Hàng loạt sự cố cây đổ do bão Pakhar đã khiến nhiều người Sài Gòn không khỏi lo lắng khi đi trên những con đường rợp bóng cây, nhất là khi trời mưa gió. Các chuyên gia khuyến cáo cần mạnh dạn xử lý các cây già cỗi.
|
Trước số nhà 59 đường Nguyễn Trãi (quận 5), sau mấy ngày bão hoành hành, hiện trường vẫn ngổn ngang cây đổ, dây điện đứt, trụ điện bị gãy... Anh Lượng ở sát căn nhà bị cây đè kể lại, hôm đó mưa to gió lớn, đang nằm xem tivi thì anh nghe một tiếng ầm, rồi cành cây đập vào mái tôn rào rào. "Nếu lúc đó chẳng may có nhiều người đi đường thì không biết hậu quả sẽ thế nào", anh Lượng nói.
Nguyễn Cẩm Vân, sinh viên ĐH Sài Gòn cho hay, dù biết sẽ có bão bất thường, TP. HCM bị ảnh hưởng nhưng cứ nghĩ chỉ bị mưa như những lần trước. "Không ngờ dông gió quật ào ào, mưa to như trút nước nên tôi không về nhà được. Ngớt mưa đi ra đường tôi thấy cây đổ tràn lan, may mắn không làm ai bị thương. Từ nay chắc tôi hết dám ra đường lúc trời mưa gió", Vân nói.
Cô sinh viên cho biết, hiện ở nhà chú trên đường Nguyễn Biểu (quận 5) để đi học cho gần. Hàng ngày cô thích đi qua con đường rợp bóng cây này vì lúc nào cũng mát mẻ. Nhưng sau cơn bão vừa rồi, thấy các cây lớn dễ dàng bật gốc tự nhiên cô thấy sợ.
Nhiều người dân TP. HCM vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi cơn bão đi qua khiến hàng loạt cây cổ thụ bị gãy đổ. (Ảnh: H.C)
Còn theo ông Bảy nhà trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5), ở Sài Gòn cứ mưa to thể nào cũng thấy báo đài đưa tin có cây đổ. Không chỉ ông mà hầu hết hộ có cây cổ thụ sát nhà luôn thấp thỏm. Chỉ tay về cây dầu cao gần 30 m khoảng trăm tuổi sát bên nhà đã ngả hẳn ra lòng đường, ông Bảy lo lắng: "Ban ngày còn đỡ, chứ nói không may ban đêm đang ngủ mà bị cây đổ trúng thì biết làm thế nào. Mỗi lần có mưa to, gió lớn, gió thổi cây lắc, không biết bị quật ngã lúc nào".
Ghi nhận của PV, sau cơn bão còn nhiều cây bị gió thổi nghiêng có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào. Như trên đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn..., các cành cây bị rũ xuống, nghiêng hẳn về một phía nhưng vẫn còn trụ, chưa bị bật gốc.
TP. HCM hiện có gần 90.000 cây xanh, trong đó khoảng 9.000 cây cổ thụ. Nhiều tuyến đường tại TP. HCM dày đặc cây cổ thụ như Trương Định, Huyền Trân Công Chúa, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Trần Hưng Đạo, 3/2, Lý Thường Kiệt (quận 10, 11)... Trong đó có những con đường chính, đi qua trung tâm thành phố, mật độ xe cộ lưu thông rất cao.
Đến nay thành phố vẫn chưa có tiêu chí cụ thể trong việc xác định cây đến tuổi nào thì chặt bỏ để trồng mới. Hiện quy chế quản lý cây xanh đô thị được bảo tồn trên địa bàn TP. HCM vẫn ở giai đoạn dự thảo.
Nhiều tuyến đường tại TP. HCM có rất nhiều cây xanh có độ cao hơn 20m, dù đem lại bóng mát cho người đi đường nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi mưa bão. (Ảnh: H.C)
Theo tiến sĩ Viên Ngọc Nam, giảng viên ĐH Nông Lâm TP. HCM, việc cây xanh gãy đổ khi gió lớn tại TP. HCM có nhiều nguyên nhân. Đơn vị cây xanh đã không trồng cây nhỏ nuôi cho lớn mà muốn "ăn xổi ở thì", chỉ trồng cây đã lớn để nhanh cho bóng mát... Quá trình vận chuyển phải cắt rễ cọc đi. Trồng xong rễ không thể đâm sâu đỡ cho cây mà phải đâm ngang nên không thể đứng vững khi gặp gió lớn.
Thứ hai là do chiều cao và đường kính cây không cân đối. Vì nhà cao tầng nhiều, cây phải vươn cao để lấy ánh sáng, chênh vênh nên dễ bật gốc. Một nguyên nhân nữa là quá trình đô thị hóa, nền đất bên dưới cây thường là bê tông không phải là đất nguyên sơ, rễ cọc của cây không thể đâm sâu xuống mà chỉ có thể phát triển theo chiều ngang.
Cũng theo ông Nam, để hạn chế thiệt hại do cây xanh gãy đổ cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ. Đối với những cây lớn tuổi, đã quá già có nguy cơ gãy đổ thì phải đốn bỏ, vì cây cũng như người có "sinh, lão, bệnh, tử" không nên tiếc rẻ sẽ gây nguy hiểm cho người dân.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP. HCM) cho biết việc cắt tỉa cành cây chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài muốn hạn chế cây đổ khi thời tiết bất thường phải có những nghiên cứu khoa học. Cụ thể, cần lưu ý hạ độ cao thật nhiều những cây nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của hiệu ứng đường hầm (gió xuyên qua khe hở giữa các tòa nhà sẽ mạnh hơn so với bình thường). Thành phố cũng cần đầu tư mua máy siêu âm chuyên dụng để phát hiện cây bị rỗng ruột, bị mục…
Cả hàng lim xẹt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai bên cạnh sân vận động Hoa Lư (quận 1) bị bật gốc, đè lên đường dây điện. (Ảnh: H.C)
"Đơn vị quản lý cần mạnh dạn sử dụng biện pháp luân canh cho cây xanh trên đường phố. Những cây cổ thụ không thuộc danh mục bảo tồn, khi đạt đến một độ tuổi nhất định cần phải thay thế. Ngoài ra, chúng ta cũng nên lựa chọn trồng những loại cây có bộ rễ ăn sâu, khó bị bật gốc như cây dầu, sao đen…, không nên trồng những cây rễ cạn như lim xẹt, sọ khỉ, phượng vĩ", ông Lý cho biết.
Chiều tối 1/4, cơn bão bất thường tấn công TP. HCM khiến nhiều cây xanh tại công viên Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) bị bật gốc và đè lên 2 taxi, song rất may tài xế chỉ bị thương nhẹ. Cùng thời điểm, cây cổ thụ đường kính hơn một mét, cao hơn 20 m trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) gần ĐH Sài Gòn bị bật gốc, đè lên 7 căn nhà bên đường làm 3 căn nhà bị hư hỏng nặng, một căn bị hỏng hoàn toàn mái và ban công.
Trên đường Lê Văn Lương (quận 7), 2 cây xanh cũng đổ vào trung tâm y tế phường Tân Quy khiến phần mái bị hư hỏng nặng. Đối diện ĐH KHXH&NV, đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, một cây cổ thụ bật gốc và nằm đè lên cửa hàng bán sách gây hư hỏng và đứt đường dây điện... Hàng loạt tuyến đường cũng trong tình trạng tương tự, cây bị đổ ngổn ngang, đến nay vẫn chưa được dọn dẹp xong.
Theo báo cáo của Công ty công viên cây xanh, đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố, bão số Pakhar làm 376 cây bị ngã đổ và 112 nhánh cây gãy (do công ty quản lý), chủ yếu là lim xẹt, sọ khỉ, dầu, sao đen, me chua, bằng lăng. Trong số cây bị đổ, có 132 cây loại 1 (đường kính thân cây dưới 20cm), 210 cây loại 2 (đường kính thân cây từ 20-50cm), 13 cây loại 3 (đường kính thân cây trên 50cm) và 21 cây mới trồng. |
- Ai là người có mức lương hơn 10,3 tỉ đồng/năm ở TP HCM năm 2024?
- Ai là người có lương hưu cao nhất Việt Nam? Con số 'khủng' đến mức nào mà khiến nhiều người giật mình
- Đấu giá biển số vừa diễn ra, đắt nhất ở tỉnh thành nào?
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM