Xu hướng tăng nhanh
Đầu năm nay, tại BV Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) sản phụ Đỗ Thị Ân đã sinh nở một cháu bé nặng 6kg bằng phương pháp đẻ mổ. Tại BV Phụ sản Trung ương cũng vừa đón một bé sơ sinh nặng hơn 6kg chào đời. Không kể một số trẻ sơ sinh nặng kỷ lục như vậy thì tại các BV sản khoa như Phụ sản Trung ương và Phụ sản Hà Nội từ đầu năm đến nay, số trẻ nặng từ 3,5kg trở lên được sinh ra chiếm tỷ lệ khá cao, thậm chí theo ước lượng của các bác sĩ thì có thời điểm cứ 10 sản phụ lại có đến 3 sản phụ mang thai to. Tuy chưa có một khảo sát nào đánh giá về hiện tượng này nhưng theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân quan trọng nhất chính là do tác động từ chế độ dinh dưỡng. Tâm lý chung của các sản phụ hiện nay là cố gắng “đầu tư” cho con cái ngay từ trong bụng mẹ bằng cách bồi dưỡng thật nhiều chất bổ cho con cái khỏe mạnh, thông minh.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, cân nặng của trẻ khi sinh thể hiện sự phát triển của thai trong tử cung. Khi thai có trọng lượng trên 3,5kg đối với con so và trên 4kg đối với con rạ được xác định là thai to. Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mang thai to có xu hướng tăng do điều kiện kinh tế phát triển, chế độ dinh dưỡng và lao động của người mẹ trong thời kỳ mang thai được cải thiện nhiều hơn. Mặt khác, phụ nữ được tư vấn, dịch vụ y tế cũng được đáp ứng tốt hơn, giúp cho họ thực hành chăm sóc tốt hơn trong thời kỳ thai nghén. Thai to có nhiều yếu tố thuận lợi giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, nếu thai quá to lại có thể gây ra nhiều nguy cơ trong khi sinh đẻ cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Ảnh minh họa
Nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con
Theo các bác sĩ sản khoa, nếu sản phụ mang thai to hơn 3,5kg thì thông thường sẽ phải sinh mổ. Nếu thai quá to thì khi sinh bình thường, trẻ chỉ lọt được đầu rồi kẹt ở phần vai. Có nhiều trường hợp, bác sĩ phải cắt mở rộng tầng sinh môn để giúp trẻ ra ngoài dễ dàng vì nếu không, có thể dẫn đến nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Mới đây, BV Phụ sản Trung ương tiến hành một nghiên cứu trên 665 thai phụ tại BV, kết quả cho thấy tỷ lệ mổ lấy thai ở các sản phụ được chẩn đoán mang thai to chiếm 71,3%, số tai biến trong sản khoa của trẻ, tỷ lệ bất thường sau sinh chiếm tỷ lệ không ít.
PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, với các trường hợp thai to, các biến chứng thường gặp cho mẹ trong và sau đẻ là băng huyết, rách tầng sinh môn, vỡ tử cung, nhiễm trùng và có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Đối với trẻ sơ sinh, biến chứng có thể xảy ra là hạ đường huyết gây vã mồ hôi; suy hô hấp do béo gây phù nề, cản trở hô hấp; chấn thương, ngạt... thậm chí tử vong. Mặt khác, do kích thước của thai to hơn so với thai bình thường nên các cuộc đẻ thai to thường gặp nhiều khó khăn như ngôi thai bất thường, ngôi khó lọt, trẻ dễ bị kẹt...
Cũng theo ông Tuấn, sinh con còn có nguyên nhân là sản phụ bị đái tháo đường, có thể do đái tháo đường bệnh lý (sản phụ có sẵn tiền sử mắc đái tháo đường) và đái tháo đường thai kỳ. Nếu gia đình có người mắc tiểu đường, “tiền sử” sinh con to cũng có ảnh hưởng đến việc sinh con to. Yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng nhiều đến cân nặng của trẻ sơ sinh. Nếu bố mẹ đều có vóc dáng to, khỏe, con của họ khi sinh cũng có khả năng bị thừa cân cao hơn. Do đó, trong quá trình mang thai, các thai phụ cần phải kiểm soát chế độ ăn uống, luyện tập và nhất là kiểm tra đường huyết thường xuyên để có biện pháp can thiệp sớm.
Để dự phòng trường hợp đường huyết sơ sinh, hầu hết trẻ sơ sinh có trọng lượng lớn hơn mức bình thường đều được thử đường huyết. Những trẻ hạ đường huyết cần cho trẻ ăn sớm, hoặc truyền đường vì những trẻ này có nhu cầu năng lượng cao hơn ở trẻ bình thường. Mặt khác, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo các bà mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, kể cả những trẻ sơ sinh nặng cân, không vì bé sinh ra to lớn mà kìm hãm năng lượng cho trẻ.