Máu cao
Tăng HA do thai kỳ là tình trạng một người phụ nữ có HA bình thường trước khi có thai, nhưng tăng lên khi mang thai bằng hoặc trên 140/90mm Hg. Tình trạng này thường xảy ra khi thai được hơn năm tháng (20 tuần). Sau khi sinh, HA của người mẹ trở lại bình thường. Về y học, tăng HA do thai chia ra nhiều dạng, trong đó tiền sản giật - sản giật là bệnh lý cần quan tâm đặc biệt.
Tiền sản giật là một hội chứng, trong đó bà mẹ mang thai bị hai trong ba triệu chứng sau: Phù, tăng huyết áp, tiểu đạm. Để biết có thể bị tiền sản giật không, các bác sĩ (BS) sẽ yêu cầu bà bầu làm xét nghiệm tìm đạm trong nước tiểu. Một khi đã bị tiền sản giật, thai phụ phải tuân thủ tốt việc theo dõi cũng như điều trị của BS sản khoa, nếu không sẽ bị sản giật (co giật toàn thân). Sản giật là một trong năm tai biến sản khoa mà khi đã xảy ra thì nguy cơ tử vong cho bà mẹ cũng như em bé rất cao. Khi đã xảy ra sản giật, BS bắt buộc phải thực hiện mổ sinh để bảo đảm an toàn cho người mẹ.
Ảnh minh họa
Vì vậy, cần đưa những bà bầu bị tăng HA vào vòng “quản lý”. Bản thân bà bầu bị tăng HA cần tuân theo chỉ định của BS về chế độ ăn uống hạn chế muối. ThS-BS Nguyễn Hữu Trung - Phòng khám Hoàng Gia TP.HCM hướng dẫn, người thân trong gia đình bà bầu bị cao huyết áp cần lưu ý cách xử lý sau đây:
- Khám thai và theo dõi thai định kỳ theo hẹn của BS sản khoa.
- Khi có những dấu hiệu sau cần đi khám ngay: nhức đầu nhiều, chóng mặt, đau bụng vùng trên rốn hoặc vùng dưới bờ xương sườn bên phải, mắt nhìn không rõ, tiểu nước tiểu sậm màu hoặc có màu đỏ, khó thở, thai đạp yếu…
- Nếu có khả năng, nên trang bị máy đo HA tự động để có thể tự theo dõi mỗi ngày.
- Khi bà bầu bị tăng HA, nên tạo điều kiện cho họ nghỉ ngơi, thư giãn nơi thoáng mát. Không trò chuyện vì việc nói chuyện cũng làm các cơ quan hoạt động khiến HA dao động theo chiều hướng xấu.
- Bà bầu cao HA rất cần tâm bình, khí hòa, tránh các cảm xúc quá mạnh (quá vui, quá buồn…).
- Để hạ HA, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của BS, nên cho bà bầu uống nước dừa pha thêm chanh, nước ép cà rốt. Các loại nước uống này sẽ giúp giãn mạch, ổn định huyết áp.
Máu thấp
Khi mang thai, bánh nhau tiết ra nhiều chất nội tiết. Bên cạnh các chất co mạch, còn có rất nhiều chất giãn mạch. Các chất này sẽ làm giãn thành mạch máu, làm HA giảm khi mang thai. Tụt HA gây choáng váng, chóng mặt, ngất nếu thay đổi tư thế quá nhanh. Kinh nghiệm ở những trường hợp bị hạ HA là đang sinh hoạt đi đứng bình thường, thậm chí đang “tám” cùng bạn bè “tưng bừng” vui vẻ, bỗng dưng thấy trời đất tối sầm, tỉnh lại thấy nằm ở nơi khác! Cũng có người bị ói rồi mới ngất. Tụt HA ở thai phụ số lượng không nhiều và không nguy hiểm như cao HA nhưng dễ gây chấn thương cho mẹ và thai nhi do té ngã. Nguy hiểm nhất là lúc tham gia giao thông hoặc ở trên tầng cao.
Theo BS Lưu Thị Thanh Loan - BV Từ Dũ TP.HCM thì bản thân bà bầu bị HA thấp cần tự bảo vệ mình và con bằng cách: uống đủ nước mỗi ngày nhằm tránh trường hợp tụt HA do mất nước làm ảnh hưởng đến lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Bà bầu bị tụt HA không nên đứng quá lâu hoặc ngồi lâu, khi đứng lên, ngồi xuống phải khoan thai từ tốn. Trong trường hợp thấy chóng mặt nên ngồi xuống cho đến khi hết và đứng lên từ từ. Nằm nghiêng tốt hơn nằm ngửa. “Thủ” sẵn trong túi những món ăn vặt ngọt (bánh quy, kẹo…), dùng khi cảm thấy người không khỏe để tránh tụt HA. Luyện tập những động tác nhẹ nhàng theo hướng dẫn của BS sẽ giúp HA ổn định.
Người thân của bà bầu bị tụt HA cần học cách sơ cấp cứu như sau:
- Khi thấy có dấu hiệu tụt HA (mệt mỏi, mặt xanh…), hãy nhanh chóng đặt bà bầu nằm xuống với tư thế đầu thấp hơn chân.
- Tiếp nước điều tiết HA: cho uống nước trà gừng, nước sâm, nước chè đặc, nước ép trái cây…