Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn, đến nay, tại những xã trước đây được cho là “điểm nóng”, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã lắng xuống.
Năm 2011, huyện Ngân Sơn là một trong những địa phương diễn ra nhiều hoạt động thác khoáng sản trái phép, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đất sản xuất và an ninh trật tự trên địa bàn. Trước tình hình đó UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát; chỉ đạo các xã có hiện tượng khai thác vàng trái phép tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Khoáng sản, pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường...
Theo đó năm 2011, tổ công tác của UBND huyện đã tiến hành giải toả việc khai thác vàng trái phép tại các xã Cốc Đán, Bằng Vân, Thượng Quan, Hương Nê, Thuần Mang, Thượng Ân, Thị trấn Nà Phặc; tiến hành lập biên bản phạm pháp quả tang, lập biên bản xử phạt hành chính và tạm giữ nhiều phương tiện thực hiện khai thác khoáng sản trái phép.
Trao đổi về việc ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép trong thời gian tới, đồng chí Trần Đình Thất- Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát, tăng thẩm quyền cho cấp xã trong việc lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định tạm giữ phương tiện và những trang thiết bị phục vụ khai thác khoáng sản trái phép, báo cáo về huyện để phối hợp giải quyết.
Lãnh đạo UBND huyện Ngân Sơn cũng kiến nghị tỉnh cần sớm có hướng dẫn thống nhất trong bộ hồ sơ tịch thu phương tiện làm sao cho dễ dàng; sớm xử lý những máy xúc đã có quyết định xử phạt hành chính; đối với chính quyền các xã, cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, không nể nang trong xử lý nạn “vàng tặc”. Làm tốt được điều này cũng là góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 02-NĐ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.