Dù chưa chính thức có kết quả thi Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 nhưng nhiều thí sinh (TS) trên cả nước và cả các trường ĐH, CĐ cũng đang “bối rối”.
|
Dù chưa chính thức có kết quả thi Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 nhưng nhiều thí sinh (TS) trên cả nước và cả các trường ĐH, CĐ cũng đang “bối rối” vì không biết cách tính “điểm sàn” năm nay sẽ ra sao.
Nguyên nhân của sự lo lắng này, theo nhiều TS là do năm nay không chỉ có 13 khối thi truyền thống như trước, năm nay có hơn 100 khối thi mới nên việc xác định điểm sàn cho các trường sẽ rất khó khăn để đảm bảo tính công bằng.
Mỗi trường mỗi ý
Năm nay, tại các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, ngoài các khối thi truyền thống là A, A1, B, C, D1, D2… còn có các tổ hợp khối thi mới như: Toán, Sinh học và tiếng Anh; Toán, Hóa học, tiếng Anh; Toán, Lý, tiếng Anh…
Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, còn phải chờ ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD-ĐT mới có kế hoạch xét tuyển, nhưng TS muốn xét tuyển phải đạt tiêu chí 6,5 cho điểm trung bình 6 học kỳ THPT.
“Mọi năm có một vài ngành của các trường thành viên ĐHQG TP.HCM tuyển sinh sát “điểm sàn” của Bộ GD-ĐT nhưng năm nay sẽ tùy tình hình thực tiễn điểm nộp xét tuyển của TS để xét từ điểm cao xuống đến hết chỉ tiêu”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Năm nay Bộ cho phép mỗi ngành trong một trường được xét tuyển tối đa
4 khối thi nên mùa tuyển sinh năm nay có hơn 100 khối thi mới
Tương tự, tại Trường ĐH Mở TP.HCM, năm 2015 ngoài các khối thi truyền thống còn có thêm 2 khối mới là khối O và O1. Theo đó, khối O1 gồm tổ hợp 3 môn Ngữ văn, Lịch sử và tiếng Anh; khối O gồm Ngữ văn, Lịch sử và Ngoại ngữ (gồm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật). Phòng đào tạo nhà trường cho biết, còn chờ ngưỡng “điểm sàn” của Bộ GD-ĐT mới công bố điểm xét tuyển, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ xét theo từng khối.
Tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Dịch vụ Đào tạo của trường cho hay: Năm nay trường có hơn 10 khối thi mới để xét tuyển nên cách tính điểm sàn sẽ khá vất vả để “cân đối” làm thế nào vừa hợp quy chế nhưng không để TS bị thiệt thòi. Theo ông Sơn, việc xác định điểm sàn năm nay sẽ không còn phụ thuộc vào khối thi truyền thống mà dựa vào cấu trúc về điểm của các môn.
"Bộ nên chia điểm sàn thành 2 nhóm tự nhiên và xã hội để tiện cho các trường cũng như đảm bảo tính công bằng. Theo đánh giá cá nhân, mức điểm sàn năm nay khoảng 15 điểm là hợp lý", ông Sơn nói.
Về phía các trường ngoài công lập như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM… do có đến hàng chục tổ hợp khối thi mới nên cách xác định điểm sàn sẽ vất vả hơn.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông - Đại học Công nghệ TP.HCM, cho biết: Năm nay, ngoài các khối thi như các năm trước, trường có thêm 8 khối thi mới để TS thêm quyền lựa chọn khi xét tuyển. Tuy nhiên, việc xác định điểm sàn sẽ vất vả hơn. "Chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến từ Bộ GD-ĐT vì không biết sẽ xác định điểm sàn theo điểm đảm bảo từng môn hay điểm đảm bảo cả 3 môn", ông Quốc Anh nói.
Theo một chuyên viên tuyển sinh, các TS nên căn cứ các tổ hợp xét tuyển vào ngành mà mình yêu thích. Sau đó, lựa chọn 3 môn thi nào có kết quả cao nhất để nộp hồ sơ
Cân nhắc kỹ “tổ hợp môn” để nộp hồ sơ
Liên quan đến lo lắng của các trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sau khi có kết quả thi của TS trên toàn quốc, từ ngày 21 đến ngày 30.7, Bộ GD-ĐT sẽ phân tích, xác định ngưỡng chất lượng đầu vào phù hợp để dựa vào đó các trường lên phương án xét tuyển.
Tuy nhiên, các trường cần lưu ý, ngưỡng chất lượng đầu vào là ngưỡng tối thiểu và các trường không được phép tuyển TS có kết quả thi thấp hơn.
“Đối với kỳ thi "ba chung", do số khối thi rất ít nên Bộ GD-ĐT qui định điểm sàn cho từng khối. Riêng đối với kỳ thi THPT Quốc gia, do tổ hợp các môn xét tuyển rất đa dạng cách xác định ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ khó có thể xác định cho từng tổ hợp xét tuyển mà có thể sẽ xác định một ngưỡng chung cho tất cả các tổ hợp xét tuyển dựa vào thống kê kết quả điểm sàn của gần 10 năm thực hiện kỳ thi "ba chung", ông Ga nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh của Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, năm nay Bộ cho phép mỗi ngành trong một trường được xét tuyển tối đa 4 khối thi nên mùa tuyển sinh năm nay có hơn 100 khối thi mới. Việc xác định điểm sàn chung như mọi năm sẽ không công bằng vì đề thi có môn dễ, môn khó.
“Bộ nên chia điểm sàn thành 2 loại: khối thi truyền thống và khối thi mới để các em không bị thiệt thòi", ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, sau khi biết điểm, các TS nên căn cứ các tổ hợp xét tuyển vào ngành mà mình yêu thích. Sau đó, lựa chọn 3 môn thi nào có kết quả cao nhất để nộp hồ sơ thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao.
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Top 3 ngành học dành cho người hướng nội, mức lương trên 50 triệu mỗi tháng trong tầm tay
- Sát Tết có 4 nghề 'hái' ra tiền, thu nhập cả trăm triệu/tháng mà không cần trình độ đại học
- 7 điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
- Ngành nghề cho thu nhập khủng lên tới 100 triệu đồng/tháng, là xu hướng trong 5-10 năm tới
- Virus HMPV là gì? Virus đang lây lan bệnh hô hấp tại Trung Quốc có nguy hiểm như Covid-19?
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?