Dán điện thoại, laptop "lãi" 12 triệu đồng/tháng
1,5 m2 vỉa hè trước cổng trường ĐH Khoa học Tự nhiên (P. Linh Trung, Q. Thủ Đức) là nơi hành nghề của Kiên – một chàng trai trẻ đã có thâm niên 4 năm trong nghề dán điện thoại, laptop. Lặn lội từ Bắc Giang vào đây từ năm 14 tuổi, sau 2 năm phụ việc cho một quán cơm Kiên đã bỏ việc để đi theo học nghề dán keo xe của một người bạn.
Với đôi tay khéo léo của mình, không mất nhiều thời gian để kiên học được những bí quyết của nghề này, sau khi thạo việc, không có đủ vốn để mở cửa hàng, Kiên đã chuyển từ dán keo xe sang dán điện thoại, laptop với chi phí cho nguyên liệu ít hơn và không phải mất tiền thuê mặt bằng.
Chuyển xuống hành nghề tại đây đã gần 1 năm, Kiên cho biết mỗi ngày cậu có thể dán được 4 đến 5 chiếc laptop và gần 10 chiếc điện thoại, với giá tiền trung bình 80 ngàn đồng/laptop và 15 ngàn đồng/chiếc điện thoại, một ngày Kiên có thu nhập gần 600 ngàn đồng, sau khi trừ di các khoảng chi phí như giấy dán, keo… cậu còn lãi khoảng 400 ngàn đồng một ngày.
Theo như lời Kiên thì vào thời điểm này trong năm bao giờ cũng đắt khách hơn bởi đang vào mùa khuyến mại các sản phẩm điện tử, và cũng là lúc nhân viên có tiền thưởng tết sau 1 năm làm việc, vì thế số lượng người đến để dán điện thoại, laptop cũng tăng theo.
Ngoài dán điện thoại và laptop, Kiên còn tranh thủ kê chiếc bàn nhỏ để bán thêm móc trang trí chìa khóa, điện thoại, và vé xe buýt tháng cho sinh viên tại đây. Vào những ngày thứ 7, chủ nhật nếu đông khách cậu có thể thu về được cả triệu bạc.
Điều khó khăn duy nhất là “thỉnh thoảng bị các chú dân phòng đuổi” nhưng cũng chỉ một lúc buổi chiều cuối tuần, còn thời gian khác thì cứ “vô tư”.
Như vậy, sau trừ đi các chi phí về nguyên liệu, tiền thuê nhà và chi phí ăn ở, Kiên dành dụm được không dưới 12 triệu đồng/tháng. Đây không chỉ là con số lớn với người lao động bình thường mà còn là số tiền mơ ước ngay cả với nhiều người có bằng cấp, học hành tử tế.
Bán bánh tráng nướng, thu nhập 20 triệu đồng
Cũng trên con đường trước trường ĐH Khoa học Tự nhiên, mọi người còn được biết thêm công một việc làm khác có thu nhập “khủng khiếp” hơn, đó là bán bánh tráng nướng – một đặc sản đến từ Phan Thiết (Bình Thuận).
Thành phần của bánh bao gồm bánh tráng khô cộng với các loại gia vị như mắm ruốc, hành, tôm khô, trứng gà được làm bằng cách nướng bánh tráng trên than hồng sau đó trộn đều mắm ruốc, tương ớt, hành lá, tôm khô, trứng gà (trứng cút) trải đều lên trên rồi cuộn lại, nướng cho đến khi bánh ngả màu vàng rộm, thơm lên là dùng được.
Những nguyên liệu làm nên món bánh tráng
Theo như chị Hoa, một người bán hàng tại đây cho biết mỗi ngày chị có thể bán được 200 chiếc bánh tráng, với giá 6 ngàn đồng/chiếc thì số tiền chị thu về sẽ là 1,2 triệu đồng/ ngày. Sau khi trừ đi các khoản chi phí cho các nguyên liệu ở trên, mỗi ngày chị lãi 600 ngàn đồng, mỗi tháng thu được 18 triệu đồng tiền "lãi ròng'.
Thời gian này không khí Sài Gòn trở lên se lạnh, chính điều đó đã làm cho món bánh tráng nướng trở lên hấp dẫn hơn trong mắt người mua. Việc ăn một chiếc bánh thay cho đồ ăn khuya đã trở thành thói quen của không ít sinh viên và người dân sống tại đây. Chính vì thế thu nhập của những người bán loại bánh này cũng ngày càng tăng.
“Cửa hàng” này đang cho chị Hoa thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng
Không chỉ có thế, thời gian chị dành cho việc này chỉ từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối. Vì các nguyên liệu gần như đều có sẵn nên thời gian chuẩn bị không đáng kể. Cũng chính vì “siêu lợi nhuận” nên từ một quán của 2 năm về trước đến nay chỉ trong đoạn đường dài hơn 100m tại đây nhưng đã có tới 5 "cửa hàng" bán loại bánh này.
Tuy những con số trên chỉ là số liệu tương đối, mức thu nhập thực sự có thể ít hơn hoặc nhiều hơn tùy theo những tháng trong năm, nhưng đó vẫn là số tiền không hề nhỏ so với thu nhập bình quân của người lao động như hiện nay, kể cả những lao động có trình độ chuyên môn khác.