Tết đến, trăm công việc lo toan đổ lên đầu người phụ nữ.
Những ngày giáp Tết vắng đàn ông
Những ngày cận Tết luôn sôi động, với sự hiện diện của phụ nữ. Họ có mặt ở khắp nơi: Tất bật đi chợ, đi siêu thị, tất bật ở chợ hoa, ngoài cửa hàng rèm cửa, họ dọn dẹp nhà, lo việc thờ cúng tổ tiên. Ở rất nhiều gia đình, những ngày cận Tết mờ nhạt hình ảnh của những người đàn ông. Có thể gặp họ rất nhiều ở những buổi tiệc tất niên, ngoài quán nhậu, quán café…
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền từ Long An lên Chợ Lớn mua bánh mứt về bán vào mùa Tết. Tự chạy một chiếc cup 81, vào chợ trả giá, chụp giựt, ra khỏi chợ đầu tóc tơi tả, rồi tự buộc hai bao hàng hai bên xe, một mình luồn lách giữa phố đông xe cộ để về còn kịp bày hàng. Chị phân trần: “Đã nhờ ổng (người chồng) từ mấy hôm trước, vậy mà đến đúng ngày mình cần thì ổng đi ăn giao thừa Tết Dương với mấy người trong công ty, kêu hoài không chịu về, con còn nhỏ nên tui tự mà xoay sở, chứ không là trễ hàng bán Tết cho người ta”.
Có thể gặp ở Chợ Lớn những ngày giáp Tết rất nhiều người phụ nữ như vậy. Hai mẹ con chị Lê Thị Hòa lặn lội từ Bình Phước xuống, cũng tải mấy bao bánh kẹo nặng rồi tự tìm đường về. Chồng, cha họ thì đi đóng tủ cho khách hàng để nhà họ đón Tết rồi ở lại nhà người ta… nhậu luôn.
Chị Hòa kể, năm nào cũng như năm nấy, con còn nhỏ thì chị nhờ em gái hoặc đi một mình, trong khi tiền ăn Tết của gia đình chủ yếu đều dựa vào thu nhập từ sạp bán bánh mứt ngày Tết ngoài chợ của chị. Đối với chị Hòa và những người phụ nữ chung quanh chị, đó là chuyện thường tình đến mức họ quen và không hề thắc mắc. Trước Tết, họ nai lưng ra buôn bán, chạy chợ. Cận Tết, họ lao vào chùi dọn nhà cửa, sắm sanh đồ đạc, nấu nướng thực phẩm Tết, chăm lo bàn thờ tổ tiên…
“Mấy ông chồng hả?. Mấy ổng giờ đó đang đi ăn tất niên, hoặc đi nhậu tiễn ông táo về trời, hay là đang ngồi ngoài quán café tán dóc. Ôi trời, kêu mấy ống phụ làm gì, có được tích sự gì đâu, chùi nhà thì dơ, mua sắm thì không biết gì, may ra đem được ít đồng thưởng Tết về là mừng rồi!”.
Câu chuyện ấy không chỉ xảy ra ở những vùng quê nghèo, những tỉnh xa. Ngay tại các thành phố lớn, hình ảnh những người đàn ông rong chơi bên cạnh những người đàn bà tất bật đón Tết không phải là hiếm. Gần Tết, người dân khu vực chợ bà Hoa, Bảy Hiền, Tân Bình được chứng kiến một trận đấu khẩu nảy lửa giữa vợ chồng chị Ng. B. Phượng.
Gần Tết vợ túi bụi mua sắm, trang trí nhà cửa, còn ông chồng mải bù khú bạn bè, hứa với vợ quét mạng nhện và sơn lại cửa, mà cứ hứa lần hứa lữa cho đến giáp Tết. Đỉnh điểm của sự nổi giận là khi anh chồng cùng một nhóm đàn ông trong công ty tổ chức chuyến đi Vũng Tàu để "liên hoan cuối năm".
Người ta nghe tiếng chị Phượng vừa khóc, vừa kể: "Mấy năm trước cứ tới cận Tết là chẳng thấy mặt anh đâu, cứ nói việc nhà cửa là việc đàn bà, đàn ông đem nhiều tiền là được. Năm nay có con, tưởng anh thay đổi, ai dè vẫn vậy. Tôi không cần tiền của anh, tôi chỉ cần người đàn ông trong nhà thôi".
Cần phải… “vùng lên”
Chị Hòa, trong câu chuyện kể trên chia sẻ rằng, chị chỉ thấy một lần bà hàng xóm nhà chị phản ứng mạnh với cái sự “rong chơi” của chồng thời điểm đón Tết. Bà vợ bán vải ngoài chợ, ngày cận Tết nhân viên nghỉ làm về quê, con gái thì lên Sài Gòn lấy hàng, bà quay tít mù trong tiệm vải trong khi ông chồng bận bù khú với bạn bè, ngày nào về cũng say mèm.
Một hôm, tức giận vì một mình không xoay sở nổi, tính nhầm tiền cho khách mất cả triệu đồng, bà nổi cơn tam bành tìm đến quán ông chồng đang nhậu, trước khi nắm cổ kéo về còn chửi sa sả vào mặt đám bạn vô tích sự của chồng. Từ đó, người ta thấy ông chồng ngày ngày cần mẫn phụ việc cho vợ ngoài sạp.
Quan niệm "đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp", đàn bà bếp núc đàn ông làm đại sự vẫn còn tồn tại ở rất nhiều ông chồng, ngay cả ở những người chồng không hề làm việc "đại sự" vẫn nghĩ mình không cần nhúng tay vào những việc nhỏ trong nhà.
Ngày Tết, cùng với sự tất bật và dồn nén của công việc, quan niệm ấy càng trở thành cái cớ để những người đàn ông ít trách nhiệm và vô tâm trốn tránh việc nhà, rong chơi bù khú. Và người phụ nữ trong nhà lại càng vất vả hơn bao giờ hết bởi gánh nặng việc nhà.
Tuy nhiên, để xảy ra những câu chuyện như trên, không phải không có phần lỗi từ phía người phụ nữ. Thói quen ôm việc, chịu đựng, sự chiều chồng qúa mức, ít chia sẻ và thẳn thắn về cảm xúc đã khiến nhiều người vợ dần biến chồng mình thành kẻ vô tâm từ lúc nào không hay. Khéo léo hướng người đàn ông vào trách nhiệm gia đình, sẻ chia công việc, cùng vợ gánh vác việc nhà... đó là điều mà các bà vợ nên bắt đâu ngay từ khi chưa có thói quen xấu được tạo ra.
Chị Trương Thị Mỹ, bán rau ở chợ Gò Vấp chia sẻ: "Chồng tui hồi gần Tết năm ngoái thất nghiệp lâu quá, chán nản suốt ngày ngồi đánh cờ uống trà với bạn. Kêu ra bán rau phụ thì sợ ổng quê vì làm thuê cho vợ, trong khi mình bán đắt cần người muốn chết. Tui mới nói giờ cận Tết, tui muốn mở rộng buôn bán mà không đủ vốn, đủ người, coi như tui cho mình mượn vốn hùn làm với tui, bảo đảm Tết này mình giàu. Vậy là ổng phụ tui làm, làm hăng hái nữa. Ổng vui, việc nhà cửa tui nhờ gì cũng cùng vợ làm. Năm đó Tết nhà tui việc bù đầu nhưng vui và ấm áp vô cùng...".