Đang trong mùa biển động nên sau mỗi tin báo gió mùa đông bắc, biển lại cồn lên những đợt sóng như thử thách ý chí và sức chịu đựng của những ai lần đầu đặt chân tới các vùng đảo nổi, đảo chìm mang tên gọi: Cô Lin, Len Đao, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Tiên Nữ...
Lính đảo Phan Vinh trổ tài gói bánh chưng bằng lá bàng vuông Ảnh: Bùi Vũ Minh
Chúng tôi đặt chân lên đảo Phan Vinh và được gặp ở đây những người lính đảo mến khách. Vừa bắt tay, đã thấy họ đon đả mời: “Các anh ở lại ăn tết sớm với chúng tôi nhé!”. Lời mời ấy đã sớm thành hiện thực khi biển động, đoàn không thể ra tàu và thời gian nán lại Phan Vinh của chúng tôi cũng dài hơn dự kiến.
Khách đông nên chiều ấy công việc bếp núc của cánh hậu cần đảo Phan Vinh bỗng trở nên bận rộn: chỗ này mổ heo, chỗ khác huy động anh em “biểu diễn” tiết mục gói bánh chưng. Những chiếc bánh chưng xinh xắn được gói từ khuôn làm bằng lá dừa và lá bàng vuông được dùng thay lá dong. Hỏi nhỏ cánh lính cựu: “Gói bằng lá bàng vuông chắc bánh ăn sẽ bị chát?”. Họ cười, bảo: “Không chát đâu, hương vị Trường Sa đấy!”.
Đến bữa, trên mâm cơm đãi khách thấy những búp bàng vuông, những lá tra mơn mởn được bứt ra đặt lên đĩa thay cho món rau, ai nấy đều tò mò. Đưa lên miệng, thực khách thấy cả vị chát lẫn vị muối mặn mòi của biển. “Món rau cây nhà lá vườn đấy, ăn những lá non này kèm với thịt sẽ đỡ ngán”, chính trị viên phó Nguyễn Văn Tạo bảo vậy. Tôi và các đồng nghiệp háo hức thưởng thức, ai đó có ý so sánh với những lá sung, lá ổi... ăn cùng nem chua, nem thính trong đất liền.
Hôm sau, mấy vị khách lại được mời tới dùng bữa với chiến sĩ phân đội 3. Trong mâm “cỗ tết” đãi khách đất liền, ngoài món truyền thống là thịt heo, anh em còn trổ tài làm món nem rán. Để làm nhân đã có sẵn trứng vịt, không có miến họ lấy mì tôm thay thế. Trên mâm cơm thấy có đủ canh măng, thịt heo, nem rán, cánh lính trẻ còn tỉa tót bày lên đĩa những nụ bàng vuông, những lá tra non mơn mởn... để nhấm nháp cùng thịt luộc. Hóa ra lính đảo vừa khéo tay vừa lãng mạn chẳng kém phái đẹp mỗi lần vào bếp...
Chúng tôi rời Trường Sa trở về đất liền khi hương xuân đã bắt đầu lan tỏa trên khắp mọi nẻo đường. Xa đảo, bỗng thấy nhớ những đợt sóng cồn lên trong những ngày biển động, nhớ những món ăn đãi khách đất liền được làm từ bàn tay khéo léo của lính đảo, rồi những trái bàng vuông, những vỏ ốc, vỏ sò còn mặn mòi vị biển. Ở nơi ấy, lần đầu tiên chúng tôi được cùng lính đảo đón tết sớm giữa trùng khơi...