SJC 'lên ngôi', tăng từng giờ
Thứ ba, 30/10/2012 06:20

Sau khi chọn SJC là đơn vị gia công duy nhất vô tình tạo tâm lý rằng các thương hiệu khác là “đồ bỏ”.

Từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, giá vàng tăng cao làm người mua lẫn người bán đau đầu. Ảnh: HTD

Từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, giá vàng tăng cao làm người mua lẫn người bán đau đầu. Ảnh: HTD

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định quyết tâm ổn định thị trường vàng, kéo giá vàng trong nước tiệm cận giá vàng thế giới nhưng thực tế lại diễn biến theo chiều hướng khác.

Lambada giá vàng

Từ giữa tháng 9, giá vàng chẳng những không hạ nhiệt mà chênh với giá thế giới từ hơn 2 triệu đến 3 triệu đồng/lượng. Vàng tăng giá từng giờ, thị trường nóng ran. Biểu đồ giá vàng của SJC lưu lại cho thấy ngày 1-10 giá vàng tăng đột biến khi mua-bán mức 47,4-47,5 triệu đồng/lượng, vượt đỉnh giá vàng lập hồi giữa tháng 9. Ngày 2-10, vàng vọt lên 47,55-47,85 triệu đồng/lượng. Cao trào là ngày 5-10, lúc 10 giờ sáng giá vàng SJC giao dịch 48,1-48,4 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, các loại vàng miếng “phi” SJC như AAA, Bảo Tín Minh Châu chịu cảnh lép vế. Ngày 6-10, SJC bán ra 48,18 triệu đồng/lượng thì vàng Bảo Tín Minh Châu chỉ 44,8 triệu đồng/lượng, vàng AAA chỉ 46,6 triệu đồng/lượng. Đó là điều bất hợp lý nhất trên thị trường mà trước nay chưa từng xảy ra. Người dân sở hữu vàng các thương hiệu “phi” SJC nếu khi ấy mà nằm trong tình huống phải bán ra thì chỉ có nước… cắn lưỡi!

Cần nói thêm, giá vàng trong nước vốn đã chênh với giá thế giới từ nhiều năm nay, tại sao thời điểm này dư luận phản ứng kịch liệt? “Vì chúng tôi đã được đưa ra những viễn cảnh quá lạc quan khi nhóm G5 được lập ra cùng các tuyên bố khi có quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng…” - một nhà đầu tư vàng tại quận 7, TP.HCM nói.

“Chiếc áo vinh quang” SJC

Ai cũng biết vàng SJC có thương hiệu uy tín và có thị phần lớn từ rất nhiều năm. Tuy vậy, nếu Nhà nước để thị trường tự quyết định thì sẽ không có gì ầm ĩ. Việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là hợp lý nhưng các động thái thiếu uyển chuyển sau khi chọn SJC là đơn vị gia công duy nhất vô tình tạo tâm lý rằng chỉ có vàng miếng SJC là được tin cậy, các thương hiệu khác là “đồ bỏ”.

Đã có sự đánh đồng tai hại giữa khái niệm “độc quyền sản xuất vàng miếng” và “độc quyền kinh doanh vàng miếng”. Điều này khiến thị trường bấn lên với hàng loạt hành động sùng bái vàng SJC: Nôn nóng chuyển đổi vàng “phi” SJC sang SJC, chen nhau kiểm định vàng, vàng nhái SJC xuất hiện… TS Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, đã ví von: “Nếu giá trị của vàng trên thế giới được đo bằng tuổi vàng thì với thị trường vàng trong nước, do cơ chế cấm “nửa vời” nên tuổi của vàng miếng không quan trọng bằng miếng vàng đó mang logo gì. Vàng miếng SJC như được khoác trước “vinh quang” sẽ trở thành vàng “SBV” - là thương hiệu của NHNN…”.

Ngay cả chuyện chuyển đổi vàng miếng cũng khiến dân mệt mỏi. NHNN nhiều lần khẳng định vàng các thương hiệu khác được chuyển đổi dễ dàng. Thực tế không hẳn vậy. Người dân đổ xô đến dập vàng thì có ách tắc, bởi phải chờ SJC kiểm định. Thị trường đâm ra khan vàng SJC trong khi vàng các thương hiệu khác thì phận hẩm.

Rồi khi thị trường suốt hai tuần liền xuất hiện vàng nhái thương hiệu SJC đến con số 463 lượng thì đến ngày 25-10, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng mới khẳng định: “Các thương hiệu vàng miếng khác đã được cấp phép vẫn được lưu thông bình thường. Do đó, việc có chuyển đổi sang vàng SJC hay không là quyền của người sở hữu, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin, cân nhắc cẩn thận để tránh thiệt hại cho mình”.

Nói vậy nhưng liệu có người dân nào đi chọn mua một thứ tài sản (vàng “phi” SJC) để vừa mất lợi nhuận lại vừa gánh chịu những việc “tào lao” khác: Mất thời gian chuyển đổi, tinh thần bất an?

Gom vàng để cân bằng trạng thái

Khi giá vàng SJC vượt trên 48,4 triệu đồng/lượng, dù lúc này SJC đã hoàn thành 45.000 lượng vàng dập lại cũng không đủ cung. Chẳng lẽ dân có nhu cầu dùng vàng nhiều đến thế?

Trao đổi với PV, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và nhiều chuyên gia khác chỉ rõ: Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) gom vàng để cân bằng trạng thái nên đã khiến giá vàng biến động mạnh.

Thử lấy báo cáo tài chính của Ngân hàng ACB nửa đầu năm nay: Tính đến ngày 5-10, trạng thái tài khoản âm vàng của ACB còn 280.000 lượng, đã giảm gần một nửa so với tháng 6-2012 (550.000 lượng). Con số này chứng minh ACB đã mua vào một lượng vàng rất nhiều để cân bằng trạng thái.

Không chỉ mỗi ACB phải gom vàng mà nhiều NHTM khác cũng làm như ACB. Nhiều ngân hàng trước đây đã bán vàng ra, đợi giá vàng hạ thì mua vô. Không ngờ giá vàng thế giới tăng thẳng đứng khi Mỹ tung gói nới lỏng cứu trợ đã kéo giá vàng trong nước tăng. Các ngân hàng buộc cắt lỗ, vội vã mua vàng vào để cân bằng, càng đẩy giá vàng ngoài thị trường tăng.

Tại cuộc họp báo ngày 28/10, đại diện NHNN có nói: NHNN đã yêu cầu các NHTM đóng trạng thái vàng từ tháng 5/2011 nhưng các ngân hàng chùng chình nên nay lỗ - lãi thì ngân hàng phải chấp nhận. Tuy vậy, liệu NHNN có quyết liệt thật sự để buộc các NHTM chấp hành hay không khi NHNN cũng chùng chình, mấy lần gia hạn huy động vàng?

Lập chính sách mà không dự báo được thực tiễn

Về chính sách với vàng nói chung, tôi cho rằng việc cất trữ tài sản dưới dạng vàng miếng là một thói quen của người dân là thực tế mà chúng ta không phủ nhận được. Dĩ nhiên tôi ủng hộ về chính sách, không khuyến khích mua vàng để cất, tích trữ tài sản bằng vàng. Tôi không ủng hộ chọn vàng miếng là một kênh để đầu tư, tuy vậy chúng ta chỉ không khuyến khích thôi chứ đừng cấm. Phải thừa nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc xử lý tình trạng sử dụng vàng như phương tiện thanh toán. Cái này dứt khoát phải làm mạnh mẽ.

Riêng về Nghị định 24/2012, có mấy thứ chưa xử lý được: Thứ nhất, chúng ta đã biến một loại vàng miếng có thương hiệu lâu nay bình thường, người dân tự do lựa chọn, thành thương hiệu độc quyền do Nhà nước đặt ra và việc này đang gây ra sự bất ổn. Thứ hai, ta chưa làm rõ được cơ chế huy động vàng. Việc gia hạn huy động vàng mấy lần cho thấy khi lập chính sách, quy định, chúng ta đã không dự kiến được thực tiễn! Phải rà lại toàn bộ cách quản lý vàng, xem lại tính hợp lý để làm sao thừa nhận quyền tài sản của người dân và cố gắng có cơ chế phù hợp để huy động nguồn này phục vụ cho kinh tế, biến thành vốn chứ không nằm “chết” trong nhà.

Đại biểu TRẦN DU LỊCH, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Giá vàng biến động mạnh, một mặt do tác động của giá vàng thế giới tăng cao, mặt khác do chính sách của NHNN quy định chấm dứt việc huy động và cho vay vàng của các NHTM vào 25-11... NHNN cần sớm công bố chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người dân cũng như của các chủ thể trong nền kinh tế liên quan đến vàng, bao gồm quyền và điều kiện huy động vàng trong xã hội hoặc giữ hộ vàng cho dân; chuyển nhượng, mua bán; cơ chế xuất nhập khẩu vàng và cơ chế đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam chín tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

PLTP
Tag: Vàng , Thị trường vàng , Kinh doanh vàng , Vàng SJC , Giá vàng tăng , Giao dịch vàng tại Hà Nội , Giá vàng giảm , Bảo Tín Minh Châu