Ma túy, cần sa, tài mà, rượu mạnh hoặc nuốt khói là những “biến tướng” từ việc hút shisha với những tác hại vô cùng nguy hiểm được cảnh báo gần đây.Trong khi người ta đang loay hoay với câu hỏi “hại hay không hại” – “cấm hay không cấm” thì giới trẻ vẫn say sưa cùng shisha.
Thú vui mới của giới trẻ
9h tối, chúng tôi có mặt tại Club D. trên phố Hàng Buồm – một Bar shisha được nhiều bạn trẻ và người nước ngoài ưa thích. Tuy nhiên, chỉ khách quen mới được dẫn lên gác 2 để hút shisha và… nghiêm cấm chụp ảnh (?!) Phòng hút shisha tại đây được bố trí theo phong cách Ả Rập với tong màu đỏ mang đậm tính huyền bí, phương Đông.
Điều đáng nói, những người tham gia hút shisha phần lớn là những người trẻ, ở cái tuổi mà đáng lẽ phải gắn với sách vở, với trường lớp nhiều hơn chứ không phải ngồi đây ngả ngớn và hút shisha điệu nghệ đến thế!
Như đã hẹn trước, tôi gặp Quang – 17 tuổi (Tây Hồ - Hà Nội) một dân chơi shisha chuyên nghiệp, thậm chí đã đầu tư một bộ hút shisha trị giá gần 5 triệu đồng. Quang cho biết: hình thức tương đối phổ biến hiện nay là pha rượu và nuốt khói, còn “sạc pin” (pin là tiếng lóng chỉ cần sa hay “cỏ Malay” được trộn cùng shisha để hút) ít phổ biến hơn.
Giá bán 10g “pin” tại “đại lý” khoảng hơn 20 triệu đồng, được gói vào giấy như điếu thuốc lá (khoảng hơn 200.000đồng/điếu). Riêng “đập đá” bằng shisha thì phải dân chơi chuyên nghiệp vì tốn kém và phải có “quan hệ” mới được sử dụng tại các quán shisha.
Bến Hàn Quốc thuộc quận Tây Hồ cũng là địa chỉ tập trung nhiều “shisha vỉa hè” cho giới trẻ. Dương (SV trường ĐH Công nghiệp) cho biết: “Nuốt khói shisha giống như nuốt khói thuốc lá vậy, ban đầu tức ngực, khó thở và say nhưng có cảm giác rất mạnh và phê”. Tuy nhiên, theo các bác sỹ chuyên khoa hô hấp, việc làm này gây tổn thương phổi và rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Du nhập vào Việt Nam từ 4-5 năm trước và trở thành trào lưu trong giới trẻ shisha (còn được gọi là thuốc lào Ả Rập, thuốc lào Trung Đông, Hookah...) được hút thông qua chiếc bình lọc giống như điếu bình với thành phần thuốc chủ yếu là mật ong, lá và rễ cây được ướp hương các loại trái cây như nho, cam, táo, dâu...
Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu chính thức nào về sự độc hại của shisha nên nó không có trong danh mục hàng cấm và được nhập khẩu, buôn bán, sử dụng công khai. Một trong những lý do là, thành phần của shisha chủ yếu là thảo dược, chứa rất ít hàm lượng nicotin nên hút shisha chỉ được coi là thư giãn chứ không độc hại như hút thuốc lá hay sử dụng các chất gây nghiện khác.
Trong khi đó, ở một số nước trên thế giới, việc nghiên cứu shisha được thực hiện rất nghiêm ngặt và chuyên sâu. Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, trong một lượt hút shisha kéo dài một giờ, một người có thể sẽ hít nhiều gấp 100 đến 200 lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotin so với hút một điếu thuốc lá.
Còn theo nghiên cứu mới đây của Trung tâm cộng tác kiểm soát thuốc lá Anh: hút một mẻ shisha (30’), lượng khí CO sẽ cao gấp 4-5 lần so với một điếu thuốc; trong tình huống xấu nhất nó độc hại gấp từ 400 đến 450 lần so với thuốc lá, hơn nữa khi đốt than, hàm lượng CO cao có thể dẫn đến hư hại não và bất tỉnh.
Nghiên cứu tại Pakistan cho thấy: mức độ huyết thanh CEA (Carcinoembryonic antigen) gây ung thư tăng rất cao nếu người ta hút shisha từ 3-8 lượt mỗi ngày trong khoảng từ 2 đến 6 tiếng. Đây là lý do để shisha được liệt vào danh mục bị hạn chế với lý do “chưa kiểm định an toàn” tại Hàn Quốc. Còn một số nước Trung Đông thì cấm hút shisha tại tất cả các điểm công cộng.
Điều đó cho thấy shisha không hề an toàn như chúng ta vẫn tưởng, nhất là thời gian hút shisha của các bạn trẻ thường kéo dài không dưới 1h đồng hồ với vài liều cho “đã”.
Trá hình và nguy hiểm
Tại Việt Nam, shisha không chỉ sử dụng ở dạng “mộc”, điều nguy hiểm là loại thuốc này được kết hợp với ma túy, cần sa, tài mà, rượu mạnh có nguy cơ để lại những biến tướng khó lường. Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh thanh tra Sở Y tế HN cho biết: Việc hút, hít một loại khói nào đó với cường độ cao có thể gây hại cho người và việc đốt rượu từ thể lỏng thành thể hơi sẽ có những tác dụng không khác gì việc uống rượu như: mất kiểm soát, ức chế thần kinh, trụy tim… Sử dụng các chất gây nghiện như ma túy tổng hợp sẽ gây ảo giác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ.
Theo ông Nguyễn Quỳnh Sơn, Đội CS điều tra tội phạm ma túy - Công an quận Cầu Giấy - Hà Nội: ma túy tổng hợp có nhiều loại, trong đó thuốc "đá" ( ICE) là dạng hút (đốt thành khói thông qua 1 bình lọc) không hề gây hưng phấn mà gây ức chế thần kinh, không gây cảm xúc với âm thanh lớn và không biểu hiện các hành vi manh động nên có thể bị sử dụng trá hình như đi hút shisha rồi tiến tới "đập đá" (Metamfetamine ở dạng tinh thể), dụng cụ hút shisha có thể sử dụng để "chơi" loại ma túy tổng hợp đời mới này.
Như vậy, việc hút shisha thông thường cũng gây hại cho sức khỏe không kém gì thuốc lá, hơn nữa còn tác động lớn tới việc học tập, lối sống, đạo đức của thanh thiếu niên. Đặc biệt, đối với phái nữ khi việc hút shisha trở thành “mốt” thì hệ lụy mà nó mang tới sẽ là gì? Một hình ảnh méo mó hay bê tha, thác loạn? Và không ai dám khẳng định liệu họ có trở thành mồi ngon cho những kẻ lạm dụng hoặc sa đà vào tệ nạn?
Trong khi, các cơ quan chức năng gần như bỏ ngỏ khâu quản lý thì nhiều cơ sở kinh doanh đã trục lợi, “dung túng” thậm chí cung cấp các chất gây nghiện cho các “thượng đế” khi có nhu cầu kết hợp, “biến tướng” cùng shisha.
Thiếu chế tài và khó kiểm soát
Theo thông tin từ Công an Thành phố, tháng 2.2011, một trong những quán shisha đầu tiên tại Hà Nội - Cafe Arap Night (33 Phủ Doãn – Hà Nội) đã bị phát hiện về việc trá hình sử dụng ma túy. 82 thanh niên nam nữ hút shisha tại đây được xét nghiệm nhanh ma túy thì có đến 42 đối tượng dương tính với ma túy tổng hợp, cần sa. Cơ quan công an đã khởi tố và tạm giữ hình sự 4 đối tượng về hành vi mua bán, chứa chấp sử dụng trái phép ma túy và thu giữ 27,5 viên ma túy tổng hợp, 4 gói ma túy tổng hợp dạng tinh thể (đá).
Ông Nguyễn Quỳnh Sơn – cán bộ Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết thêm: “Vì shisha không nằm trong danh mục cấm nên chỉ bị thu hồi, lập biên bản khi bình hút shisha được cho là sử dụng “đập đá”. Đối với tình trạng hút shisha biến tướng hiện nay, lực lượng chức năng cũng tiến hành các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn và xử lý theo pháp luật hiện hành, nhưng chưa thực sự triệt để vì nơi sử dụng chủ yếu là ở các quán bar, cafe nên rất khó phát hiện và xử lý.
Hơn nữa việc sử dụng shisha trá hình là hút (không vào đường máu, gây tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh) nên những phương án test nhanh của cơ quan chức năng rất khó nếu không muốn nói là không thể phát hiện ra dấu hiệu sử dụng ma túy!
Thực tế việc bán tràn lan dụng cụ hút shisha trên mạng (thậm chí có cả trang báo điện tử chuyên nghiệp về shisha – shisha.vn) cho thấy shisha “biến tướng” với các trò cảm giác mạnh rất dễ lan tỏa trong một bộ phận thanh thiếu niên, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, lối sống và an ninh trật tự xã hội. Nhiều trường hợp học sinh, sinh viên còn đầu tư hẳn một bộ để tổ chức hút tại nhà hoặc lén lút lấy tiền của gia đình đi hút… Nguy hiểm hơn, khi hiện nay không có bất kỳ chế tài quản lý nào cho shisha nên vô hình chung shisha trở thành công cụ để sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Dù shisha chưa chịu sự quản lý chính thức nào nhưng thực chất các cơ quan an ninh vẫn cần “để mắt” tới hiện tượng “biến tướng” và trá hình của nó. Các phương tiện truyền thông cũng đã dẫn chứng những nghiên cứu thuyết phục nhằm cảnh báo sự độc hại của trào lưu này. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn chỉ hiệu quả khi có đầy đủ công cụ pháp lý điều chỉnh cùng với vai trò của chính quyền, lực lượng chức năng cũng như sự quan tâm và góp sức của toàn xã hội.
Các cơ quan chức năng cũng cần sớm có nghiên cứu và chế tài quản lý với shisha để tránh những tác động xấu tới giới trẻ cũng như gia tăng tệ nạn xã hội. Đặc biệt đối với nhà trường, gia đình và các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đúng đắn về sự độc hại của shisha cũng như sự biến tướng trá hình của nó để quản lý và khuyến cáo con em mình.