Thanh Hóa tổ chức đám cưới theo mô hình mới
Thứ hai, 09/01/2012 11:31

Nhằm thực hiện chính sách tiết kiệm cho nhân dân, bắt đầu từ năm 2001, ủy ban nhân dân xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành việc tổ chức cưới hỏi theo hình thức mới. Đó là cưới tại nhà văn hóa thôn hoặc hội trường của UBND xã.

Hà Lĩnh là xã có diện tích rộng, dân số đông, là một trong sáu xã miền núi của huyện Hà Trung. Trong những năm qua, các cấp lãnh đạo đã có nhiều cố gắng đưa xã thoát khỏi tình trạng nghèo đói, thực hiện nhiều chính sách tiết kiệm có lợi cho nhân dân. Trong những chính sách đó, đáng chú ý nhất là việc tổ chức cưới hỏi theo mô hình mới, được thực hiện tại nhà văn hóa thôn hoặc hội trường ủy ban nhân dân xã. Việc làm này đang gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Đây là mô hình được ủy ban nhân dân xã áp dụng từ tháng 8/2001. Trải qua hơn 10 năm thực hiện đang dần khẳng định những bước đi của Hà Lĩnh là đúng đắn, giúp tiết kiệm được cho mỗi cặp vợ chồng từ 5 đến 6 triệu đồng trong ngày cưới.

Đại diện UBND xã tận tay trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi bạn trẻ tổ chức đám cưới theo mô hình mới

Theo quy định, một đám cưới không được tổ chức quá hai ngày. Ngày đầu tiên mời anh em, họ hàng gần xa, bà con, bạn bè thân thích. Ngày thứ hai, tổ chức lễ vu quy và ủy ban nhân dân xã sẽ tiến hành trao giấy chứng nhận kết hôn cho cặp vợ chồng. Đối với trường hợp nhà gái ở quá xa, sau ngày cưới cho phép nhà trai có thể làm cơm mời nhà gái.

Trao đổi với chúng tôi,  ông Trịnh Bá Bình, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã cho biết : “Việc tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa thôn hoặc ủy ban nhân dân xã sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho gia đình, đó là chi phí vào tiền chè nước, việc tổ chức, trả tiền cho MC, những người trang trí sân khấu... hạn chế được những sự cố đáng tiếc do những  trai làng quá khích gây ra.” Bởi theo quy định của Uỷ ban nhân dân xã, đám cưới không được mở nhạc ầm ĩ trước năm giờ sáng và phải tạm dừng cuộc vui trước 21 giờ, tránh tình trạng lộn xộn vào buổi tối.

Để văn bản được đi vào thực tế, trước khi đám cưới diễn ra, mỗi gia đình tổ chức hôn lễ phải làm đơn cam kết  với ủy ban nhân dân xã về việc thực hiện quy đinh này. Đồng thời, xã cũng có chế tài quy định mỗi gia đình nộp trước 500 nghìn đồng. Nếu thực hiện tốt quy định, sau khi tổ chức hôn lễ, gia đình sẽ đến ủy ban nhân dân xã nhận lại số tiền đã nộp. Ông Trịnh Bá Bình cho biết, những ngày đầu khi mới thực hiện, chương trình đã gặp không ít khó khăn bởi có nhiều luồng thông tin trái chiều. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Đoàn thanh niên, hướng dẫn và giải thích cặn kẽ cho nhân dân, quy định đã dần đi vào cuộc sống và được người dân ủng hộ.

Nhà văn hóa thôn nơi tổ chức đám cưới theo mô hình mới cho nhiều bạn trẻ

Cho đến thời điểm hiện nay, huyện Hà Trung mới chỉ có Hà Lĩnh làm tốt được công tác này. Nhiều địa phương khác cũng đang học tập mô hình thực hiện của Hà Lĩnh nhưng chưa thu được kết quả. Anh Hoàng Sỹ Việt, Bí thư xã đoàn cho biết: “ Để làm tốt công tác tổ chức đám cưới, xã đoàn phối hợp với ban văn hóa cử ra năm người phục vụ cho công tác chè, nước, trang trí phông màn, sân khấu chính, hội trường nơi tổ chức lễ kết hôn.”

Đám cưới đầu tiên của xã được tổ chức theo hình thức mới diến ra vào tháng 8/2001. Ban đầu ủy ban nhân dân xã quy định, trong ngày cưới cô dâu mặc áo dài truyền thống Việt Nam. Quy định này được thực hiện đến năm 2009. Tuy nhiên, xét thấy xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, do đó, Uỷ ban nhân dân xã đã có những sửa đổi hương ước của làng và quy ước của địa phương ngày càng phù hợp. Bắt đầu từ năm 2010, quy định trong ngày cưới cô dâu có thể mặc váy.

Trong những năm mới bắt đầu thực hiện quy định này, tất cả các đám cưới đều được tiến hành tại hội trường ủy ban nhân dân xã. Tuy nhiên, do Hà Lĩnh là xã có diện tích rộng, có những thôn cách xa trung tâm xã. Do đó để thuận lợi cho việc đi lại, từ năm 2009, xã đã có những đổi mới phù hợp. Đối với những thôn đã xây dựng được nhà văn hóa, đoàn thanh niên phối hợp với ban xây dựng lối sống văn hóa mới và ban tổ chức văn hóa sẽ thực hiện lễ cưới tại nhà văn hóa thôn. Đối với những thôn chưa có nhà văn hóa vẫn sẽ tiếp tục tổ chức tại hội trường ủy ban nhân dân xã.

Ông Trịnh Bá Bình, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã cho biết : “Việc tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa thôn hoặc ủy ban nhân dân xã sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho gia đình.."

Điểm nổi bật nhất của mô hình này là quy định đám cưới không được sử dụng tất cả các loại thuốc. Vừa tiết kiệm được chi phí cho gia đình, vừa đảm bảo được sức khỏe cho nhân dân. Điều này được nhân dân hết mực ủng hộ. Số tiền đóng góp cuả mỗi cặp vợ chồng trong một đám cưới là 150 nghìn thực ra chưa đủ để chi phí cho việc tổ chức. Chính vì vậy, có thể nói trong mười năm qua ủy ban nhân dân xã đã làm từ thiện cho nhân dân, vừa có thể tiết kiệm lại vẫn đảm bảo được sự sung túc và vui vẻ trong ngày cưới. Giấy chứng nhận kết hôn sẽ do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã trao tặng trong ngày cưới.  Trường hợp Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch bận công tác có thể ủy quyền cho trưởng ban văn hóa trao giấy chứng nhận kết hôn.

Ưu điểm lớn nhất trong việc thực hiện mô hình này đó là tiết kiệm được một số tiền khá lớn cho mỗi gia đình. Nghiêm cấm việc sử dụng thuốc lá và các loại thuốc khác, giảm được rất nhiều chi phí cho việc thuê loa đài, phông màn, người tổ chức... Tất cả đều do đoàn thanh niên phối hợp với ban văn hóa đứng ra tổ chức. Do tính ưu việt của nó, nên trong hơn mười năm thực hiện chưa có đám cưới nào vi phạm hương ước của làng và quy ước của địa phương.

Tuy nhiên, việc tổ chức hôn lễ theo mô hình này cũng có một số hạn chế nhất định. Đó là phần nào ảnh hưởng đến không khí vui chung, không được như ý muốn của một số người, nhất là các bạn trẻ. Hiện nay, Hội liên hiệp thanh niên xã phối hợp với ban văn hóa đang đề nghị với ủy ban xây dựng quỹ hạnh phúc, để tặng cho mỗi cặp vợ chồng một món quà kỷ niệm ngày cưới.

Tổ chức đám cưới theo lối sống mới mà xã Hà Lĩnh đã và đang thực hiện dành được sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Đặc biệt những người con đang học tập, làm việc và sinh sống xa quê. Cùng với sự phát triển chung của xã hội, lãnh đạo xã Hà Lĩnh đang ngày càng có những đổi mới phù hợp, đưa Hà Lĩnh từ một xã nghèo của huyện trở thành một xã phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị, xây dựng tốt lối sống văn hóa trong nhân dân.
 

Hà Tuyên
Tag: Văn hóa xã hội , Tổ chức đám cưới theo hình thức mới , Thanh Hóa , Nhà văn hóa , Tiết kiệm