Thuê bao khó hủy 3G
Thứ hai, 25/11/2013 09:04

Hành trình gửi tin hủy dịch vụ lặp đi lặp lại vì liên tục gặp báo lỗi từ hệ thống, nhiều thuê bao loay hoay không biết phải thực hiện theo cú pháp nào.

Thuê bao muốn hủy 3G cũng không thành. Ảnh: Anh Quân

Thuê bao muốn hủy 3G cũng không thành. Ảnh: Anh Quân

Hơn nửa tháng sau đợt điều chỉnh cước 3G đồng loạt của các nhà mạng, không ít thuê bao chia sẻ họ đã ngừng dịch vụ. Nhiều người cho rằng mức giá mới không tương ứng với chất lượng sản phẩm đang sử dụng. Số khác chia sẻ nhu cầu của họ không nhiều trong khi thu nhập ở mức bình thường, việc thay đổi giá khiến nhóm đối tượng này phải tính toán lại chi tiêu hàng tháng.

Anh Tuấn Anh, nhân viên một công ty ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, chu kỳ gia hạn gói cước không giới hạn dung lượng của anh là ngày 7 hàng tháng nên tới 5/11 thì quyết định hủy. "Tôi hay phải làm việc ở ngoài, nhiều khi cần dùng đến 3G thì mạng tậm tịt xuống 2G hoặc Edge, gửi mỗi cái email cũng không xong, tiền thì vẫn phải đóng đều", anh chia sẻ.

Theo khách hàng này, hiện tượng xảy ra thường xuyên, kể cả khi vẫn còn dung lượng miễn phí ở tốc độ tối đa. "Tôi thà phải dùng ké mạng wifi của quán cà phê nào đó còn hơn bỏ tiền đắt để mua bực mình vào người", anh Tuấn Anh nói. Vợ anh, một thuê bao của mạng khác cũng quyết định cắt dịch vụ 3G vì dù chỉ đọc báo, vào mạng xã hội bình thường nhưng dữ liệu luôn bị trừ nhanh bất thường.

Nhưng việc hủy cũng không đơn giản. Anh Tuấn Anh cho hay, cả sáng tìm cách gửi tin nhắn đến tổng đài để báo cắt dịch vụ nhưng luôn báo không thành công, thậm chí thử bằng cách nhập mã nhanh trên bàn phím cũng thất bại. "Thử 3, 4 lần, tưởng mình làm sai phải hỏi biết bao nhiêu người mà cũng không giải quyết được. Đến việc bỏ dịch vụ mà cũng bực mình", thuê bao phân trần.

Chủ một thuê bao khác tên Triệu Dương (TP HCM) cũng "vất vả" không kém trong quá trình hủy gói cước. Khách hàng chia sẻ, anh dùng 3G trọn gói đã hơn 2 năm nay nhưng giờ giá tăng nên quyết định bỏ. Tuy nhiên, khi soạn tin nhắn ngừng dịch vụ thì nhận được thông báo lệnh không thành công. "Tôi gửi lại lần nữa, cẩn thận chờ tin xác nhận nhưng cuối cùng vẫn nhận được thông báo lỗi hệ thống", anh Dương cho hay.

Ba tiếng sau chủ thuê bao tiếp tục gửi một lần nữa thì lại nhận tin từ tổng đài cho biết anh chưa hề đăng ký dịch vụ Internet cho di động. "Như vậy là tôi đã gửi thành công nhưng lại nhận tin báo không thực hiện được". Anh Dương cũng bày tỏ bức xúc về việc phải gửi đi gửi lại nhiều tin nhắn chỉ cho một mục đích duy nhất. "Mỗi tin chỉ 200 đồng, không nhiều nhưng phải gửi nhiều công đoạn. Chưa kể hàng triệu người dùng, mỗi người chỉ một tin thì không biết bao nhiêu tiền rơi vào túi nhà mạng".

Trao đổi với PV, đại diện nhà mạng mà khách hàng Tuấn Anh đang sử dụng cho biết sau khi kiểm tra lại hệ thống thì không thấy có dấu vết thuê bao hủy dịch vụ 3G, dù cú pháp gửi đi vẫn đúng. "Có thể xuất hiện lỗi nào đó nhưng rất khó xác định vì sao", ông phân trần.

Do khách hàng đã quá thời gian hủy gói cước trước thời điểm ra hạn theo chu kỳ nên nhà mạng đã đề xuất không tính phí gói dữ liệu mà thuê bao đang dùng bị trừ lần này, đồng thời ngừng cung cấp tạm thời dịch vụ cho đến khi khách đồng ý mở lại. Còn về trường hợp của thuê bao Triệu Dương, doanh nghiệp không đưa ra thông tin phản hồi.

Đại diện doanh nghiệp cũng chia sẻ thêm có nhận được phản ánh của một số thuê bao về việc đã gửi tin yêu cầu ngừng dịch vụ nhưng đến hạn vẫn bị trừ tiền. Ông cho hay, sau khi kiểm tra lại thì thuê bao không bị trừ cước, trường hợp mất tiền sẽ được bồi hoàn và lỗi có thể do hệ thống.

Hiện Việt Nam có khoảng 19 triệu thuê bao sử dụng 3G, trong đó 60% dùng hàng ngày, tuy nhiên các khách hàng ngày càng kém mặn mà với dịch vụ do không chất lượng không đáp ứng được nhu cầu. Theo kết quả khảo sát mức độ người dùng hài lòng với chất lượng 3G của Nielsen công bố hồi tháng 5, chỉ 55% người dùng vừa lòng với dịch vụ, còn lại là không hoặc rất không hài lòng.

 

Vnexpress.net

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Thuê bao , Dịch vụ 3G , Phí 3G , Nhà mạng , Viễn thông , Bộ Thông tin Truyền thông