Trước đó, nước từ ốc đảo Fayoum chảy vào hồ Quarun ở phía bắc. Tuy nhiên, hồ chỉ chứa được một lượng nước nhất định. Vượt quá mức này, mực nước hồ sẽ dâng cao, làm ngập lụt các vùng xung quan và gây tổn hại khó phục hồi do lượng muối cao trong nước. Ảnh: Alrahalah.
Điều đó đồng nghĩa lượng nước có thể được sử dụng ở Fayoum bị giới hạn bởi khả năng thoát nước tối đa của khu vực. Hậu quả là diện tích những cây phụ thuộc vào nước như lúa và sậy rất nhỏ. Thêm nữa, người dân không thể khai hoang thêm đất mà không gây ngập lụt ở khu canh tác gần hồ Qarun. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải tìm ra giải pháp thoát nước thay thế, và vùng trũng lớn của Wadi El Rayan là nơi phù hợp. Ảnh: Rohym.
Năm 1974, một con mương dài 9 km và một đường hầm 8 km chạy ngang qua sa mạc từ phía tây vùng trũng Fayoum tới khu vực khô ráo của Wadi El Rayan. Nước chảy vào Wadi El Rayan tạo ra hai hồ nước lớn. Đầu tiên, nước chảy tới hồ phía bắc, sau đó tràn ra và chảy xuống khu vực sâu hơn của vùng trũng, hình thành hồ thứ 2. Dòng nước xói mòn đất, làm lộ nền đá tự nhiên và hình thành thác nước. Ảnh: Tripproegypt.
Nhiều thác nhỏ được tạo ra bởi dòng nước, cao khoảng 2-4 m. Nơi đây thu hút sự chú ý của nhiều người dân Ai Cập, bởi họ chưa từng thấy thác nước bao giờ. Thác nước này xuất hiện trong nhiều video ca nhạc và phim ảnh của Ấn Độ. Tuy nhiên, thác này phụ thuộc vào mực nước trong hồ. Ảnh: News.
Bờ hồ có thảm thực vật phong phú, nơi trú ẩn cho các loài chim di cư và là nơi sinh sản của nhiều loài cá. Giờ đây, khu vực này là một khu bảo tồn tự nhiên, nơi sinh sống duy nhất của linh dương gazen sừng mảnh, cùng 8 loại động vật có vú và 13 loài chim đặc hữu khác. Ảnh: Fayoumegypt.