Hội thảo tập trung vào các ngành hàng quan trọng như gạo, chăn nuôi, thủy sản, cà phê và ca cao, và được diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới nhiều biến động, cùng với đó là giá lương thực không ngừng tăng cao, dân số thế giới tăng lên 7 tỷ người trong đó hơn 1 tỷ người không có đủ lương thực để cân đối mức dinh dưỡng. Nhu cầu lương thực ngày càng tăng cao, vậy làm thế nào để có đủ lương thực để tồn tại và chống lại thiên tai địch họa, là chủ đề mà hội thảo muốn mổ xẻ.
Thị trường nông sản của Việt Nam đang rất mở
Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, bà Lis Rosenholm, Phó đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cùng chuyên gia của các tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế như: Ngân hàng thế giới, Tổ chức Nông lương LHQ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Đại học Quốc Gia, Đại học Cần Thơ…
Từ năm 2008, cuộc suy thoái kinh tế thế giới kéo dài đã phần nào ảnh hưởng đến tốc độ phát tiển của nền kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao, trong nông nghiệp được xem như cứu cánh của cả nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng năm 2011 đạt 4%; giá trị xuất khẩu (XK) đạt 25 tỷ USD, chiếm 22% tổng kim ngạch XK cả nước và là ngành duy nhất có thặng dư XK ròng đạt 18 tỷ USD.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos tháng 1/2012 đánh giá cao thành tựu này và nhận định trong thời gian tới nông nghiệp vẫn là yếu tố hết sức quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của Việt Nam. Do đó công tác phân tích và dự báo thị trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Hội thảo đưa ra các đánh giá về thị trường nông sản thế giới năm 2012, các yếu tố tác động tới thị trường nông nghiệp thế giới 10 năm tới cũng như chiến lược cho phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế.
Hội thảo “Triển vọng thị trường Nông nghiệp Việt Nam 2012”
Theo đánh giá của ông Phùng Giang Hải, Phó Giám đốc IPSARD, thị trường thủy sản quốc tế đã có khuynh hướng giảm giá từ cuối 2011 và dự báo năm 2012 sẽ không mấy khả quan, đặc biệt khi nguồn cung một số mặt hàng thủy sản lớn như cá hồi, tôm… phục hồi. IPSARD dự báo giá tôm và cá tra Việt Nam năm 2012 sẽ ngang với giá năm 2011, các sản phẩm có giá rẻ sẽ chiếm lợi thế do kinh tế toàn cầu còn bất ổn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
IPSARD cũng đưa ra định hướng cho thủy sản Việt Nam thông qua việc đổi mới cách tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng năng lực cho đội ngũ cán bộ thương mại, chú trọng tới kênh phân phối là các chuỗi siêu thị, áp dụng các tiêu chuẩn VSATTP, truy xuất nguồn gốc… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.
Hội thảo thực sự trở thành nơi gặp gỡ lý tưởng của doanh nghiệp, thông qua hội thảo các doanh nghiệp nông sản Việt Nam có những định hướng và hướng xuất khẩu nông sản hợp lý, tránh tình trạng bị ép và bán phá giá.