa.
Hàng loạt đập nước trên các lưu vực sông còn là nguy cơ gây bất ổn địa chất, có thể gây động đất kích thích đe doạ sự an toàn của chính các con đập.
Các tổn thất khó có thể kể hết và định giá đầy đủ được. Không ai muốn Sông Tranh 2 sẽ trở thành bài học phải trả đắt giá như các sự kiện vỡ đập trên thế giới.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?