Trước trận chung kết Euro này, Tây Ban Nha đứng trước một gánh nặng lớn lao từ lịch sử: chưa đội nào bảo vệ thành công chức vô địch Euro, không đánh bại Italia ở giờ đấu chính thức các giải lớn trong 92 năm qua… tuy nhiên họ vẫn được đánh giá là đội cửa trên trước một Italia – luôn tỏ ra nguy hiểm khi bị xếp chiếu dưới.
Nhưng thật bất ngờ, Tây Ban Nha đã có một chiến thắng hết sức dễ dàng và nhiều khả năng sẽ rất lâu nữa mới tồn tại một ĐTQG có thể duy trì sự thống trị lâu đến thế: vô địch Euro – vô địch World Cup – rồi lại vô địch Euro.
Một đế chế được dựng xây dựng từ Euro 2008 dưới triều đại của Luis Aragones, Tây Ban Nha đăng quang khi ghi 12 bàn và chỉ để lọt lưới 5 lần qua 6 trận. Ở World Cup 2010, họ ghi 8 bàn và chỉ để thủng lưới hai. Còn tại giải lần này, La Roja cũng ghi được 8 bàn song Casillas chỉ một lần không ngăn được bóng lăn qua vạch vôi. Những con số thống kê đó chỉ ra rằng: Tây Ban Nha đã chinh phục 2 danh hiệu hơn sau đó dễ dàng hơn nhiều hay nói theo một cách khác, thành công ở Euro 2008 đã mở ra chu kỳ thành công cho đội bóng xứ sở bò tót, vinh quang đó đã giải tỏa sức ép của lịch sử đã đè nặng lên họ trong suốt 44 năm dài đằng đẵng.
Cả giải, Casillas chỉ để lọt lưới đúng một bàn
Sự khác biệt của Tây Ban Nha với 15 đội bóng còn lại ở Euro 2012 này không chỉ nằm ở kết quả, mà còn ở lối chơi. Sản phẩm độc quyền mang nhãn hiệu “tiqui-taka” đã làm điên đảo mọi đối thủ trong việc tìm phương án đối phó. Lối chơi đặc trưng đó gần như là không thể chống đỡ một khi nó được vận hành một cách hoàn hảo.
Từ đầu mùa, hàng thủ Italia được xem là một trong những lý do chính đưa họ tiến vảo trận chung kết này. Azzurri chỉ để lọt lưới có 3 bàn trong suốt chặng đường đó. Nhưng…
… chỉ trong vòng 41 phút ở trận chung kết, Tây Ban Nha đã 2 lần khiến Buffon phải vào lưới nhặt bóng và cả trận lưới của ĐT Italia rung lên tổng cộng tới 4 lần.
Sự dễ dàng trong việc ghi bàn của Tây Ban Nha có thể đến từ việc Italia liên tục mất người vì chấn thương (Chiellini trong hiệp một và Thiago Motta trong hiệp hai khiến Azzurri phải thi đấu với chỉ 10 người trong hơn 30 phút cuôi trận), song ai cũng phải thừa nhận Tây Ban Nha tấn công rất sắc sảo khi cả hai bàn thắng được ghi trong hiệp một đều là những tình huống tăng tốc đột ngột với những pha xử lý tinh tế ở một đẳng cấp rất cao.
Và dĩ nhiên, cũng không thể quên những lời khen tặng cho hàng thủ Tây Ban Nha, ngày càng tỏ ra rắn chắc qua năm tháng – dù giải đấu này họ vắng Puyol. Con số 1 bàn thua trong cả giải đấu đã nói lên tất cả.
Tây Ban Nha đã vô địch một cách xứng đáng, đơn giản là họ… quá mạnh so với tất cả. Chuỗi ngày thống trị của họ vẫn chưa dừng lại. World Cup 2014 tới Tây Ban Nha chắc chắn vẫn sẽ là một nhân vật chính, một tượng đài thực sự mà những kẻ chinh phục phải vượt qua để ngăn một đế chế bóng đá kéo dài nhất trong lịch sử….